Kỷ niệm 175 năm ngày mất của danh họa Francisco De Goya (16/4/1828 - 6/4/2003):
Danh họa Goya và những khát vọng tự do
17:59', 15/4/ 2003 (GMT+7)

 

Francisco de Goya
(1746 - 1828)
 

Đất nước Tây Ban Nha từng nổi tiếng thế giới là “xứ sở của bò tót”. Song, Tây Ban Nha không chỉ là quê hương của những trận “thư hùng” bò tót đẫm máu, rùng rợn, mà còn là quê hương của những nhà danh họa nổi tiếng như Velasquez, Francisco de Goya, Pablo Picasso… Trong đó, Goya là một trong số những danh họa vĩ đại nhất của thế kỷ XVIII.

Francisco de Goya sinh ngày 31/3/1746 tại Fueudetodos, thuộc vùng Aragon - Tây Ban Nha. Gia đình Goya làm nghề khảm vàng. Ngay từ thời niên thiếu, Goya đã học nghề này từ thân phụ của mình. Lớn lên, Goya được đưa đến Madrid phụ việc cho ông Francisco Bayeu - một họa sĩ cung đình. Nhờ Bayeu, năm 1775, Goya được đưa vào làm việc tại Xưởng dệt thảm Hoàng gia Tây Ban Nha. Công việc chính của Goya là sáng tác các loại mẫu thảm cho Hoàng gia. Những năm tháng tạo mẫu thảm tại Madrid đã giúp cho tay nghề của Goya ngày càng thuần thục, điêu luyện. Đồng thời, cũng nhờ làm việc cho Hoàng gia Tây Ban Nha, sự nghiệp hội họa của Goya thăng tiến khá nhanh. Năm 1780, Goya được bầu vào Viện hàn lâm San Fernando. Khoảng 5 năm sau, Goya trở thành phụ tá Giám đốc về hội họa. Chỉ ít năm sau đó (khoảng 1789), Goya được cử làm họa sĩ cung đình, phục vụ vua Charles IV (1748 - 1819). Năm 1795, Goya thay thế người thầy của mình là Bayeu, đảm trách cương vị Chủ nhiệm bộ môn hội họa tại Viện hàn lâm San Fernando. Năm 1799, mới ngoài tuổi ngũ tuần, Goya đã bước lên tột đỉnh vinh quang của sự nghiệp - họa sĩ thứ nhất của triều đình Charles IV.

Tem bức họa Maja khỏa thân

Là họa sĩ được nhà vua và cả triều đình trọng vọng, song Goya không hề màng tới vinh hoa, phú quý và những thứ danh vọng phù du. Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Goya luôn phấn đấu thực hiện bằng được khát vọng TỰ DO và HÒA BÌNH. Năm 1789, Cách mạng Tư sản Pháp (CMTSP) bùng nổ. Từ Tây Ban Nha, Goya đã dõi theo diễn biến của cuộc cách mạng và nhiệt thành ủng hộ tư tưởng nhân quyền, dân quyền mà CMTSP đề xướng. Ngược lại, khi đội quân xâm lược do Napoleon đệ nhất dày xéo quê hương Tây Ban Nha thì ông cực kỳ phẫn nộ, căm thù. Ông tỏ rõ thái độ quyết tâm cùng nhân dân đứng lên chống lại bọn xâm lược Pháp. Bằng cây cọ của mình, Goya đã vẽ những tác phẩm ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân Madrid chống lại quân xâm lược. Chỉ trong thời gian khoảng hơn 4 năm (1810 - 1814), với chủ đề “Những tai họa của chiến tranh”, Goya đã thực hiện tới 65 bức tranh khắc (loại khắc axit) tố cáo sự tàn bạo của cuộc chiến tranh Pháp - Tây Ban Nha. Đồng thời, là “họa sĩ con cưng” của triều đình Charles IV, song Goya không yên phận “ngủ yên trong nhung lụa”. Ngược lại, chính nhờ “sống ở trong chăn mới biết chăn có rận” nên Goya hiểu rất rõ bản chất của bọn tham quan ô lại và bọn trưởng giả học làm sang. Thậm chí, ngay cả vua và Hoàng gia Tây Ban Nha, Goya cũng “không thèm kiêng nể”. Năm 1800, Goya vẽ bức tranh “Gia đình vua Charles IV”. Tác phẩm là bản tố cáo đanh thép bộ mặt thật của những kẻ gọi là “đấng minh quân” hay “phụ mẫu chi dân”. Vì những tác phẩm này, Goya bị triều đình Charles thất sủng. Nhưng đỉnh điểm của khát vọng tự do, hòa bình của Goya được thể hiện sâu đậm nhất là ở ngay tại Tòa án Giáo hội. Từ chỗ vẽ bức tranh “Maja khỏa thân” nổi tiếng, Goya bị bọn thống trị và Giáo hội bắt với tội danh “phạm pháp quả tang”.

