Bảo tồn hệ thống di tích tháp Chăm:
Cần quy hoạch đầu tư trùng tu, tôn tạo đồng bộ, khoa học
Nhiều năm qua, từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả nguồn hỗ trợ quốc tế, Nhà nước đã đầu tư trùng tu một số tháp Chăm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên các dự án gần như chỉ hướng tới những công trình nổi tiếng, được nhiều người biết, thuận tiện về mặt giao thông. Thực tế vẫn còn nhiều tháp Chăm có giá trị độc đáo chưa và chậm được trùng tu, tôn tạo.
Tháp Thủ Thiện đang bị xuống cấp.
Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều công trình, di tích bị xuống cấp, làm ảnh hưởng đến diện mạo chung của hệ thống các đền tháp Chăm - di tích cấp quốc gia. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi nhất định trong vấn đề xây dựng kế hoạch trùng tu, bảo tồn, bảo vệ các di tích tháp Chăm sao cho đồng bộ, khoa học hơn.
“Người đẹp đi chân đất”
Tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào cuối năm 1993) là công trình kiến trúc nghệ thuật nằm trong quần thể thành Thị Nại xưa, có niên đại thế kỉ XI. Các họa tiết trang trí cân đối của tháp Bình Lâm được tạc trực tiếp lên gạch là vẻ đẹp của riêng di tích này. Những họa tiết trang trí trên ngôi tháp này được các nhà khoa học đánh giá là tiêu biểu cho phong cách đặc trưng khỏe khoắn, đường bệ - phong cách tháp Chăm - Bình Định thời kỳ phôi thai.
Cách đây chừng 10 năm, để chụp ảnh tháp Bình Lâm, tôi phải tìm lối vào. Nói là tìm bởi lẽ chỉ có một lối vào di tích - đó lại là một đường đất nhỏ hẹp, đi luồn từ sau, men theo hông rồi ra phía trước. Mặt chính của tháp bị án ngữ bởi nhà và vườn của một hộ dân, khu tháp xuống cấp rất nặng, thậm chí có dấu hiệu lòng tháp được tận dụng làm nơi nhốt bò... Liên tục những năm sau đó, việc trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia này vẫn rất chậm.
Ngày 17.8 vừa qua, tôi lại đến tháp Bình Lâm. Lối vào đã rộng rãi hơn, dẫn vào ngay mặt tiền cửa chính tháp. Đáng ghi nhận là việc trùng tu tháp đã hoàn thành. Phần phục chế khá đẹp, hài hòa giữa cũ và mới. Tuy nhiên, khu đất xung quanh tháp hiện còn hoang sơ chỗ trơ nền đất, chỗ lưa thưa cỏ, cây cối lộn xộn. Tấm bia di tích được làm trang trọng nhưng lại đặt khuất sau tháp. Lán trại tạm bợ của đơn vị thi công vẫn chưa được tháo dỡ, dù nhân công đã rút đi từ đầu năm 2016.
Theo một số nguồn tin, vì nhiều lí do, các cơ quan chức năng chưa thể nghiệm thu công trình tôn tạo tháp Bình Lâm. Điều này khiến việc tôn tạo cảnh quan khuôn viên di tích chưa thể triển khai. Tháp Bình Lâm vì vậy giống “người mặc quần áo đẹp nhưng đi chân đất”.
Tháp Bình Lâm đã trùng tu xong, nhưng khuôn viên chưa được tôn tạo.
Nhếch nhác và mất lối vào di tích
Tháp Thủ Thiện (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1995) có niên đại thế kỉ XII, mang đầy đủ những yếu tố đặc trưng phong cách tháp Chăm Bình Định. Ở ven quốc lộ 19, có đặt tấm bảng nổi bật hướng dẫn vào thăm quan di tích tháp Thủ Thiện. So với trước, đường vào tháp đã thuận tiện hơn nhờ được đúc bê tông xi măng khang trang. Thế nhưng, di tích thì vẫn trong tình trạng xuống cấp như nhiều năm qua và nay xem chừng còn nhếch nhác hơn.
