Kết nối cung cầu đưa sản phẩm Bình Ðịnh đi xa
Hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, năm 2024, Sở Công Thương tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Hà Nội, Ðà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang…, nhằm thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt.
Cuối tháng 9 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định (Sở Công Thương) đưa 12 DN với 40 sản phẩm thuộc các ngành hàng chế biến thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, đồ uống có cồn, trà, bánh kẹo tham gia Hội nghị giao thương kết nối xuất khẩu hàng hóa khu vực Nam Trung Bộ với DN Hàn Quốc năm 2024 tại tỉnh Ninh Thuận. Các sản phẩm Bình Định tham gia hội nghị đều đã được chứng nhận theo quy trình sản xuất ISO, HACCP, FDA, OCOP từ 3 - 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực.
Ông Dương Văn Hành, Giám đốc Công ty TNHH BiDir Hoàng Long (bìa phải) ký bản ghi nhớ hợp tác với Công ty MICE (Hàn Quốc) tại Hội nghị giao thương kết nối xuất khẩu hàng hóa khu vực Nam Trung Bộ với DN Hàn Quốc năm 2024 tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: DNCC
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định, đánh giá: Các DN Bình Định tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị đều có sự đầu tư kỹ về mẫu mã, chuẩn bị catalogue, brochure cung cấp thông tin giới thiệu sản phẩm, các thị trường tiềm năng đã và đang phân phối, trao đổi trực tiếp nhu cầu, nguyện vọng với các DN Hàn Quốc. Kết quả, 3 DN Bình Định đã ký 5 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với các DN Hàn Quốc: Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Phúc Nhân (Tây Sơn) ký với Công ty MICE, Công ty ANSUNG; Công ty TNHH MTV Vita (Tây Sơn) ký với Công ty NATURAL CORE, Công ty MICE; Công ty TNHH BiDir Hoàng Long (An Nhơn) ký với Công ty MICE.
Ông No Han Woo, Tổng Giám đốc Công ty MICE, chia sẻ: Chúng tôi đánh giá cao sản phẩm rượu Bàu Đá đậu xanh của Công ty TNHH BiDir Hoàng Long. Đây là bước đầu tiên để nhà cung cấp và công ty chúng tôi gặp nhau, trên cơ sở buổi làm việc này hai bên sẽ có những thảo luận chi tiết. Sau đó, các bên sẽ ký hợp đồng chính thức để đưa hàng hóa lên kệ các siêu thị hoặc các chuỗi cung ứng sản phẩm của công ty.
Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Phúc Nhân, cho biết: Chúng tôi trực tiếp chào mời sản phẩm bắp sấy giòn với 38 DN của Hàn Quốc tham gia hội nghị. 2 DN đánh giá cao sản phẩm và ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Chúng tôi xem đây là cơ hội đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và quảng bá thương hiệu tại nước ngoài.
Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), hầu hết các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, phát triển thị trường. Vì vậy, kết nối cung - cầu là một trong những giải pháp thiết thực để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy liên kết vùng trong hỗ trợ DN quảng bá, xúc tiến bán hàng thông qua thương mại điện tử, đưa DN tham gia cùng giao dịch xúc tiến thương mại - đầu tư với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đánh giá: Qua các lần tổ chức, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu ngày càng chuyên sâu và hoạt động chuyên nghiệp hơn; đòi hỏi các nhà cung ứng, nhà phân phối tiếp xúc trực tiếp, trao đổi những vấn đề cụ thể về sản phẩm, số lượng hàng, hình thức thu mua, chế biến, bao tiêu… Từ đó, DN đã không ngừng đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, ký kết được nhiều hợp đồng, tăng doanh thu và lợi nhuận, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
HẢI YẾN