Nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác thải tại nguồn
Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng đang trở thành thách thức đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc phân loại rác ngay tại nhà, khu vực nơi công cộng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất, nhằm giảm tải áp lực cho các bãi chôn lấp, đồng thời tối ưu hóa việc tái chế và xử lý rác thải.
Thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn là một bài toán khó, cần quá trình lâu dài cũng như cơ chế hoạt động, xử lý vi phạm… Thực tế đã có nhiều địa phương triển khai thực hiện mô hình này nhưng vẫn chưa tạo sự thay đổi bền vững.
Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Tại Bình Định, năm 2023 tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh khoảng 1.051 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng hơn 581 tấn/ngày, tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý đạt hơn 74%. Tính đến hết tháng 8.2024, tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý đạt 80%. Hiện toàn tỉnh có 5 DN, 9 đơn vị sự nghiệp công ích, 17 HTX và các cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH với hơn 60 xe ép rác chuyên dụng, 54 xe tải các loại và 494 xe đẩy tay thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải.
Tháng 10 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) tổ chức 3 lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng nhựa, túi ny lông khó phân hủy, sử dụng một lần, với sự tham dự của 90 lượt người dân các xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), xã Phước Sơn và xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước).
Qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa; vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi ny lông dùng một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và ny lông, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, các hành vi bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến bảo vệ môi trường...
Ông Trần Quốc Toàn, Trưởng thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh), chia sẻ: Trước đây, mọi người cứ nghĩ phân loại rác là điều không quá cần thiết, cứ gom hết bỏ vào một chỗ là được rồi. Nhưng qua các lớp tập huấn, được tuyên truyền về lợi ích của việc phân loại rác thải và tác hại của việc xử lý rác thải không đúng cách, tôi và bà con có suy nghĩ khác. Từ giờ, chúng tôi sẽ chủ động thực hiện phân loại rác thải theo hướng dẫn, hạn chế sử dụng nhựa, túi ny lông khó phân hủy để góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn.
Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ: Hiện nay, tại nhiều nơi, ý thức về phân loại rác vẫn còn hạn chế. Nhiều người dân chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc này hoặc chưa được hướng dẫn đầy đủ về cách thức phân loại đúng. Việc phân loại rác không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí cho việc xử lý rác thải và tạo ra nguồn tài nguyên mới, tạo ra những giá trị xã hội trong việc kết nối cộng đồng từ chính những hoạt động xã hội ý nghĩa.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định 3 nhóm chất thải chính được phân loại, gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc hướng dẫn phân loại cụ thể như:
- Các loại rác phổ biến bao gồm rác hữu cơ như các loại thực phẩm thừa, vỏ trái cây, lá cây... có thể được sử dụng để ủ phân hữu cơ, góp phần cải thiện chất lượng đất.
- Rác tái chế như chai nhựa, giấy, kim loại, có thể được tái sử dụng để sản xuất các sản phẩm mới, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.
- Rác vô cơ không thể tái chế cần được xử lý đặc biệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
THÀNH NGUYÊN