Làng Tuồng Nhơn Hòa
17:17', 13/4/ 2003 (GMT+7)

Diễn viên Lệ Quyên

Xã Nhơn Hòa nằm ở phía Tây Nam huyện An Nhơn, dọc theo quốc lộ 19, gồm 9 thôn, trong đó có 3 thôn có truyền thống hát bội từ xưa. Nhơn Hòa chẳng những là một vùng đất tuồng của huyện An Nhơn mà có thể xem là chiếc nôi hát bội của cả tỉnh Bình Định, sản sinh nhiều nghệ sĩ tài năng.

Chưa xác định rõ nghệ thuật hát bội hình thành ở Nhơn Hòa vào thời gian nào, nhưng ngay từ những năm cuối thế kỷ 19 đã có nghệ nhân Chánh ca May thành lập gánh hát, và mở trường dạy nghề hát, lập nhà thờ tổ hát bội. Hầu hết nghệ sĩ xuất phát từ lò tuồng của cụ Chánh ca May đều nổi tiếng, mỗi người đều có sở trường riêng, hát hay, múa đẹp, diễn giỏi. Cụ Chánh ca May tên thật là Huỳnh Họa, được triều đình Huế phong chức “chánh ca” vào năm Duy Tân thứ 5 (1911), sắc phong hiện còn lưu giữ tại trường tổ hát bội Nhơn Hòa.

Từ thời cụ Chánh ca May trở về sau, lực lượng diễn viên tuồng Nhơn Hòa thời nào cũng đông và giỏi nghề, nối tiếp nhau kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật của quê hương. Trong số học trò giỏi của cụ Chánh ca May trước hết phải kể đến cụ Thập Có (còn gọi là Thập Tám, cha của nữ  nghệ sĩ Hồng Thu) và cụ Thập Quan. Tiếp theo là các nghệ sĩ Thập Khương, Nhưng Năm Kèn, Nhưng Bôn, bầu Giác, Tri sự Ghế, Tri sự Số…  Lớp tiếp theo là Hoàng Chinh, Phạm Tuất, Phạm Hữu Thành, Bình Trọng… đều nổi tiếng trong nghề hát. Ông Thập Khương chuyên đóng kép trắng, kép đỏ, giọng hát son, trong trẻo, rất cao và vang. Những đêm trăng thanh gió mát, tuy chưa có hệ thống âm thanh điện tử, giọng hát của ông vẫn vang xa hàng cây số. Ông Nhưng Năm Kèn chuyên đóng các vai lão văn như Đào Lệnh Công, lão võ như Phàn Định Công, bán văn bán võ như  Trình Giảo Kim… đều xuất sắc. Ông Nhưng Bôn nổi tiếng ở các vai tướng và vai nịnh như Tạ Ôn Đình, Võ Tam Tư… Ông Tri sự Ghế chuyên vai tướng Phiên và yêu đạo, đặc biệt ông giỏi vai yêu Cốt Đột trong tuồng Lục Vân Tiên. Khi biểu diễn, tay ông cắp song đao, nhảy lộn một vòng mà cặp lông trĩ gắn trên mũ không hề chạm đất. Ông Giác (bầu Ba) là cháu nội của cụ Chánh ca May, nghề diễn xuất và làn điệu hát đều giỏi, vóc người thanh mảnh, khuôn mặt đẹp, chuyên đóng vai đào (sau này ông bị mất giọng, chỉ dạy học trò và làm bầu gánh, kế tục sự nghiệp của cụ Chánh ca May). Lớp học trò của ông bầu Ba có cặp kép Phạm Tuất, Phạm Hữu Thành, khi còn nhỏ đã nổi tiếng là một cặp Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá xuất sắc. Sau năm 1954, Phạm Tuất và Phạm Hữu Thành trở thành những diễn viên trụ cột của Đoàn tuồng Liên Khu V.

