Nâng cao giá trị nguồn dược liệu ở An Lão
An Lão là địa phương có nguồn dược liệu phong phú, trước đây người dân chủ yếu khai thác, bán thô. Nhưng trong những năm gần đây, một số HTX đầu tư vào khai thác, chế biến dược liệu thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm…, nâng cao giá trị của dược liệu. Trong đó, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, dần tạo nên thương hiệu dược liệu An Lão.
Nguồn dược liệu phong phú ở huyện An Lão đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho người dân nơi đây nhiều năm qua. Bên cạnh đó, hoạt động mua, bán sản phẩm sơ chế hoặc nguyên liệu thô cũng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, so với các sản phẩm tinh chế, cách làm này cho hiệu quả kinh tế chỉ bằng 15 - 20%. Nhận thấy tiềm năng lớn từ việc phát triển vùng dược liệu ở huyện miền núi An Lão, một số HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến, tạo nên những sản phẩm chất lượng cao.
Các hộ dân trồng dược liệu tại vườn ươm Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ BIDIPHAR. Ảnh: HẢI YẾN
Không chỉ dựa vào nguồn dược liệu có sẵn từ thiên nhiên, hiện nay, phần lớn cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ dược liệu ở huyện An Lão đã chủ động vùng nguyên liệu, có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất. Trong đó, HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn trồng gần 5 ha cây đương quy, đảng sâm, kim ngân, ngũ sắc; Công ty TNHH MTV Dược liệu hữu cơ BIDIPHAR trồng 8 ha cây ba kích tím, hà thủ ô đỏ, địa hoàng, bồ công anh, xạ đen…, và nhân giống để bảo tồn một số loại cây như chè dây, thổ phục linh, lan kim tuyến…; HTX Dịch vụ và Dược liệu An Toàn tập trung trồng và chăm sóc các loại cây sả rừng, quế…
Đến nay, đã có 7 sản phẩm sử dụng dược liệu ở huyện An Lão đạt OCOP hạng 3 sao gồm: Trà túi lọc chè dây An Toàn, rượu sim BĐ 77 (của Công ty TNHH MTV dược liệu hữu cơ BIDIPHAR, ở thôn 3, xã An Toàn); trà thảo mộc chè dây - Dạ Cẩm, bột ngâm chân thảo mộc, cao thảo mộc xịt họng (của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn); nụ quế thông An Toàn (của HTX Dịch vụ và Dược liệu An Lão); sim MO8 - rượu sim rừng An Lão (của hộ kinh doanh Mộc Thảo, ở thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa).
Anh Đinh Lê Tuấn Anh, Giám đốc HTX Dịch vụ và Dược liệu An Lão, chia sẻ: Toàn huyện An Lão có hơn 170 ha quế rừng, chúng tôi nhận thấy người dân chỉ bán thô cho các thương lái vỏ, thân, cành, lá cây quế nên thành lập HTX để thu mua, sản xuất các sản phẩm liên quan đến dược liệu này như: Nụ quế thông, cốc nến vỏ quế, gia vị thảo mộc, rượu xoa bóp, bột quế sạch, quế thanh cạo vỏ, muối chấm B’Rê. Hiện nay, mỗi tháng chúng tôi thu mua hơn 600 kg quế thô, sản xuất được nhang quế nụ đạt chuẩn OCOP 3 sao cung cấp cho thị trường, đạt doanh thu 30 triệu đồng/tháng. Thông qua hoạt động thu mua, sản xuất, chúng tôi đã tạo việc làm cho một số người dân ở xã An Toàn, nâng cao giá trị của cây quế. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và sản xuất một số loại sản phẩm làm đẹp, thực phẩm từ cây quế, trà ô long…
Ngoài HTX Dịch vụ và Dược liệu An Lão, nhiều đơn vị khác cũng đã có sự chuyển mình rõ rệt, đầu tư bài bản về công nghệ, dây chuyền sản xuất, năng lực thương mại sau khi ổn định vùng nguyên liệu. HTX Nông dược và Dịch vụ An Toàn do anh Thái Minh Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc, thành lập từ năm 2021, chuyên sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng có nguyên liệu chủ đạo thu hoạch từ vùng dược liệu tại xã An Toàn như: Viên nang bổ dưỡng (đảng sâm), viên nén hoạt huyết (đương quy), siro ho (thường xuân), bột sủi thanh nhiệt (kim ngân), dầu gội thảo mộc (ngũ sắc, tía tô)…
Sau 3 năm thành lập và phát triển, HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn đã phối hợp với Sở KH&CN thực hiện dự án Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình nuôi trồng, chăm sóc đương quy theo GACP-WHO và sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm từ nguồn dược liệu đương quy.
Ngoài ra, HTX Nông dược và Dịch vụ An Toàn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH đang triển khai dự án trị giá trên 1,6 tỷ đồng hỗ trợ 31 hộ nghèo trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu cây đương quy và dự án trị giá gần 280 triệu đồng phát triển sản xuất cộng đồng cây đương quy tại thôn 1, xã An Toàn.
Điều đáng mừng là thời gian qua nhiều đơn vị đã có sự đầu tư lớn, bước đi bài bản trong hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi quy cách sản phẩm, bao bì nhãn mác, hướng đến những thị trường cao cấp hơn.
Ông Nguyễn Đức Thiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV dược liệu hữu cơ BIDIPHAR, cho biết: Tại các hội chợ, các sản phẩm chế biến, có chất lượng, mẫu mã, bao bì đẹp mắt đạt giá trị cao của chúng tôi được người tiêu dùng ưa chuộng hơn những dược liệu chỉ mới sơ chế… Công ty đã đầu tư hơn 23,56 tỷ đồng trồng dược liệu tại xã An Toàn. Dự kiến tới năm 2030, công ty đạt sản lượng 250 tấn dược liệu; tiếp tục mở rộng nhà máy, đầu tư thêm các thiết bị như máy sấy lạnh, hệ thống chiết xuất, máy đóng dịch lỏng… đảm bảo xuất khẩu vào các thị trường quốc tế.
HẢI YẾN