Phiên chợ trong sương sớm
18:19', 23/8/ 2004 (GMT+7)

3 giờ sáng, không khí hãy còn ẩm hơi sương, tôi và một người bạn đi chợ nón đêm Gò Găng (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn). Chợ họp vào mỗi tinh sương ngay trên con đường dẫn từ Quốc lộ 1A vào chợ Gò Găng. Vừa đến nơi, đã thoáng thấy những dáng người ngồi khiêm tốn bên từng chồng nón, lá… nép bên những hiên nhà. 

* Phiên chợ trong đêm

Chợ nón đêm Gò Găng

Chốc lát sau, những ánh đèn cùng tiếng động cơ xe máy nổ giòn giã, như muốn làm vỡ cái màn đêm đang dày và nặng. Rồi tiếng những bước chân vội vã, những dáng người nhòa nhòa đêm tối, và nón. Nón xếp thành chồng ngất nghểu trên đầu người, cạnh đường với những người đi chợ sớm. "Tui có coi ngó đồng hồ gì đâu. Bừng mắt dậy là lập cập đi, dù thấy trời hãy còn tối. Cứ nằm ráng thì lại bỏ mất phiên chợ". Trong khi chờ vào phiên chợ, chị Sáu, người thôn Châu Thành (Nhơn Thành) cho tôi biết vậy.  

Quãng ba rưỡi, kẻ mua, người bán đã bắt đầu đông dần. Người mua, ngồi tại chỗ, trước mặt là ngọn đèn dầu hay cây nến thắp sáng. Người bán ôm những chồng nón đến chào mời. Tiếng ngã giá, lời trả treo làm xôn xao không khí im lìm một phố huyện. Dưới ánh đèn dầu, sắc trắng của chiếc nón lá có thêm phần ấm áp, cái tỷ mỷ, công kỹ của người làm nón như được tôn thêm. "Tại sao giữa thời buổi công nghiệp này, điện đóm rất sẵn, nhà dân lại nằm ngay bên cạnh, có thể dễ dàng kéo điện ra, vậy mà chợ vẫn họp bằng ánh đèn dầu?" - Chẳng ai trả lời cho băn khoăn ấy của tôi. Cũng chẳng ai biết chợ nón đã có tự bao giờ?". "Chỉ biết ngay từ khi tui sinh ra, đã thấy cái chợ này. Rồi thế hệ trước tui nữa, cũng đã có chợ. Những ngày chiến tranh, chợ họp sớm hơn, ngay từ khi gà gáy. Còn vào mùa mưa thì mỗi người mua căng thêm tấm bạt. Nón bán chạy thì đông, thị trường chững lại thì vắng, còn thì chợ nón chẳng khi nào ngơi nghỉ" - Một chị nói.

Nếu khu bán nón nằm ngay bên đường, thì đi sâu vào trong hơn hai chục thước, trước mắt chúng tôi ngổn ngang khu bán nguyên liệu cho nghề làm nón. Những ống giang, rồi lá nón bày la liệt bên những ánh đèn dầu. Theo lời những người bán, giang được họ chặt đem về từ tận các cánh rừng vùng Tây Sơn thượng đạo (An Khê). Mỗi khúc giang ứng với khoảng giữa hai đốt, được bán với giá 500, 600 đồng/cây. Lá kè phơi khô dùng để chằm nón cũng lấy từ rừng về, được buộc lại thành bó. Anh Ba, cũng là người Châu Thành, cho biết: "Chợ nón có từ khi nào thì chợ nguyên liệu cũng hình thành từ khi đó. Có lẽ là để tiện cho người làm nghề. Cất xong gánh nón, dằn ít tiền trong túi là vô mua nguyên vật liệu để làm nghề khi ngày mới vừa bắt đầu".    

Chị Hồng, thu tiền đầu cổng chợ, cho biết: "Gần đây, mỗi phiên chợ có từ vài chục đến cả trăm người đến mua - bán". Bên cạnh những người mua với số lượng ít, chủ yếu để về bán lẻ, có hơn chục thương lái, cất hàng cho chuyến buôn xa". Và theo chân những thương lái này, nón Gò Găng đã vào tận Bình Dương, ra Huế, đến Sài Gòn... mang theo niềm tự hào của người dân Bình Định.

* Đến những làng nghề đậm chất truyền thống

Theo chân những người bán nón, chúng tôi tìm về những làng nghề làm nón nép bên chân thành Bình Định, nơi làm ra những chiếc nón Gò Găng. Nghề làm nón là nghề truyền thống ở đây, trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi phía tây và các làng Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… Rồi thôn Thuận Hạnh (xã Bình Thuận - huyện Tây Sơn) cũng có nghề làm nón lá, thôn Phú Gia (xã Cát Tường - huyện Phù Cát) thì nổi danh với nón ngựa… Ở Gò Găng (Nhơn Thành) nay vẫn còn độ dăm chục hộ làm nón. Chị Vương Thị Lý, thoăn thoắt bàn tay trên những chiếc nón, cho tôi biết: "Mỗi ngày tui có thể làm được 10-12 cái. Tính ra với giá bán hiện nay khoảng 3.000 đồng/cái thì sau khi trừ chi phí, mỗi ngày kiếm được trên dưới hai chục ngàn đồng, gọi là đủ tiền chợ".