Xuất sắc nhất trong lớp học trò cụ Chánh ca May là nghệ sĩ Hoàng Chinh (sau này được truy phong danh hiệu NSƯT). Ông là cháu ngoại của cụ Chánh, lúc nhỏ thường theo ông ngoại xem tập tuồng, diễn tuồng. Nhờ học được nhiều ở ông ngoại và các bậc thầy giỏi như cụ Chánh Ca Nhì, Thập Có… lại có học, thông hiểu chữ Hán, với lòng say mê nghề tuồng nên ông tiến bộ rất nhanh. Hoàng Chinh giỏi nhất ở các vai kép. Hai người vợ của Hoàng Chinh cũng xuất thân từ Nhơn Hòa là đào Liễu, đào Hồng Thu cũng đều xuất sắc. Lớp sau Hoàng Chinh còn có Bình Trọng (con trai ông Nhưng Kèn) rất giỏi các vai nịnh như Phụng Kỳ, Trịnh Hầu, Đổng Trác… Có nhiều nghệ sĩ ở các nơi trong tỉnh Bình Định qui tụ về Nhơn Hòa để học nghề và trưởng thành ở đây như Bá Cảnh (giỏi vai yêu đạo), Lệ Siềng (vai đào, chuyên đóng cặp với Hoàng Chinh), Khánh Dư (chuyên vai đào lẳng), Hề Công…

Vì có lực lượng diễn viên đông đảo, có trường dạy nghề hát, luôn đào tạo được nhiều lớp diễn viên kế thừa, cộng vào đó là tinh thần say mê nghệ thuật theo truyền thống của cha ông nên từ đầu thế kỷ XIX đến những năm cuối thế kỷ XX ở Nhơn Hòa lúc nào cũng có 2-3 đoàn tuồng không chuyên cùng hoạt động. Thời nào cũng có nghệ sĩ giỏi. Từ đoàn tuồng của cụ Chánh ca May đến đoàn tuồng của Thập Ân, bầu Ba, bầu Ánh, Tấn Thành ban, Hòa Thành ban, Nhơn Hòa ban… cho đến câu lạc bộ tuồng An Nhơn ngày nay đều do lực lượng diễn viên trưởng thành từ các lò tuồng gia đình ở Nhơn Hòa làm nòng cốt. Ở 3 thôn Hòa Nghi, An Lộc, Nghiễm Hòa, cứ đến mùa biểu diễn hầu như gia đình nào cũng có con em là diễn viên đi hát. Nhơn Hòa đã cung cấp cho bộ môn sân khấu tuồng ở Bình Định rất nhiều diễn viên tài năng. Hiện nay, lớp diễn viên thế hệ cuối cùng xuất phát từ lò tuồng Nhơn Hòa có Xuân Hợi, Hữu Thông, Lệ Quyên… là những diễn viên trụ cột của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Ngoài ra còn có cặp đào chuyên đóng vai kép: Thương Thương, Kiều Nhơn cũng một thời chói sáng trên sân khấu tuồng không chuyên ở Bình Định. Đáng tiếc là từ năm 1985 đến nay, ở Nhơn Hòa không còn các lò tuồng truyền nghề theo kiểu gia đình nữa nên phong trào nghệ thuật tuồng không còn sôi nổi như ngày xưa.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xung quanh ngôi mộ cổ vừa phát hiện ở Tây Sơn  (11/04/2003)
Kinh Dương Vương - Tiền phong dựng nước, tìm đường định đô  (10/04/2003)
Chỗ thiếu của đội Bình Định  (10/04/2003)
Dệt thổ cẩm - Nghề truyền thống của người Ba na đang mai một  (09/04/2003)
Nhìn lại lượt đi V-League 2003  (08/04/2003)
Đại danh họa Picasso - tia mặt trời không bao giờ tắt  (07/04/2003)
Khoa Thanh lập công  (06/04/2003)
Sưu tập hiện vật mộ chum  (04/04/2003)
Cuộc đấu giữa “những người khốn khổ”  (04/04/2003)
Anh thợ sửa xe đạp, ông chủ CLB giàu thành tích thể thao  (03/04/2003)
Cầu thủ nào sẽ đoạt ngôi “Vua phá lưới”?  (03/04/2003)
Cải tạo hoa mai – văn hoá và kinh tế  (02/04/2003)
FIFA quyết định hoãn trận Iraq - Việt Nam  (02/04/2003)
Văn Quyến hoàn tất ''hat-trick'' cầu thủ trẻ xuất sắc nhất  (02/04/2003)
Thức nhận không gian sơn mài  (31/03/2003)