Thơ ca dân gian của người Banar Kriêm
16:51', 25/12/ 2003 (GMT+7)

Lễ hội đâm trâu

Từ bao đời nay, thơ ca vốn là tiếng nói gần gũi, say mê trong mọi sinh hoạt của mỗi con người Banar ở vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Trong cuộc sống thường ngày hay trong các lễ hội, đồng bào ở đây có thể thiếu áo, váy, cơm thịt thơm ngon nhưng không thể thiếu được lời ca, tiếng hát. Từ những đứa bé mới chào đời, người mẹ Banar đã có bài Pơ nhông, Ưm kon... để ru ngủ, cho đến tiễn người già qua đời cũng có bài: Hmri tiễn biệt. Từ trong cuộc sống hôm nay đang còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng lời ca, tiếng hát vẫn âm vang núi rừng, sưởi ấm bao tâm hồn con người lạc quan, yêu đời hơn, tăng thêm sức mạnh, vượt lên mọi khó khăn thử thách để có cuộc sống của mỗi con người Banar ở đây thêm tốt đẹp hơn.

Thơ của người Banar cũng có vần, có điệu, câu trong thơ thường là bốn chữ, sáu chữ. Thơ của người Banar ở vùng này ít khi "sống" một mình như trong thơ của anh em người Kinh. Thơ ra đời là chất liệu để cấu thành lời ca truyền tải ngay những nội dung mà lời thơ muốn nói. Trên thực tế những nghệ nhân ở đây vừa là người sáng tác thơ, đồng thời cũng là người trình diễn lời thơ đó qua làn điệu dân ca. Bài hát mà mình sáng tác được mới đầu chỉ hát một mình, sau dần dần mới truyền miệng để mọi người cùng hát và thuộc bài hát ấy.

Thơ dân gian của người Banar Kriêm mang nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đi sâu vào nhiều lĩnh vực nhằm ca ngợi cái đẹp trong lao động sản xuất, trong tình yêu nam, nữ, tình yêu quê hương đất nước; của thiên nhiên hùng vĩ, của dòng suối mát, hoa lá. Trên rừng có nhiều loài hoa đẹp là nỗi niềm cảm hứng của những người nghệ nhân làm thơ, ca. Hoa là đặc trưng cho cái đẹp, là niềm kiêu hãnh, là ước nguyện của bao con người Banar ở đây muốn vươn tới cái đẹp. Đồng bào người Banar phần lớn sống trên các vùng rừng, núi cao, bao đời nay cuộc sống của họ gắn liền với rừng cây, chim thú, sông suối, hoa thơm, quả ngọt. Mỗi con người ở đây họ rất yêu hoa, như một thứ của quý mà ông Yang trời đã ban ơn cho họ. Ở nhà mọi người nhìn hoa qua cánh cửa, lên rừng nhìn hoa trên các cành cây, xuống suối nhìn hoa lung linh trong ánh nước... hoa mọc rung rinh xung quanh con người... Cho nên đời hoa và đời người ở đây đã đi vào trong thơ ca của người Banar là thường tình, cụ thể cũng rất mộc mạc:

Cheng rẽh, em đẹp như hoa Cheng rẽh

Trên cao, em đẹp như hoa trên cành cây cao

A.drong, em đẹp như hoa A.drong đỏ giữa rừng

Em đẹp như con chim iong xuống tắm sông trong...

(Dân ca Banar)

Tôi đã có dịp gặp anh Đinh Y Chương người Banar ở làng Kon Blo, có thể nói anh là một trong những nghệ nhân sáng tác về múa dân gian, anh múa rất đẹp, anh còn giỏi về cảm hứng những cảnh vật xung quanh, rồi từ đó tự sáng tác ra thơ ca dân gian vùng Banar Kriêm, Bình Định. Mấy năm gần đây, nghỉ hưu tại quê nhà, anh Đinh Y Chương vẫn sáng tác nhiều bài thơ, ca nói lên cái đẹp của thiên nhiên, của quê hương anh trong những năm tháng đang đổi mới đi lên xây dựng quê nhà giàu đẹp. Thơ của anh Đinh Y Chương rất dân gian, ngắn gọn, mộc mạc, dễ hiểu, ai đọc, ai ca cũng dễ nhớ. Có lần hai anh em chúng tôi xuống làng uống rượu cần suốt đêm, sáng hôm sau trên đường về đi bộ qua đồi cỏ tranh và sim mùa, thỉnh thoảng gặp mấy em trai, em gái làng chăn trâu, Y Chương dừng chân lại ngắm nghía, tôi nghĩ: Y Chương chắc đang cảm hứng, suy ngẫm điều gì đây, sau đó anh sáng tác thành thơ và hát luôn cho tôi nghe:

