Kiến tạo một hành trình văn hóa
17:39', 17/4/ 2003 (GMT+7)

Tháp Dương Long (ảnh: Bá Phùng)

Các công trình kiến trúc đền tháp, điêu khắc Champa - một phần quan trọng của di sản văn hóa Bình Định, đã được đầu tư lớn để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo. Khai thác một cách hiệu quả, hợp lý phần tài sản văn hóa này là bài toán lớn đang được Bình Định giải dần từng bước một.

* Sức thu hút của văn hóa Champa

Nói đến di sản văn hóa Champa, người ta nghĩ đến ngay những đền tháp tuyệt đẹp. Quả thật, với 13 đền tháp có niên đại từ thế kỷ IX đến XVI, Bình Định sở hữu một di sản vô cùng độc đáo về điêu khắc và kiến trúc Champa... Thế nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập đến những lĩnh vực khác như: nghề chế tác đồ gốm, di tích các lò gốm cổ (chưa tìm thấy ở đâu khác ngoài Bình Định), các phù điêu tuyệt đẹp hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định... Bởi sự thu hút của những di sản văn hóa Champa trên đất Bình Định không chỉ xuất phát từ những đền tháp quen thuộc.

Hiện vật văn hóa Champa cũng được lưu giữ tại bảo tàng của nhiều nước và thu hút khá đông khách tham quan mà Bảo tàng văn hóa Lyon (Cộng hòa Pháp), Bảo tàng Dân tộc học Viên (Vương quốc Áo) là những ví dụ tiêu biểu. Từ lâu văn hóa Champa được nhiều người ở khắp nơi trên thế giới quan tâm, được nhiều nhà khoa học nghiên cứu (Bỉ, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Nhật Bản...). Cuối năm 2002, Bảo tàng Dân tộc học Viên đã đề nghị Chính phủ, tỉnh Bình Định cho mượn hai bức phù điêu nữ thần Mahisamandhi và thần Brahma (cả hai đều có niên đại từ thế kỷ 12, đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định) để phục vụ cuộc triển lãm chủ đề Việt Nam: Quá khứ và Hiện tại diễn ra ở Vương quốc Áo và Vương quốc Bỉ trong hai năm 2003-2004.

Từ những hiện vật đã được trưng bày, từ những bộ sưu tập tư nhân, nhiều nhà khoa học nước ngoài đã đề nghị xác lập những chương trình hợp tác dài hạn để nghiên cứu văn hóa Champa. Bà Miriam Lambrecht (Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ) xác nhận: "Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ hiện có một trong những bộ sưu tập gốm cổ và đồ đồng Việt Nam vào loại lớn nhất châu Âu. Những hiện vật này được quốc gia Bỉ mua lại vào 1952, và chỉ là một nửa trong bộ sưu tập của ông Clemént Huet, một người từng sống ở Việt Nam. Tôi nghĩ đó là những hiện vật gốm cổ Bình Định... Đây là cầu nối để chúng tôi đến Bình Định thăm dò, khảo sát. Những khám phá, hiện vật phát hiện tại cuộc khai quật mà chúng tôi vừa thực hiện tại Gò Hời đã vượt quá điều chúng tôi hy vọng. Chỉ nhìn sơ qua thôi cũng đã thấy rằng những hiện vật ấy rất hay, thú vị và độc đáo".

* Kiến tạo một hành trình văn hóa

Sở VHTT tỉnh Bình Định đã từng xây dựng những kế hoạch “lấy di sản nuôi di sản” và ý tưởng này đã bắt đầu bằng nỗ lực đi tìm nguồn đầu tư cho các dự án trùng tu tôn tạo các tháp cổ, khai quật các lò gốm cổ Champa. Trong hơn 10 năm qua, việc tu bổ các công trình kiến trúc đền tháp Champa đã được Bình Định xúc tiến tương đối bài bản và gặt hái được một số kết quả khả quan. Dự kiến, trong năm 2003 việc trùng tu quần thể tháp Bánh Ít sẽ hoàn tất. Các hạng mục xây tường rào, nhà đón tiếp, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống công trình phụ trợ sẽ được hoàn thành vào năm 2004.