“Maja khỏa thân” của Francisco de Goya là một tác phẩm hội họa đã trở thành huyền thoại. Tương truyền, “Maja khỏa thân” là tranh chân dung của Albe - nữ công tước của dòng họ quý tộc Anh. Bấy giờ Albe là một nữ quý tộc lừng danh. Albe là một trong những nhân vật hoạt động chính trị, chống lại triều đình Tây Ban Nha. Đối với Goya, Albe chính là tượng trưng cho khát vọng của TỰ DO - DÂN CHỦ. Goya và Albe yêu nhau. Goya đã vẽ bức tranh “Maja khỏa thân” khi Albe bị triều đình Tây Ban Nha lưu thúc. Và, chính bức tranh “Maja khỏa thân” đã là cái cớ để bọn thống trị và thế lực Giáo hội quy kết, buộc tội Goya. Một trong những “lý do” mà họ đưa ra là vì Goya đã “dám vẽ” người đàn bà trần truồng - “một hành động chống lại thượng đế, chống lại con người” (!?). Với “tội danh” trên, Goya bị đưa ra xét xử trước Tòa án Giáo hội. Tại đây, ông đã hiên ngang tuyên bố: “Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa, còn ý thức tà dâm về sự trần truồng ấy là sản phẩm của bản chất lưu manh”. Cho đến triều đại của vua Ferdinand VII (khoảng năm 1815), Goya mới được miễn tội. Sau đó vì lý do sức khỏe ông rời Tây Ban Nha qua sống tại Bordeaux (Pháp) cho đến khi từ trần.

Ngày 16/4/1828, tại Bordeaux (Pháp), trái tim vĩ đại của danh họa Francisco de Goya ngừng đập. Ông từ giã cõi đời trong tình cảnh thương tâm: xa quê hương, không gia đình, không bà con thân thích, còn bản thân thì mắt mù, tai điếc, tinh thần u uất vì những khát vọng TỰ DO - DÂN CHỦ - HÒA BÌNH chưa thực hiện được. Song, Francisco de Goya đã để lại cho nhân loại một khối lượng tài sản cực kỳ quý giá. Trong suốt cuộc đời 82 năm trường thọ của mình, danh họa Francisco de Goya đã để lại cho nền Mỹ thuật thế giới một số lượng tác phẩm đồ sộ. Theo thống kê, ước tính ông đã vẽ khoảng trên 500 tranh sơn dầu, gần 300 bản khắc axit, thạch bản và hàng trăm bản phác thảo, ký họa… Đáng lưu ý, Goya không chuyên về một loại đề tài nào. Hầu như muôn mặt đời sống của xã hội Tây Ban Nha đều được ông khai thác, thể hiện. Tiêu biểu trong số này là thể loại tranh: sơn dầu, thạch bản, khắc axit, bích họa, tranh thảm… Riêng về tranh chân dung, Goya đã vẽ trên 20 bức và tới 14 bức tranh tường lớn. Những tác phẩm này hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng Prado. Trong số hàng ngàn tác phẩm của Goya nổi tiếng nhất là những tranh: Gia đình của Charles IV, Nữ hầu tước De Pontejos, Ngày 3/5, Cơn hoảng loạn, Vị thần khổng lồ, Biến đổi bất thường, Những tai họa của chiến tranh, Maja khỏa thân…

175 đã trôi qua kể từ khi danh họa Francisco de Goya qua đời, song sự nghiệp, tên tuổi của ông mãi mãi đi vào lịch sử nghệ thuật thế giới. Đồng thời, tinh thần, tư tưởng và những khát vọng về TỰ DO - HÒA BÌNH - DÂN CHỦ của ông vẫn luôn là bài học lớn đối với những nghệ sĩ, những họa sĩ các thế hệ trên thế giới.

Sau khi Goya từ trần, qua tiểu thuyết cùng tên Bức họa Maja khỏa thân, một lần nữa tên tuổi của nhà danh họa lại được triệu triệu người yêu nghệ thuật trên thế giới trân trọng, ngưỡng mộ. Đặc biệt, năm 1992, tác phẩm Maja khỏa thân của Francisco de Goya đã được ngành Bưu chính Việt Nam chọn để thực hiện bộ tem “Hội họa Tây Ban Nha”. Bộ tem gồm 7 mẫu tem và 1 Blốc, giới thiệu một số tác phẩm nổi tiếng của các danh họa Tây Ban Nha, trong đó Goya được chọn 2 tác phẩm. Trong số những mẫu tem nói trên thì tác phẩm Maja khỏa thân là mẫu tem có mệnh giá cao nhất (6.000đồng). Điều đó cho thấy giá trị tác phẩm của danh họa Francisco de Goya. Giờ đây, con tem về bức họa Maja khỏa thân của Goya đã trở nên cực kỳ quý hiếm.

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giải vô địch thế giới Vovinam  (15/04/2003)
Làng Tuồng Nhơn Hòa  (13/04/2003)
Xung quanh ngôi mộ cổ vừa phát hiện ở Tây Sơn  (11/04/2003)
Kinh Dương Vương - Tiền phong dựng nước, tìm đường định đô  (10/04/2003)
Chỗ thiếu của đội Bình Định  (10/04/2003)
Dệt thổ cẩm - Nghề truyền thống của người Ba na đang mai một  (09/04/2003)
Nhìn lại lượt đi V-League 2003  (08/04/2003)
Đại danh họa Picasso - tia mặt trời không bao giờ tắt  (07/04/2003)
Khoa Thanh lập công  (06/04/2003)
Sưu tập hiện vật mộ chum  (04/04/2003)
Cuộc đấu giữa “những người khốn khổ”  (04/04/2003)
Anh thợ sửa xe đạp, ông chủ CLB giàu thành tích thể thao  (03/04/2003)
Cầu thủ nào sẽ đoạt ngôi “Vua phá lưới”?  (03/04/2003)
Cải tạo hoa mai – văn hoá và kinh tế  (02/04/2003)
FIFA quyết định hoãn trận Iraq - Việt Nam  (02/04/2003)