Tháp Bình Lâm - cô gái đẹp ẩn mình
15:51', 3/10/ 2006 (GMT+7)

Không giống như các tháp Chàm Bình Định khác, thường được xây dựng trên gò cao, tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) nằm giữa vùng đất bằng. Đến với tháp Bình Lâm, ta không những được tận mắt chiêm ngưỡng một kiến trúc thanh tú, duyên dáng của nghệ thuật Chăm, mà còn được nghe những người cao niên kể bao câu chuyện xen lẫn hư - thực...

 

Tháp Bình Lâm. Ảnh: H.T

 

* Nghe chuyện lưu truyền quanh tháp cổ

Ngồi dưới chân tháp Bình Lâm, chúng tôi được người dân kể cho nghe những câu chuyện kỳ thú về cổ tháp này. Ông Nguyễn Minh Phương, 75 tuổi, người đã sống cạnh tháp Bình Lâm từ những ngày tóc còn để chỏm, thì vào những năm 1967-1968, chiến sự diễn ra ác liệt, khu vực thôn Bình Lâm là vùng cách mạng, nên thường xuyên hứng chịu những trận đạn pháo của Mỹ - ngụy. Chính bởi vậy, bà con thôn Bình Lâm đã vào trong lòng tháp trú ẩn cho an toàn. Có khi, người dân vào sống trong tháp đến vài tháng trời, chỉ cắt cử những người đàn ông nhanh nhẹn ra ngoài nấu cơm, đem vào tiếp tế. Tháp Bình Lâm bởi vậy được xem như "thần hộ mệnh" cho bà con Bình Lâm tránh khỏi làn bom đạn của giặc. Có lần địch đã bắn 3 trái pháo vào mặt nam của tháp, nhưng chỉ làm cho mảng gạch bên ngoài lún sâu vào khoảng 2 tấc, còn bà con trú ẩn bên trong vẫn an toàn.

Không chỉ là nơi trú ẩn, tháp Bình Lâm còn được chọn làm tháp canh để quan sát địch. Người ta trồng các dây leo lên đỉnh tháp để ngụy trang và thường xuyên cắt cử vài người túc trực ở tháp để quan sát. Vật báo hiệu của tháp canh khi đó là một bồ lúa to, sơn nửa đen nửa trắng. Nửa trắng phía dưới được giấu kín, chỉ để lộ nửa đen phía trên. Những người ở trên tháp canh mỗi khi thấy địch đi càn thì dùng dây kéo bồ lúa lên để lộ phần trắng ra. Đó là tín hiệu báo động cho mọi người sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài những câu chuyện trên, quanh tháp, còn lưu truyền bao nhiêu câu chuyện khác, xen lẫn hư - thực. Chẳng hạn, có người kể rằng trước đây, cứ vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, là có bầy gà vàng xuất hiện và đi kiếm ăn quanh tháp. Ông Phương cũng kể rằng vào thời Bảo Đại, Pháp đã cho người và máy bay đến khảo sát tháp Bình Lâm. Ông tới xem và hỏi người thông dịch thì được biết chúng đến tìm vàng. Lời đồn thổi về vàng truyền từ người này qua người khác. Người dân ở thôn Bình Lâm kể rằng có một người trong thôn đào được một hũ vàng...

* Một vẻ đẹp riêng

Tháp Bình Lâm là một trong những ngọn tháp đẹp, thanh tú và tiêu biểu cho xu hướng kiến trúc chuyển tiếp từ phong cách trước đó sang phong cách Bình Định (thế kỷ XI-XIV) trong kiến trúc Chăm, báo hiệu sự ra đời phong cách kiến trúc Bình Định của nghệ thuật Chăm. Tháp cao 20 mét, bình đồ vuông, xây hoàn toàn bằng gạch theo kiểu tầng với cửa chính quay về phía đông, còn ba mặt là cửa giả quay về ba hướng Tây - Nam - Bắc.

