Nghĩ từ đá Vọng Phu
Bình Định có đá Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh
Đến ngã ba xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, đi theo con đường tỉnh lộ ven biển, đến đỉnh đèo Vĩnh Hội, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, hiện ngay bên trái, trên một đỉnh núi thuộc dãy núi Bà, một hòn đá có hình một người mẹ bồng con nhìn ra biển Đông. Đó là đá Vọng Phu.
Người Việt hẳn không xa lạ gì với câu ca dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Lạng Sơn, nơi biên thùy, nơi chứng kiến chiến tranh, binh đao và ly biệt. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà “linh hồn cộng đồng” lại phổ lên hòn đá giống hình người mẹ bồng con cái tên Hòn Vọng Phu - Tô Thị. Trong giai điệu bi tráng, những đối lập tâm trạng trong bài hát Hòn Vọng Phu nổi tiếng của Lê Thương “Người đi ngoài vạn lý quan san/Người đứng chờ trong bóng cô đơn/ Người không rời khỏi kiếp gian nan/ Người biến thành tượng đá ôm con/Người tung hoành bên núi xa xăm/Người mong chồng còn đứng muôn năm” đã nói lên cái tâm trạng bi thương của đá. Và nàng Tô Thị - Vọng Phu đã trở thành biểu tượng, hiện thân của bất hạnh chia lìa, của trông chờ tuyệt vọng. Dân gian đã đơn giản ghi lại lịch sử cộng đồng như vậy- một lịch sử có tâm hồn!
***
Thật lạ! Không phải nơi biên thùy, đá Vọng Phu Bình Định nhìn ra biển, ra đầm Thị Nại, rất gần với cửa Cách Thử nay đã bị lấp, chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, tao loạn nhưng nguyên nhân Vọng Phu, nội dung Vọng Phu không có nguồn gốc từ chiến tranh.
Chuyện về đá Vọng Phu do Quách Tấn kể lại trong Nước Non Bình Định và Sự tích núi Vọng Phu trong Truyện cổ thành Đồ Bàn do nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân sưu tầm có một số chi tiết khác biệt nhưng cái cốt chính của chuyện giống nhau. Chuyện rằng, có hai vợ chồng sống ven biển sinh được hai người con, một anh trai và em gái. Người anh trong một lần sơ ý đã làm em gái bị thương ở đầu, chảy nhiều máu. Tưởng em gái bị chết, vì sợ cha mẹ, người anh trốn biệt khỏi nhà. Khi trưởng thành, người anh lấy vợ, sống cuộc sống bình thường, hạnh phúc. Tình cờ, người anh (tức người chồng) phát hiện vợ mình lại chính là em gái ruột của mình. Lần này, ôm bi kịch không thể chia sẻ cùng ai, người chồng (anh) ra đi vĩnh viễn không về. Người vợ (em) bồng con lên núi chờ chồng lâu ngày hóa thành đá. Đó chính là đá Vọng Phu sừng sững trên núi, cô đơn nhìn ra biển bây giờ.
Có một thông điệp từ câu chuyện éo le này: tình yêu không thể sống cùng tội lỗi, ở đây là một trọng tội - tội loạn luân. Người chồng vì đạo lý mà tự dứt bỏ tình yêu. Đó là nghĩa lớn vì sự tồn vong của cộng đồng, lời nhắc nhở truyền đời về nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng. Nhưng sự éo le ngang trái giữa tình yêu và đạo lý lại “vận” vào số phận người phụ nữ với bi kịch cá nhân, với nỗi bất hạnh tình yêu không được đền đáp: “Mưa ba thu lệ tình lai láng/Ngày rêu in một áng sầu văn”- Đại thi hào Nguyễn Du đã cảm tác về nàng “Vọng Phu” như vậy. Ẩn sâu trong biểu tượng Vọng Phu, cùng một lúc dân gian gởi gắm nhiều thông điệp về tình yêu, hạnh phúc, bổn phận.
Biểu tượng Vọng Phu chính là tác phẩm văn hoá mà dân gian tạo nên bằng cách phổ hồn vào đá, “vĩnh hằng hoá” giá trị cốt lõi, cao quý nhất của đời sống con người, một cách “khái quát hoá” giá trị cuộc sống của những con người bình thường, lầm lũi làm ăn, không dễ làm được bài thơ thất ngôn bát cú hay lục bác đúng niêm luật theo kiểu bác học. Cũng như bất cứ sự “ khái quát” nào, cái nỗi bất hạnh về khát vọng tình yêu không được đền đáp được chắc lọc từ đời sống tinh thần cộng đồng nhiều thế hệ, từ “trăm ngàn đau đớn” do chia lìa đôi lứa biểu hiện trong văn hoá dân gian Bình Định.
