Đền thờ Đào Tấn đã thành hiện thực
Sau gần 10 năm kể từ khi huyện Tuy Phước đề xuất ý tưởng, công trình Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn mới xuất hiện trên quê hương Vinh Thạnh của danh nhân. Nhiều ý tưởng hay, đóng góp tâm huyết và cả lời hứa thiêng liêng hướng đến mục tiêu nâng tầm công trình, biến nơi đây thành bảo tàng về Đào Tấn đã được chia sẻ trong ngày khánh thành (16.8).
Nơi tưởng niệm, lưu giữ, vinh danh Hậu tổ tuồng
Tròn 1 năm trước, vào dịp kỷ niệm lần thứ 170 năm Đào Tấn chào đời (1845 - 2015), công trình ý nghĩa trên đã được khởi công. Đền thờ được xây dựng trên khu đất rộng 4.000 m2 ở cạnh cổng chính vào làng Vinh Thạnh (Lý Môn Vinh Thạnh), gần từ đường họ Đào, đình làng Vinh Thạnh. Ngày 16.8 (tức ngày 14 tháng 7 năm Bính Thân) vừa qua, lần giỗ thứ 109 Hậu tổ tuồng, Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn đã được khánh thành trong niềm xúc động của tộc họ Đào, nghệ sĩ, khán giả mộ điệu hát bội yêu thích tuồng Đào Tấn và đông đảo người dân huyện Tuy Phước.
Nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn trình diễn tại lễ khánh thành Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn.
“Đền thờ đẹp, khang trang, từ nay mỗi năm đến ngày sinh, ngày mất cụ Đào Tấn, bà con địa phương hay quan khách gần xa đã có một nơi rộng rãi để dâng hương, tưởng nhớ”, bà Nguyễn Thị Phụng, giáo viên Văn về hưu, một người dân ở làng Vinh Thạnh chia sẻ.
Với hệ thống những hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật (gọi chung là hiện vật) về Đào Tấn trưng bày trong Đền thờ, người xem sẽ biết nhiều hơn, hiểu rõ hơn về tài năng, sự nghiệp cũng như di sản đồ sộ của Hậu tổ tuồng. Đến thăm Đền thờ, người xem sẽ tận mắt thấy bài ngà có dòng chữ Hán “Quan lộc tự khanh” của Đào Tấn, cây gậy trúc (phiên bản), trên đầu gậy có khắc bài thơ “Vạn thọ” hiện lên cốt cách cao đẹp của cụ Đào; những bức ảnh về các nơi ghi dấu tài năng nghệ thuật của danh nhân Đào Tấn: Học Bộ Đình, Hương Thảo Thất, Mai Viên, Duyệt Thị Đường… Trong số nhiều hiện vật được trưng bày, có giá trị phản ánh về sự nghiệp thơ, tuồng của Đào Tấn nhất chính là các tư liệu văn bản về một số kịch bản tuồng, thơ, từ khúc, câu đối của Đào Tấn.
và một bảo tàng về Đào Tấn
Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn là công trình rất tâm huyết của huyện Tuy Phước, từ năm 2007 ngay khi có “chủ trương miệng” cho xây dựng đền thờ, huyện đã nhiều lần có văn bản xin triển khai. Đây chính là “điểm tựa” đầu tiên để thực hiện việc xây dựng bảo tàng Đào Tấn của chính quyền Tuy Phước!
Nói về ý tưởng tạo dựng một vườn tượng các nhân vật tuồng của Đào Tấn trong khuôn viên Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn mà Phó Chủ tịch huyện Trần Hữu Tường nêu ra, NSND Nguyễn Thị Hòa Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn chia sẻ: “Sẽ rất tiếc nếu không gian này không có những tượng về các nhân vật nổi tiếng như Lan Anh, Tiết Cương, Hoàng Phi Hổ… Tôi cho rằng đó là cách quảng bá hiệu quả nhất, ấn tượng nhất về sự nghiệp tuồng của Đào Tấn”.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Hữu Tường cho hay: “Xây dựng được Đền thờ mới chỉ là bước khởi đầu còn khá khiêm tốn. Chúng tôi biết nguyện vọng chung của các nhà văn hóa, trí thức văn nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật truyền thống cả nước cũng như một số học giả là từng bước xây dựng nơi đây thành một bảo tàng về Đào Tấn. Chúng ta có thể tập trung các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Đào Tấn, tái hiện các cơ sở rất có ý nghĩa của Đào Tấn như Học Bộ Đình và Như Thị Quan, hình thành vườn tượng các nhân vật tuồng nổi tiếng của Đào Tấn… Để điều này trở thành hiện thực, bên cạnh sự cố gắng của chính mình, huyện Tuy Phước rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần của tỉnh, Bộ VH-TT&DL, gia tộc họ Đào, mọi tổ chức, cá nhân quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Như một sự đáp lời đầy ý nghĩa, sau phát biểu của Phó chủ tịch huyện Trần Hữu Tường, ông Đào Vĩnh Trực, cháu đời thứ 4 của Đào Tấn đã trao tặng Đền thờ bức sắc phong (1 bản gốc và 1 bản phục chế) do triều đình nhà Nguyễn ban hành ngày 23.3 năm Thành Thái thứ I (1889) bổ nhiệm Đào Tấn giữ chức vụ Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) mà ông nội, cha và ông Trực đã truyền giữ đến ngày nay.
Ông Đào Vĩnh Trực xúc động cho biết: “Hiện vật về Đào Tấn hiện vẫn còn lưu giữ rải rác trong nhiều gia đình, chi nhánh thuộc tộc họ Đào. Vì một số lý do, nhiều hiện vật chưa góp mặt trong Đền thờ này. Tôi tin khi hiện vật về cụ chúng tôi hiện diện ở đây, chúng sẽ có được điều kiện lưu giữ tốt hơn và quan trọng hơn nữa là phát huy giá trị. Tôi xin nhận phần việc là người “mở đường”, vận động dòng tộc để hiện vật về Đào Tấn sẽ tập hợp đầy đủ nhất tại Đền thờ này, không chỉ đáp ứng tốt hơn quy mô một nơi tưởng niệm mà còn hướng đến tầm vóc một Bảo tàng về Đào Tấn trong tương lai”.
SAO LY