Đánh bại cuộc hành quân Atlăng
14:42', 6/5/ 2003 (GMT+7)

Đông-Xuân 1953-1954, quân và dân Bình Định cùng với quân dân cả nước đã dồn dập tiến công địch khắp nơi, phối hợp với chiến trường chính góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đóng góp quan trọng đó chính là đánh bại cuộc hành quân Atlăng.

Đến năm 1952-1953, tuy bị thất bại trên toàn chiến trường nhưng được Mỹ ủng hộ, thực dân Pháp vẫn cố huy động lực lượng phản công với hy vọng tìm ra lối thoát danh dự.

Tháng 7-1953, Chính phủ Pháp cử tướng Na-va làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Kế hoạch Na-va ra đời. Một bước của kế hoạch này là xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh ở Điện Biên Phủ nhằm “nhử chủ lực đối phương tập trung để tiêu diệt” và sau đó sẽ tập trung lực lượng quyết chiến trên chiến trường Bắc bộ. Mặt khác, dưới sự chỉ huy của Na-va, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp soạn thảo kế hoạch “Cuộc hành quân Atlăng”, đánh chiếm vùng tự do Liên khu V của ta. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tung vào cuộc hành quân này 40 tiểu đoàn và giao cho Tư lệnh Quân khu Tây Nguyên là Đờ-bo-pho trực tiếp chỉ huy.

Sau khi chiếm được Khánh Hòa và Đắc Lắc, ngày 20-1-1954, địch tập trung lực lượng đánh ra tỉnh Phú Yên. Trong khi đó, những ngày cuối tháng 1-1954, quân ta tiến công giải phóng Kon Tum. Đờ-bo-pho phải đưa quân về phòng thủ ở Pleiku và dồn sức thực hiện bước hai của chiến dịch Atlăng, đánh chiếm tỉnh Bình Định.

Ngày 10-3-1954, Đờ-bo-pho ra lệnh cho ba trung đoàn 10, 41 và 42 chia thành 2 cánh theo đường số 1 và đường số 6 đánh ra Bình Định. Các cánh quân của địch vừa đặt chân đến Bình Định đã bị các đại đội 100, 101 và du kích các huyện Vân Canh, Tuy Phước chặn đánh quyết liệt, giết và làm bị thương 530 tên, trong đó có 300 tên bị thương vì sa hầm chông và vướng cung của đồng bào Chăm. Bị tập kích, bao vây và bắn tỉa liên tục từ ngã ba Phú Tài, địch phải mất 12 ngày mới mò đến Diêu Trì và chịu thương vong 800 tên.

Thấy 2 cánh quân bộ bị kìm chân, ngày 12-3-1954, Bộ chỉ huy cuộc hành quân Atlăng ra lệnh cho 4 tiểu đoàn hành quân theo đường biển cơ động lên Bãi Xếp (Quy Nhơn). Cánh quân này vừa đặt chân lên đất liền đã bị các chiến sĩ của 2 đại đội 215, 216 và du kích chặn đánh suốt từ Bãi Xếp đến Gành Ráng làm thương vong hàng trăm tên… Tuy chiếm được Quy Nhơn, song, các cánh quân thủy, bộ của địch đi đến đâu cũng bị bộ đội địa phương và du kích chặn đánh quyết liệt. Trong các ngày từ 28 đến 30 tháng 3, Tiểu đoàn 80 của tỉnh đã tổ chức trận phục kích ở cầu Sông Ngang diệt 80 tên. Ngày 30-4, một bộ phận bộ đội đặc công của ta đã đột nhập vào Quy Nhơn, tiến công vào nhà hát Trung Hoa hý viện diệt 200 tên địch. Du kích các xã Phước Long, Phước Hậu (nay là Nhơn Bình, Nhơn Phú) bao vây bắn tỉa quân địch ở ngã ba Diêu Trì, Chợ Dinh và Cầu Đôi, đột nhập vào Quy Nhơn bố trí chông mìn ở Khu 1, Khu 2 làm bọn địch rất hoảng sợ. Lúc này, bộ đội chủ lực Liên khu V cũng đang tiến công tiêu diệt hàng loạt chốt điểm ở Nam Tây Nguyên, buộc địch phải điều lực lượng đến ứng cứu. Ở Tuy Phước, Quy Nhơn các chốt điểm của địch bị bộ đội và du kích bao vây tiến công liên tục. Chúng phải rút toàn bộ lực lượng ở Tuy Phước về giữ Quy Nhơn. Chúng rút đến đâu thì vòng vây chiến tranh du kích siết chặt đến đó, địch bị thương vong liên tục làm cho tinh thần ngày càng sa sút.

Tính từ 12-3 đến 20-7-1954, quân và dân Bình Định đã diệt gần 1.400 tên địch, làm bị thương 1.156 tên khác, bắt 51 tên, gọi hàng 30 tên, thu 45 súng, đánh cháy 6 xe quân sự. Bước 2 cuộc hành quân Atlăng của quân viễn chinh Pháp đã bị quân và dân Bình Định đánh bại hoàn toàn, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

. Q.K

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Luân chuyển cán bộ - bước đột phá mới  (06/05/2003)
Cơm bụi   (05/05/2003)
Karl Marx - một vĩ nhân  (05/05/2003)
Ý thức chấp hành Luật Giao thông được nâng lên  (04/05/2003)
Điểm sáng Phụng Sơn  (02/05/2003)
Ổ cờ bạc Vân Hà   (01/05/2003)
Chị Đâu…  (30/04/2003)
Phụ nữ và những điều kỳ diệu sau chiến tranh  (30/04/2003)
Khí thế Bình Định trong những ngày tháng 4-1975  (29/04/2003)
Những “Yết Kiêu” diệt Mỹ   (29/04/2003)
Khu Đông gạo trắng nước trong...  (30/04/2003)
Ngày Quốc tế lao động 1-5 – Lịch sử và ý nghĩa  (28/04/2003)
Nhơn Mỹ ngày ấy – bây giờ  (28/04/2003)
Nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngỏ  (27/04/2003)
Nghề nạo vét cống  (25/04/2003)