|
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa |
Tại huyện Tây Sơn vừa phát hiện được 1 ngôi mộ cổ lạ. Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khai quật ngôi mộ. Ngay sau khi vừa từ Tây Sơn trở về, Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi xung quanh những thông tin về ngôi mộ cổ.
· Xin ông cho biết đôi nét về việc phát hiện ngôi mộ cổ ở Tây Sơn?
- Ngôi mộ cổ được phát hiện tại địa bàn thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn (Bình Định) khi nhân công ủi đất làm đường giao thông nông thôn. Ngôi mộ cổ này nằm ở trong khu vực Gò Lăng, phía sau Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Ngoài ngôi mộ, khi ủi đất, người ta còn phát hiện một số vật liệu kiến trúc của nền nhà. Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân và báo cáo của Bảo tàng Tây Sơn về ngôi mộ cổ, Bảo tàng Tổng hợp chúng tôi đã tiến hành các thủ tục xin giấy phép khai quật ngôi mộ. Theo các tư liệu lịch sử cũ, cũng như trong hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia thì phần mộ này nằm trong khu Gò Lăng, thuộc khu đất nhà của bà Nguyễn Thị Đồng, vợ của ông Hồ Phi Phúc - thân sinh của 3 anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Trước đây, tại khu Gò Lăng cũng từng phát hiện được một ngôi mộ cổ, bên cạnh đó là một tấm bia. Nội dung tấm bia cho biết đó là mộ của ông nội của 3 anh em nhà Tây Sơn. Sau khi có giấy phép của Bộ Văn hóa - Thông tin, chúng tôi tiến hành công tác đào khai quật ngôi mộ.
· Việc khai quật ngôi mộ cổ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
|
Ngôi mộ cổ khi khai quật |
- Ngôi mộ được làm theo hướng bắc - nam. Cụ thể là đầu được chôn theo hướng bắc còn chân nằm theo hướng nam. Mộ được làm theo kiểu “trong quan, ngoài quách”. Nghĩa là ngôi mộ có quy mô rất lớn. Ngôi mộ cổ được xây theo kiểu tam hợp, với chất liệu hỗn hợp: vôi, mật, đường. Kiểu mộ này rất phổ biến vào thời vua Lê - chúa Trịnh (thế kỷ XVII - XVIII). Dạng mộ cổ này chính tôi đã từng thực hiện 4-5 cái ở Mỹ Tài (Phù Mỹ), Cát Hưng, Cát Hanh (Phù Cát)… Công việc khai quật do tôi trực tiếp chủ trì. Sau khi căng hố thì nhân công bắt đầu khai quật. Lực lượng trực tiếp thực hiện là người của Bảo tàng Quang Trung và nhân công của địa phương…
· Đề nghị ông cho biết cụ thể hơn?
. Theo đo đạc, cả 2 đầu tường quách đều dày tới 55cm. Chiều dài của quách đo đựoc 3,5m, lòng quách dài khoảng 2,1m và bề ngang trong lòng quách dài 1m. Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi thấy những người làm mộ đã thực hiện từng bước khá bài bản. Đầu tiên, họ đào một cái lỗ xuống theo quy chuẩn, rồi dùng các tấm ván, định dạng ra một cái quách, sau đó họ đổ cát theo từng lớp, từng lớp cho đến độ cao định trước. Độ cao của quách chúng tôi đo được là khoảng 1,45m. Sau khi tách toàn bộ cả bề ngoài và bề trong, chúng tôi mở rộng xung quanh quách mỗi chiều 1m và tiến hành đào vào bên trong mộ. Mục đích của chúng tôi là để nhìn cho rõ bên trong có đất lấp không, lấp như thế nào. Nhưng qua xem xét thì không có đất lấp vì họ làm theo cách đã được định dạng trước. Khi đào đến phần sinh thổ thì chúng tôi tiếp tục đào vào bên trong lòng quách. Đào tới