Ai từng nghe Lý Vọng Phu hẳn sẽ cảm nhận được cái xa xót day dứt tột cùng của sự cô đơn: “Trên trời có đám mây xanh/Chính giữa mây trắng, chung quanh mây vàng/ Ôi tình phụ tình phàng/Chừ là duyên chi lắm bấy/Chừ cái dạ em trông chồng mà không thấy chồng đâu/ Ôi ông chồng mình ơi/ Chi mà tệ tệ lắm chàng/Chi mà bạc bạc lắm chàng”. Và đây là sự đau đớn khôn nguôi của tình yêu đổ vỡ trong một bài ca dao: “Củ lang Đồng Phó, đỗ phụng Hà Nhung/ Chàng bòn thiếp mót đổ chung một gùi/ Chẳng qua duyên nợ sụt sùi/ Anh tức anh bỏ cái gùi em đi/ Chim kêu trên núi Từ Bi/ Nghĩa nhơn anh còn bỏ huống chi cái gùi”. Còn đây là nỗi buồn của thiếu phụ chờ chồng trong hát ru Bình Định: “Ngồi sười núi, núi sườn non biết lấy ai bầu bạn/ Chim trên ngàn, chim trên ngàn vẫn hát ru con ơi/ Con hỡi, con ơi. Con đừng khóc nữa/ Cha con còn đi biển chưa về.”.
Thật sự không thể kể hết trăm ngàn “mảnh hồn người” gắn tâm trạng của mình vào cái khát vọng tình yêu - hạnh phúc hóa đá kia trong Lý thương nhau, Lý dệt vải, Lý con cá…, trong hát ru và cao dao, dân ca xứ Nẫu. Đó là cái cách mà văn hóa sống đời sống của nó trong tinh thần con người, thể hiện vai trò của nó đối với đời sống tinh thần cộng đồng, nó làm cho cảm nhận về chân thiện mỹ luôn hiện hữu, sống động trong những trải nghiệm tinh thần.
3.
Không dừng ở văn hóa dân gian, cái nội dung khát khao- tình yêu- hạnh phúc tiếp tục “ đời sống của nó” trong sáng tác của rất nhiều tác giả hiện đại. “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/ Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”, đó là sự cô đơn trong khao khát hòa hợp tình yêu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mô tả bằng nhạc trong cảnh quang sáng tác tại Bình Định. Hoặc Xuân Diệu dùng chính chất liệu biển để nói về khao khát tình yêu của con người: “Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật êm/ Hôn êm đềm, mãi mãi/ …Cũng có khi ào ạt/ Như nghiến nát bờ em/ Là thủy triều yêu mến/ Ngập bến của ngày đêm”.
Thật khó mà kể hết những biểu hiện của sự khát khao hạnh phúc- tình yêu trong các loại hình nghệ thuật thời hiện đại. Hiện đại có nguồn gốc từ truyền thống, hẳn là như vậy rồi. Sự tiếp nối đó chắc chắn đã nói lên một sự thật rằng khao khát tình yêu của con người quá- khứ- truyền- thống chẳng khác gì so với con người thời hiện đại . Vì đó là bản chất của cuộc sống. Mà cũng thật lạ, khát khao tình yêu- hạnh phúc, ý nghĩa của nó với số phận cá nhân trong câu chuyện về người đàn bà hóa đá thật giống với câu chuyện Mỵ Châu- Trọng Thủy với cái giếng ngọc- hiện thân của Mỵ Châu.
Có thể hơi khập khiễn một chút khi so sánh chủ đề của một câu chuyện dân gian Bình Định- Việt Nam với câu chuyện tình nổi tiếng Romeo và Juiliet của đại văn hào William Shakespear người Anh, nhưng rõ ràng chủ đề tình yêu gắn với ý nghĩa cuộc sống cá nhân ở hai câu chuyện có xuất xứ từ hai nền văn hóa khác nhau lại giống nhau đến kỳ lạ. Các nhà văn hóa nói rằng đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp cái nhân loại và hiện đại thật quả không sai.
Trong hành trình đi tìm vẻ đẹp tinh thần của người Bình Định trong tác phẩm nổi tiếng Nước non Bình Định, Quách Tấn đã bắt gặp và ngưỡng mộ biểu tượng Vọng Phu. Ông đã mô tả kỹ và viết thơ về cái mà ông gọi là “ con người đá”: “Bóng nhạn trời thu tê tái ruột/ Tiếng quyên đêm hạ vẩn vơ hồn”. Trong cái thời chiến tranh ly biệt mà ông sống, Quách Tấn đi tìm giá trị muôn thuở của đời người âu cũng là chuyện bình thường. Và trong cách nhìn của nhà thơ nổi tiếng, đá Vọng Phu như một biểu tượng tinh thần đã trở thành di sản văn hóa tiêu biểu của người Bình Định.
Đá Vọng Phu bây giờ vẫn nhìn ra biển Trung Lương xã Cát Tiến. Khung cảnh hoang sơ của núi rừng, rừng dương ven biển, bãi tắm Cánh tiên, của bờ cát trắng dài với những làn sóng bốn tầng tuyệt đẹp nơi đây đang thu hút khách du lịch đến ngày một nhiều. Cùng với thiên nhiên, du khách còn được chiêm vọng đá Vọng Phu để được cùng trải nghiệm với người xưa khát vọng lớn nhất của đời người- khát vọng về tình yêu- hạnh phúc.
NGÔ HỒNG SƠN