Cùng cam kết trách nhiệm và vun đắp tình yêu thương
Bình đẳng giới là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển toàn diện của xã hội. Thời gian qua, công tác bình đẳng giới tại Bình Định đã có những chuyển biến tích cực, tạo môi trường, điều kiện sống tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 (15.11 - 15.12), phóng viên Báo Bình Định có cuộc trò chuyện với bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, về tình hình thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh hiện nay; những yếu tố để thúc đẩy công tác bình đẳng giới đạt hiệu quả, thực chất.
Linh hoạt, toàn diện
Để thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực, sự linh hoạt trong cách tổ chức cũng góp phần tăng tính hiệu quả cho công tác này.
* Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều hướng đến có mục tiêu số 5 “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Tỉnh Bình Định đã và đang triển khai những hoạt động gì để đạt được điều này, thưa bà?
- Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển KT-XH của đất nước nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là “chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử; xóa bỏ bạo lực và các tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; giải quyết vấn đề về công việc chăm sóc con, nội trợ… trong gia đình không được trả công; đảm bảo sự tham gia hiệu quả của phụ nữ ở mọi cấp độ ra quyết định và tiếp cận phổ cập đến quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục”.
Tại tỉnh Bình Định, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bình đẳng giới, các kiến thức về giới, kiến thức có liên quan đến phụ nữ và trẻ em được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh.
Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách, kế hoạch, các chương trình có lồng ghép giới nhằm đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ và trẻ em trong quá trình triển khai các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Lãnh đạo các ngành GD&ĐT, LĐ-TB&XH, CA, Y tế ký quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: T.K
* Bà có thể cho biết một số mục tiêu cơ bản của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024?
- Một số mục tiêu cơ bản, trọng tâm của Tháng hành động bình đẳng giới năm 2024 có thể kể đến như: Tạo nên chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em...
Tất nhiên, để đạt được những mục tiêu đó, sự cam kết trách nhiệm cao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là rất quan trọng.
* Mỗi năm, lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức tại các địa phương khác nhau có phải nhằm lan tỏa đến tất cả mọi người và các cơ quan, đơn vị, tổ chức?
- Lễ phát động Tháng hành động là sự kiện mở đầu cho chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh. Ngay sau lễ phát động sẽ diễn ra hàng loạt hoạt động hưởng ứng Tháng hành động do các cơ quan, địa phương tổ chức theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh.
Lễ phát động được tổ chức tại nhiều địa phương khác nhau nhằm nhân rộng, lan tỏa ý nghĩa của Tháng hành động, đồng thời tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân và cả cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.
Trách nhiệm và yêu thương
Cùng với sự tham gia của các cấp, ngành, ý thức chia sẻ, sự cảm thông từ gia đình, xã hội và sự tự nỗ lực vươn lên của phụ nữ sẽ là yếu tố giúp công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ngày càng đạt hiệu quả cao, bền vững.
* Những năm qua, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có được nhiều thành quả đáng mừng, điều gì khiến bà ấn tượng nhất?
- Hiện nay, thời gian trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công của phụ nữ cao hơn so với nam giới là 2,15 lần (số giờ trung bình của nữ là 2,22 giờ/ngày; nam giới là 1,03 giờ/ngày; thời gian tham gia chung của cả 2 giới là 1,63 giờ/ngày). Dù vẫn còn chênh lệch nhưng điều này chứng tỏ nữ giới và nam giới đã có sự chia sẻ trong việc chăm sóc gia đình, tạo điều kiện cho nữ giới tham gia các hoạt động xã hội.
Đặc biệt, nữ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước (sở, ban, ngành) của tỉnh có 12/20 đơn vị, chiếm 60%; số lượng cán bộ, công chức theo dõi, phụ trách Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ từng cấp khá ấn tượng (cấp tỉnh 21 người, cấp huyện 222 người và cấp xã là 748 người). Cùng với đó, 100% cơ sở y tế triển khai dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản; Dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản và mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, từng bước cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh, tập trung giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh...
Đó là những con số rất ấn tượng, những kết quả sau bao nhiêu năm nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Cán bộ Sở LĐ-TB&XH thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em được phẫu thuật timbẩm sinh. Ảnh: T.K
* Trong hoạt động “tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, bên cạnh hành động của các cấp, ngành liên quan, theo bà, chúng ta nên làm gì để “tạo cơ hội” cho nhau?
- Một thế giới hòa bình, không có bạo lực, dịch bệnh, đói nghèo, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và tràn ngập tình nhân ái là ước nguyện chính đáng của nhân loại. Ước vọng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả chúng ta, mọi người dân cùng chung tay vun đắp với sự hiểu biết, trách nhiệm và tình yêu thương.
* Bà có thể nói rõ hơn về cách mà phụ nữ “tự tạo cơ hội cho mình”?
- Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, dù được tạo điều kiện, hỗ trợ rất nhiều nhưng phụ nữ cũng phải cần tự trang bị kỹ năng, kiến thức và rèn luyện để tăng quyền năng cho chính mình; nâng cao năng lực về kiến thức, thái độ, kỹ năng; nâng cao sự tự tin tự chủ; năng lực ra quyết định.
* Xin cảm ơn bà!
THẢO KHUY (Thực hiện)