Có thể thấy khá nhiều chỗ xuống cấp trên thân tháp, nhất là vết nứt dài phần sau lưng tháp. Ngay khu vực phía trước cửa tháp là nơi đặt bia, bảng giới thiệu về di tích, cây cỏ mọc um tùm và che khuất tầm nhìn, khu vực xung quanh tình trạng cũng tương tự. Lối đi duy nhất vào từ mặt sau tháp cũng phải bước qua một khu đất trồng mì. Bên trong lòng tháp hôi hám, đặt tạm bợ chiếc bàn gỗ nhỏ dơ dáy.
Một di tích tháp Chăm ở trong tình trạng tương tự như tháp Thủ Thiện là tháp Phú Lốc (ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn, còn được gọi với các tên khác như: Thốc Lốc, Phốc Lốc, Phú Lộc. Trong một vài thư tịch cổ, tên tháp còn được chép là Phước Lộc. Người Pháp, trong các công trình nghiên cứu của họ gọi là Tour d’Or - Tháp Vàng).
Nằm trên một quả đồi cao khoảng 80 m so với mặt nước biển, tháp Phú Lốc tọa lạc ở điểm cao nhất so với các tháp Chăm khác ở tỉnh Bình Định. Nằm trên đồi cao, tháp có vẻ đẹp tự nhiên thanh thoát hiếm thấy. Nhưng đây cũng là điểm trở ngại cho những người muốn đến chiêm ngưỡng di tích. Cách đây 7 năm, chúng tôi đã từng vất vả luồn lách qua những bụi cây, hàng rào các ngôi nhà, vườn tược của người dân mới có thể trèo lên tháp. Di tích này đã bị hư hỏng rất nhiều, các chi tiết kiến trúc như các diềm đá, hoa văn trang trí bị sứt mẻ, bể rất nặng.
Tháng 7.2016, khi quay lại tháp Phú Lốc hỏi thăm đường lên tháp, thì được biết tất cả các lối lên tháp đi qua nhà dân, qua khu trồng trọt đã bị rào kín. Tháp Phú Lốc - di tích văn hóa cấp quốc gia được công nhận hơn 20 năm bỗng nhiên bị mất lối đến. Điều kỳ lạ là dường như cơ quan quản lý nhà nước, ngành chức năng có vẻ như không biết gì về hiện trạng này.
Quy hoạch trùng tu, bảo tồn sao cho đồng bộ, khoa học hơn
Tồn tại qua nhiều thế kỉ, hệ thống di tích tháp Chăm Bình Định là báu vật vô giá, điều này có lẽ không ai bàn cãi. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Bộ VH-TT &DL, lãnh đạo tỉnh, cùng các sở, ngành, địa phương liên quan, nhiều di tích thuộc hệ thống này đã được đầu tư trùng tu tôn tạo (tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long).
Những tháp Chăm còn lại như Bình Lâm, Thủ Thiện, Phú Lốc vì nhiều lí do cả khách quan lẫn chủ quan, chậm được trùng tu, tôn tạo. Sự chậm trễ này khiến di tích bị xuống cấp nặng như đã điểm qua ở trên. Các di tích quốc gia này có giá trị cao về nhiều mặt, trong đó khả năng khai thác vào lĩnh vực kinh tế du lịch là rất lớn.
Để có được sự đồng bộ, khoa học trong đầu tư, mọi việc nên bắt nguồn từ một sự đồng bộ quan trọng khác, đó là sự quan tâm xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh đến các huyện, xã và tuyên truyền, vận động người dân tham gia... mới có thể huy động được nhiều nguồn lực thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Việc quy hoạch chung, lên kế hoạch trùng tu sao cho khoa học, hợp lý là việc cần làm khẩn trương. Nhắc lại điều này kể cũng không phải là thừa bởi lẽ, nếu chậm, rất có thể từ di tích chúng ta sẽ chỉ còn phế tích hoặc tàn tích.
MAI THƯ