bên trong thì thật bất ngờ, chúng tôi phát hiện rằng ngôi mộ đã từng bị đào bới từ trước. Nói theo ngôn ngữ khảo cổ học thì tầng văn hóa trong lòng ngôi mộ đã bị xáo trộn nghiêm trọng, không còn nguyên vẹn. Phần chân ngôi mộ đã bị đào 1 lỗ tròn để chui vào bên trong và phần trên thì bị mất hoàn toàn. Khi lấy hết lớp đất bên trong ra thì hầu như không còn một hiện vật nào nguyên vẹn. Tiếp tục đào xuống thì chúng tôi thấy có dấu vết của áo quan. Tiếc rằng, hòm cũng chỉ còn sót lại khoảng 10cm vì bị mục nát, có vết son đỏ của hòm. Còn lại chỉ toàn là cát. Tuy nhiên, qua đó, chúng tôi biết được là người xưa sau khi đưa quan tài xuống thì họ đổ đầy cát sạch vào đó. Đây chính là kỹ thuật để chống sự xâm thực của nước. Đồng thời, bên trong quan tài vẫn còn xương người, gồm: xương đùi, xương chân, xương đòn, xương sọ… nhưng không có đồ tùy táng (?). Qua xem xét, chúng tôi thấy xương chậu lớn, phần xương sọ thì còn một số răng, trong đó có từ răng số 6 đến răng cùng. Tất cả răng đều nhỏ và đều còn trắng, chưa nhuộm. Cho nên, theo tôi người nằm trong ngôi mộ này chết khi còn trẻ. Đáng lưu ý là toàn bộ số xương này đã được dồn vào một chỗ ở phía dưới chân. Điều đó càng cho thấy, ngôi mộ đã bị đào bới trước đó. Tìm kiếm kỹ hơn thì chúng tôi thấy có một số mảnh sành của những cái bình, lọ, một số đinh sắt (có thể để dùng đóng hòm?).
· Vậy qua đó ông có nhận xét gì về ngôi mộ cổ này?
- Ngôi mộ cổ này nằm cách Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt không xa. Qua quy cách của ngôi mộ và những hiện vật còn lại có thể nói đây không phải là mộ của một người dân bình thường, mà là mộ của một người thuộc tầng lớp trên, khá giả.. Đồng thời, như trên đã đề cập, ngôi mộ cổ này là loại mộ nằm ở đầu hồi nên có thể ngôi mộ này nằm trong khuôn viên của ngôi nhà nào đó trong khu Gò Lăng (?). Mặt khác, như đã trình bày ở phần đầu, theo những tư liệu sử thì phần đất trên là phần đất nằm trong khuôn viên của nhà bà Nguyễn Thị Đồng - mẹ của ba anh em nhà Tây Sơn. Cũng cần nhắc lại, ở khu vực này trước đây người ta từng phát hiện một tấm bia, mộ mà theo nhận định thì đó là mộ của ông nội vua. Vậy mộ của bà Nguyễn Thị Đồng nằm ở đâu? Như vậy, theo tôi, phải chăng ngôi mộ cổ này có quan hệ rất gần gũi với triều đại nhà Tây Sơn (?). Tiếc rằng, ngôi mộ đã bị đào bới, phá vỡ từ trước nên không có bằng cứ gì thêm để có thể khẳng định thêm. Tuy vậy, nằm trong quần thể di tích Gò Lăng - vùng đất “khởi thủy” của triều đại nhà Tây Sơn, tôi nghĩ rằng ngôi mộ cổ này rất có giá trị.
· Công việc tiếp theo đối với ngôi mộ cổ?
- Sau khi khai quật ngôi mộ cổ, việc đầu tiên là chúng tôi cho cải táng lại ngôi mộ. Theo tôi, ngôi mộ này nên để vào trong khu di tích Gò Lăng. Tiếc rằng ngôi mộ đã bị phá hoại, san ủi nên không thực hiện được. Đúng ra, khu di tích Gò Lăng phải được khoanh vùng và bảo vệ từ trước, chứ không phải bây giờ. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiến hành lập hồ sơ, gồm cả sơ đồ, bản vẽ, làm báo cáo… Theo quy định, chúng tôi sẽ phải làm báo cáo kết quả khai quật và có những nhận định ban đầu về ngôi mộ trình Sở Văn hóa - Thông tin.
· Xin cảm ơn ông!
. Viết Hiền (thực hiện)
|