TS. Đinh Bá Hòa - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, viết: "Cái đẹp nhất của tháp Bình Lâm chính là những vòm cửa giả. Ở tháp Bình Lâm, các mô típ hoa văn đều được tạo trực tiếp lên gạch với hình dáng tỉ lệ cân đối nên đã tạo được vẻ đẹp riêng cho ngôi tháp. Những họa tiết trang trí các tháp góc và những hình ảnh tòa lâu đài trên các cửa giả, cùng với những hoa văn trang trí kiểu chuỗi hạt đã cho thấy ở tháp Bình Lâm một xu hướng kiến trúc mới đã xuất hiện". Ngoài ra, đến với tháp Bình Lâm, ta còn có cơ hội đến với dấu tích của thành Thị Nại, một tòa thành cổ đã từng ghi dấu ấn một thời của quân dân Chàm - Việt chống quân xâm lược Nguyên Mông (1283), mà nay nếu chịu khó kiếm tìm, vẫn có thể nhận thấy chút dấu tích bờ thành ở về phía đông ngọn tháp Bình Lâm.

 

Bia công nhận di tích của tháp Bình Lâm bị đống rơm che khuất. Ảnh: H.T

 

* Để trả lại vẻ đẹp cho tháp

Hiện tại, lối đi vào tháp Bình Lâm chỉ là một con đường đất nhỏ và cũng chỉ có xe máy mới đi vào được. Mặt trước cửa chính của tháp đã bị án ngữ bởi nhà và vườn của một hộ dân, nên lối đi này giờ cũng chỉ còn một mảnh đất nhỏ. Trước cửa giả phía Tây, nơi đặt bia công nhận di tích, thì đã bị người dân tận dụng chất đầy rơm rạ nên muốn lách mình vào nhìn tấm bia cũng đã khó. Nhìn chung, khung cảnh di tích cấp quốc gia này đang bị xâm thực.

Ông Đặng Hữu Thọ - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: "Tuy đã được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1993, nhưng đến nay, vẫn chưa có được dự án nào trùng tu tôn tạo lại tháp Bình Lâm. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã cố gắng gia cố, chống xuống cấp tháp hai lần vào các năm 2001 và 2005. Tuy nhiên, với số tiền ít ỏi 100 triệu đồng lấy từ kinh phí sự nghiệp, chúng tôi chỉ có thể làm những việc đơn giản như nẹp và trám lại những chỗ nứt nẻ, nhổ cỏ và diệt cây xanh trên thân tháp….". Còn khi ngắm nhìn hình ảnh ngọn tháp nổi lên giữa buổi chiều tà, chúng tôi lại hình dung nó như một cô gái đẹp đang ẩn mình, chờ được đánh thức.

Được biết, khu vực xóm Tháp quanh tháp chỉ có khoảng 9 hộ dân với trên dưới 40 nhân khẩu. Do đó, việc giải tỏa để tạo không gian xung quanh tháp và mở đường vào tháp là việc không quá khó. Xin kết thúc bài viết bằng lời tâm sự rất chân thành của ông Phương: "Nhà nước có lấy đất để mở đường và mở rộng khuôn viên xung quanh tháp bao nhiêu tui cũng chấp nhận. Tuổi già rồi, tui chỉ còn sống vài năm nữa thôi, nên trước khi chết, tôi chỉ có ước nguyện là được chứng kiến tháp Bình Lâm có một bộ mặt mới thật đẹp…".

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ  (29/09/2006)
Đứng thẳng lưng dưới mặt trời  (28/09/2006)
Trò chuyện với người viết "Học phí trả bằng máu"  (28/09/2006)
Bạn tôi  (28/09/2006)
Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (28/09/2006)
Chỉnh trang, nâng cấp mộ Hàn Mặc Tử  (28/09/2006)
"Khi kịch cọt lúc thơ ca"  (27/09/2006)
Đã có nhiều thay đổi trong quản lý dịch vụ văn hóa  (26/09/2006)
Trần Thu Hà và Đối thoại 06  (25/09/2006)
Uống cà phê và nghe mưa rơi ở Quy Nhơn  (25/09/2006)
Truyện Kiều sẽ đến với từng nhà  (24/09/2006)
Tôi và em và Miki  (24/09/2006)
Vua và Em  (22/09/2006)
Hoa hậu  (22/09/2006)
Di tích Quy Nhơn chờ một diện mạo mới  (22/09/2006)