Tim tím mùa hoa sim

Tim tím cánh hoa mùa

Hoa nào thấy cũng đẹp

Đọng mãi trong ánh mắt

Muốn hái, nhưng sợ hoa... cười.

(Hoa sim)

Hoa rừng thường gắn liền với thiên nhiên đẹp, là rừng cây xanh, con nước trong, con chim rừng và những con người ở đây. Trong bài thơ: Kuk ku pơ rơ tốk Bre mai - đây là một bài thơ hay, đồng thời cũng chính là một bài hát hay, vui, rộn, mang đầy tình cảm, quyện vào nhau giữa thiên nhiên đẹp và con người mà nhiều người Banar ai cũng biết tới. Bài thơ, hay nói cách khác là bài hát: Kuk ku pơ rơ tốk Bre mai (Con chim Pơ ra tốk chị em ơi). Không phải một người chuyên môn nào sáng tác, mà chính là một bài thơ rồi chuyển thành bài hát nẩy sinh ra từ trong thực tế của cuộc sống, quan hệ mật thiết giữa con người Banar ở đây với thiên nhiên đẹp, họ truyền miệng cho nhau hát từ đời trước cho đến mãi đời nay:

Con chim Pơ ra tôk - chị em ơi

Núi rừng mình đẹp lắm

Con chim Pơ ra tôk - chị em ơi!

Rừng đầy hoa sắc hương thơm

Con chim Pơ ra tôk - chị em ơi!

Sông, nước, rừng trong xanh...

Vui sướng quá cuộc đời ơi.

(Dân ca Banar)

Đã bao đời nay, người Banar Kriêm yêu rừng, gắn bó máu thịt với rừng không chỉ vì đất rừng đã cho cái rẫy mà còn cho cả hoa thơm, quả ngọt. Trước đây, người Banar phát rừng làm rẫy, rừng không chỉ cho nhiều lúa, nhiều bắp, nhiều mì (sắn)... mà rừng vẫn thủy chung với con người ở đây. Các tên tuổi núi rừng ở đây như: Kông Bok Bang, Kông Kring, Kông Kơ pah, Kông xrút... vẫn mênh mông một màu xanh của rừng. Rừng cây, hoa lá là nguồn sống ngọt ngào như nước sữa của mẹ không bao giờ cạn trong thơ, ca dân gian của người Banar Kriêm.

YANG DANH

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai tranh siêu cúp quốc gia 2003  (24/12/2003)
Âm nhạc giáng sinh: Giai điệu hạnh phúc và hòa bình  (24/12/2003)
Noel - ý nghĩa và tập quán  (23/12/2003)
Lễ khai mạc ASEAN PARA Games 2: Trọng thể và hoành tráng  (22/12/2003)
19 giờ ngày 21-12: Khai mạc ASEAN Para Games 2 - 2003  (21/12/2003)
Trước trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2003: Bình Định sẽ "ăn cú đúp"!  (19/12/2003)
Bắt đầu mùa bóng mới 2004   (18/12/2003)
Siêu Cúp Quốc gia 2003: Trận "derby Tây Sơn"   (17/12/2003)
Giáo trình cho đào tạo sân khấu truyền thống: Bước đi đầu tiên   (16/12/2003)
SEA Games 22 qua mắt bạn bè: Việt Nam xứng đáng ngôi số 1!   (15/12/2003)
Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai rơi vào bảng "tử thần"  (14/12/2003)
Lê Công Bút - võ sĩ duy nhất của Bình Định đoạt HCV tại SEA Games 22  (14/12/2003)
SEA Games 22 - một kỳ Đại hội khó quên đối với Việt Nam và bạn bè quốc tế  (14/12/2003)
Giấc mơ vàng không thành  (13/12/2003)
Lạch Tray ngất ngây trong chiến thắng  (12/12/2003)