Ông Văn Trọng Hùng - Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: "Những năm gần đây, di sản văn hóa Champa đã được đầu tư tôn tạo rất lớn. Tiếp theo các dự án trùng tu tháp Đôi, tháp Bánh Ít, sẽ là tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên. Tất nhiên ta không thể trùng tu để rồi phó mặc cho đất trời, mà ngược lại, quá trình tôn tạo cần tiến hành liên tục, thường xuyên, cần được kiểm soát chặt chẽ. Kinh phí ở đâu ra nếu không tính đến chuyện "lấy di tích nuôi di tích". Thế nhưng cũng phải nói cho rõ là việc khai thác các di tích vào mục đích du lịch thương mại phải được tính toán chu đáo, cặn kẽ, phải được xem xét đến từng ngóc ngách một vì di sản là công trình nhạy cảm với mọi tác động...". Sau khi được trùng tu tháp Bánh Ít sẽ là một công viên văn hóa sinh động, một địa chỉ tham quan, nghiên cứu hấp dẫn. Và từ thực tế tháp Bánh Ít, các nhà chuyên môn sẽ có bài toán thích hợp cho tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long...

Trong khi chờ đợi những dự án, những ý tưởng trở thành hiện thực, di sản văn hóa Champa vẫn cần được bảo vệ nghiêm túc. Ông Đặng Hữu Thọ – Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định cho biết: "Tháp Dương Long (Tây Sơn), tháp Bình Lâm, dấu tích thành cổ Thị Nại, Tra Thành (Tuy Phước) đều đang xuống cấp và cần được tu sửa. Những hiện vật gốm cổ, mộ chum, trống đồng mà chủ nhân sử dụng là người Champa cổ cũng cần được bảo quản, nghiên cứu nhiều hơn, cần có không gian trưng bày tốt hơn. Thậm chí một bảo tàng chuyên đề về gốm cổ Champa sẽ có lợi không chỉ cho sự nghiệp nghiên cứu khảo cổ học, sử học, dân tộc học mà còn mang lại nhiều lợi ích cho du lịch, thương mại...".

Có thể nói những hiện vật nghệ thuật, những đền tháp công trình kiến trúc Champa cổ là bản thông điệp tri thức của quá khứ gởi cho mai sau. Những thông điệp nay đã trở thành tài sản quí giá mà chúng ta phải bảo vệ và phát huy giá trị. Với việc giữ gìn khá nguyên vẹn, phục hồi di sản văn hóa Champa, chúng ta đã tương đối thành công trong chặng đường đầu tiên. Đây chính là nguồn năng lượng quý giá để chúng ta tiếp tục chặng thứ hai – phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa Champa. Và với những gì đã gặt hái được trong mấy năm gần đây, có thể phấn khởi khẳng định rằng – Việc kiến tạo hành trình văn hóa Champa ở Bình Định đã đi đúng hướng.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những cuộc đua tranh bên lề sân cỏ  (16/04/2003)
Danh họa Goya và những khát vọng tự do  (15/04/2003)
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giải vô địch thế giới Vovinam  (15/04/2003)
Làng Tuồng Nhơn Hòa  (13/04/2003)
Xung quanh ngôi mộ cổ vừa phát hiện ở Tây Sơn  (11/04/2003)
Kinh Dương Vương - Tiền phong dựng nước, tìm đường định đô  (10/04/2003)
Chỗ thiếu của đội Bình Định  (10/04/2003)
Dệt thổ cẩm - Nghề truyền thống của người Ba na đang mai một  (09/04/2003)
Nhìn lại lượt đi V-League 2003  (08/04/2003)
Đại danh họa Picasso - tia mặt trời không bao giờ tắt  (07/04/2003)
Khoa Thanh lập công  (06/04/2003)
Sưu tập hiện vật mộ chum  (04/04/2003)
Cuộc đấu giữa “những người khốn khổ”  (04/04/2003)
Anh thợ sửa xe đạp, ông chủ CLB giàu thành tích thể thao  (03/04/2003)
Cầu thủ nào sẽ đoạt ngôi “Vua phá lưới”?  (03/04/2003)