Luân chuyển cán bộ - bước đột phá mới
15:6', 6/5/ 2003 (GMT+7)

Trong công tác cán bộ thì luân chuyển cán bộ (LCCB) là một trong những bước đột phá quan trọng nhằm tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp họ trưởng thành nhanh hơn, toàn diện hơn, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị. Việc LCCB còn là bước điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường được cán bộ cho những nơi có nhu cầu, nhất là cho cơ sở, một số địa bàn, đơn vị có nhiều khó khăn...

Việc LCCB không phải là cách làm mới. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trong phương thức dùng người của ông cha ta từ ngàn xưa thực hiện đã có những quy định khá bài bản, nhất là việc bổ nhiệm quan lại không phải người địa phương. Trong hai cuộc cách mạng vừa qua, Đảng và Bác Hồ đã thực hiện việc LCCB, nhờ vậy đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, góp phần to lớn trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có đề ra nhiệm vụ “Thực hiện LCCB lãnh đạo, quản lý giữa các vùng, các ngành, các cấp”.

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 14-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, các cấp ủy Đảng đã bước đầu thực hiện công tác LCCB. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định luân chuyển 2 đồng chí thuộc diện Tỉnh ủy quản lý; 6 huyện đã báo cáo luân chuyển 26 đồng chí từ các phòng, ban của huyện xuống xã, phường, thị trấn; ngược lại từ xã lên phòng, ban cấp huyện và từ các phòng, ban luân chuyển với nhau. Đồng thời tỉnh còn điều động và bổ nhiệm 8 cán bộ. Nhằm thực hiện tốt việc LCCB, Bình Định đã ban hành chính sách trợ cấp và hỗ trợ cho cán bộ được luân chuyển từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã, từ huyện này, xã này sang huyện khác, xã khác.

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện LCCB còn chậm. Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, chưa tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện; chưa làm tốt đánh giá cán bộ, bổ sung quy hoạch cán bộ để LCCB theo quy hoạch. Một số huyện còn lúng túng trong việc thực hiện LCCB theo quy hoạch và việc điều động, tăng cường cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ công tác. Kinh nghiệm rút ra qua bước đầu trong việc thực hiện LCCB là cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cấp ủy, cán bộ và đảng viên. Làm tốt công tác tư tưởng, thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ và từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và LCCB. LCCB là một việc làm nhạy cảm, đòi hỏi tiến hành thận trọng, công phu và có các bước đi cụ thể, thích hợp. Do vậy, cần đánh giá đúng năng lực, sở trường, khả năng phát triển của cán bộ để có quyết định luân chuyển, nếu không sẽ làm cán bộ được luân chuyển không phát huy được năng lực và đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, để thực hiện LCCB, thì việc xác định vị trí công việc ở nơi cần luân chuyển không thể xem nhẹ, bởi vì xác định rõ vấn đề này sẽ tránh được tình trạng luân chuyển tràn lan, không có “địa chỉ” cụ thể.

LCCB là một việc làm nhạy cảm, mang tính khoa học, do vậy, khi thực hiện LCCB, đòi hỏi phải có sự thống nhất trong tập thể, làm tốt công tác tư tưởng, có quá trình chuẩn bị công phu, thận trọng và dân chủ. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ cán bộ được luân chuyển phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm; thường xuyên cung cấp thông tin cho cán bộ được luân chuyển, để am hiểu tình hình. LCCB và điều động cán bộ đều nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhưng có sự phân biệt khác nhau. Điểm mấu chốt là LCCB chỉ thực hiện đối với cán bộ trẻ, có triển vọng, trong quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho cấp ủy, cho các chức danh chủ chốt lâu dài. Có tạo được nguồn cán bộ, mới có căn cứ để xây dựng đội ngũ cán bộ, để đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại cán bộ và LCCB trong hệ thống chính trị theo quy hoạch. Xây dựng các quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ xuất thân từ công nhân, con em gia đình có công với cách mạng, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số… Những cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển, trong quy hoạch phải là dự nguồn của việc LCCB.

LCCB là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, được kế thừa và phát triển truyền thống của dân tộc ta, là thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là bước đột phá quan trọng trong công tác cán bộ, không chỉ cho trước mắt mà cho cả lâu dài; góp phần đào tạo, bồi dưỡng cả về kiến thức và năng lực tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ.

. Quỳnh Chi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cơm bụi   (05/05/2003)
Karl Marx - một vĩ nhân  (05/05/2003)
Ý thức chấp hành Luật Giao thông được nâng lên  (04/05/2003)
Điểm sáng Phụng Sơn  (02/05/2003)
Ổ cờ bạc Vân Hà   (01/05/2003)
Chị Đâu…  (30/04/2003)
Phụ nữ và những điều kỳ diệu sau chiến tranh  (30/04/2003)
Khí thế Bình Định trong những ngày tháng 4-1975  (29/04/2003)
Những “Yết Kiêu” diệt Mỹ   (29/04/2003)
Khu Đông gạo trắng nước trong...  (30/04/2003)
Ngày Quốc tế lao động 1-5 – Lịch sử và ý nghĩa  (28/04/2003)
Nhơn Mỹ ngày ấy – bây giờ  (28/04/2003)
Nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngỏ  (27/04/2003)
Nghề nạo vét cống  (25/04/2003)
Ăn Tết Lào trên đất Quy Nhơn  (24/04/2003)