Nghe tôi hỏi về số hộ còn giữ nghề làm nón, bà Liên nói: "Bây giờ thì còn được bao lăm. Nhớ hồi tui còn trẻ, nhà nào cũng làm. Xưa là 10 thì bây giờ chẳng còn được đến 5, 6. Tiếng là nón Gò Găng nhưng thực ra cũng từ nhiều làng khác đến hết. Gò Găng bây giờ chỉ như một điểm tập kết. Người Gò Găng bây giờ chuyển sang làm thương lái nón cũng nhiều". 

Thôn Phú Gia lại nổi danh với chiếc nón ngựa. Để làm nên một chiếc nón ngựa  phải qua ba, bốn công đoạn. Làm mê, rồi đan sườn, rút sườn, rồi luôn sườn, thắt sườn. Sau đó, tiếp tục mạng, dọn vành, thêu hình rồng, phượng hay đám mây. Cuối cùng mới bủa lá. Bởi vậy, ở hai thôn Phú Gia và Trường Sơn (xã Cát Tường), các công đoạn được chia nhỏ, có những hộ chỉ chuyên làm mê, có hộ làm sườn, rồi có hộ mới sản xuất ra thành phẩm cuối. Mỗi công đoạn lại đòi hỏi không ít thời gian. Chẳng hạn chỉ riêng việc làm sườn, người làm thạo nghề cũng chỉ làm được 3 cái/ngày. Để nên hình một chiếc nón, tính tất cả các công đoạn, ít ra cũng mất hai, ba ngày. Công phu là vậy, nên mỗi chiếc nón ngựa có giá thành từ vài chục đến vài trăm ngàn, chủ yếu bán ra Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… để làm hàng lưu niệm cho du khách. "Giá vậy chứ giá nữa thì cũng chẳng ai giàu vì làm nón. Nói thiệt với cậu, tui năm nay 74 tuổi rồi, chưa hề thấy ai cất nổi cái nhà mê nhờ nghề làm nón" - bà Hồ Thị Thu cho biết.

Nón ngựa đắt hàng. Những người làm nón chỉ việc ngồi nhà, khách thương tới mua, bao nhiêu cũng hết. Bởi vậy, chẳng bao giờ thấy nón ngựa xuất hiện trong các phiên chợ nón. "Ngày xưa, chỉ các ông quan, đi ngựa lục lạc rủng rẻng mới dám xài thứ này. Bởi vậy, chiếc nón lá là con nhà bình dân thì nón ngựa như cô nàng quý tộc. Nhưng cậu xem, mỗi thứ đều có cái đẹp riêng của nó đó chớ. Đừng vì cái này mà bỏ cái kia", bà Thu nói vậy rồi đưa cho tôi chiếc nón ngựa. Những hoa văn hình rồng thật bắt mắt, sườn, vành đan kết công phu. Và tôi hiểu, những người thợ dân gian như bà Thu đã dồn tụ vào đó không biết bao nhiêu tâm huyết, công phu.

* Mai này còn không?

Cầm chiếc nón trên tay mà tự bâng khuâng, chẳng biết rồi một mai, những làng chằm nón nổi tiếng của đất Bình Định hôm nay có còn không? khi mà số hộ làm nghề đang ngày càng vợi dần theo thời gian. Chẳng biết, phiên chợ trong sương này, có còn trụ được trước sức ép của thị trường hàng hóa đa dạng thời nay. Và rồi, người con trai trong câu ca xưa của người Bình Định, sẽ còn có thể được ước hẹn, rằng Anh về Bình Định thăm nhà/ Tháng hai trở lại, tháng ba cưới nàng/ Cưới nàng đội nón Gò Găng/ Váy lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn… để băn khoăn tự hỏi: tại sao Bình Định có một phiên chợ tuyệt vời như vậy, hấp dẫn và độc đáo là vậy, mà chưa thấy ngành du lịch khai thác, nâng cao, xem như một địa chỉ du lịch, chẳng hấp dẫn lắm sao?

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Điện thoại di động: Thật - giả khó phân   (23/08/2004)
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục  (22/08/2004)
Quy Nhơn: Những ngày đầu thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm  (20/08/2004)
Bát nháo nạn đào sắt phế liệu ở kho đạn Đèo Son   (19/08/2004)
Vùng đất dưới chân Đồi 10   (19/08/2004)
Những người lặng lẽ gìn giữ niềm vui  (19/08/2004)
Công an Bình Định không ngừng lớn mạnh trong phong trào học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND  (19/08/2004)
Chị Bảy hòa giải   (18/08/2004)
Chú trọng công tác tư tưởng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số   (18/08/2004)
Xây dựng cuộc sống mới ở Vân Canh  (18/08/2004)
Nghe nói chuyện thời sự thích lắm!   (17/08/2004)
Nhức nhối nạn lấn chiếm đất trái phép ở phường Quang Trung  (16/08/2004)
Hành trình lên đất thượng nguồn  (16/08/2004)
Hai khu dân cư tiên tiến điển hình của Bình Định   (15/08/2004)
Tiếng kêu khẩn thiết từ thôn Tân Hòa   (15/08/2004)