|
Đường làng Phụng Sơn hôm nay |
Tuy Phước hiện có 25/100 thôn đã đăng ký xây dựng làng văn hóa (VH) và có 4 thôn được công nhận. Cùng với các làng: Vinh Thạnh (Phước Lộc), Liêm Thuận (Phước Thuận), Công Chánh (thị trấn Tuy Phước), làng VH Phụng Sơn (Phước Sơn) đã có nhiều cố gắng trong công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Phụng Sơn cũng được xem là một mô hình làng VH tiêu biểu của Tuy Phước với những cách thức tổ chức, vận động, xây dựng khá bài bản.
Ông Đặng Minh Đức – Bí thư chi bộ thôn Phụng Sơn, Trưởng Ban vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐK XDĐSVH) thôn – dẫn tôi đi một vòng quanh thôn. Đường làng Phụng Sơn bây giờ không còn là con đường nhỏ đầy ổ gà như năm nào nữa mà đã được đổ đất cao ráo, rộng rãi và bằng phẳng. Ông Đức cười khoe: “Những con đường làng này mới sửa lại vào năm 2001, hết 42 triệu, xã cho một nửa, còn một nửa bà con đóng góp”. Hai bên đường, dọc nhà dân, những hàng rào chè tàu được chăm chút, xén tỉa gọn gàng, in bóng xuống mương nước trước nhà trông thật đẹp mắt.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Ban chỉ đạo cuộc vận động TDĐK XDĐSVH xã Phước Sơn nhớ lại: “Hồi mới phát động phong trào, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Phụng Sơn đứng ở vị trí là trung tâm của xã nên địa bàn rất phức tạp, nhiều tệ nạn xã hội. Bà con thấy quy ước làng VH có nhiều quy định như: các gia đình phải có đủ 3 công trình vệ sinh (giếng nước, nhà tiêu, nhà tắm), bờ rào cổng ngõ xanh sạch đẹp, không có các tệ nạn xã hội… nên sợ không thực hiện được. Rồi khi họp hành, có khi xã phải hỗ trợ kinh phí cho thôn in giấy mời để mời từng nhà thì mọi người mới chịu đi”.
Còn bây giờ, người dân Phụng Sơn nhận ra rằng những quy định đó đã giúp họ rất nhiều trong việc nâng cao ý thức tự giác, làm cho cuộc sống ngày càng ổn định, phát triển, và quan trọng hơn là tạo tính công bằng xã hội. 80% dân trong thôn đã thực hiện được các điểm trong quy ước làng VH, tệ nạn xã hội trong thôn giảm tối thiểu, 2 quán karaoke ôm đã bị dẹp. Bà con đi họp không cần phải có giấy mời nữa. Phụng Sơn có 654 hộ thì trong đó có đến 632 hộ đã được công nhận là gia đình VH. Ông Đức cho biết: “Bây giờ tôi tự tin là Phụng Sơn sẽ cùng cả xã xây dựng nếp sống VH. Thấy Phụng Sơn được như bây giờ, tôi phấn khởi lắm, nhất là cái chuyện đi họp đi hành thì dân Phụng Sơn hơn hẳn các thôn khác”.
Có hai điều mà các cán bộ ngành Văn hóa huyện cũng như xã đều tâm đắc với mô hình làng VH Phụng Sơn là “tổ đoàn kết” và vai trò của các cụ phụ lão trong phong trào xây dựng làng VH. Phụng Sơn có 5 xóm thì được chia ra thành 22 “tổ đoàn kết”. Ông Đức giải thích: “Chia tổ ra là để đỡ việc cho các xóm trưởng mà công tác quản lý lại hiệu quả hơn vì sâu sát dân. Cái tên “tổ đòan kết” cũng có nhiều ý nghĩa lắm, nó nhắc nhở mọi người hãy lấy tinh thần đoàn kết để đối đãi với nhau”. Mặt khác, Phụng Sơn biết phát huy vai trò của các hội, đoàn thể trong phong trào xây dựng làng VH, nhất là Hội Người cao tuổi. Ở Phụng Sơn có nhiều người cao tuổi như cụ Nguyễn Thị Thế Ngân (87 tuổi), cụ Nguyễn Tập (80 tuổi) dù tuổi cao nhưng vẫn còn minh mẫn và bằng uy tín của mình đã tích cực vận động bà con thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hóa.
Ông Phạm Thành Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước, cho rằng phong trào TDĐK XDĐSVH ở Tuy Phước có một thuận lợi lớn là rất được người dân ủng hộ. Vì một lẽ đơn giản là các chỉ tiêu đề ra trong các quy ước làng VH rất phù hợp với lợi ích thiết thực của họ. Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo cuộc sống ổn định, phát triển cho người dân bởi nó có liên quan mật thiết đến tất cả các mặt của cuộc sống.
Những kinh nghiệm của Phụng Sơn cho thấy: khi Ban chỉ đạo, Ban vận động phong trào TDĐK XDĐSVH quán triệt đầy đủ ý nghĩa, chủ trương xây dựng làng VH; có sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng địa phương, chính quyền; biết huy động, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể với nhau; tranh thủ sự đồng tình của nhân dân, phát huy nội lực nhân dân thì phong trào sẽ lớn mạnh và có sức lan tỏa rộng.
. Nguyên Sương
|