Chánh Khoan Đông chuyển mình từ xây dựng làng văn hóa
15:8', 6/5/ 2003 (GMT+7)

Được hình thành từ thôn Chánh Khoan (cũ) của xã Mỹ Lợi huyện Phù Mỹ, Chánh Khoan Đông có 2 xóm liên hoàn, dân cư tập trung, hiện có khoảng 258 hộ với 1.210 nhân khẩu, trong đó 60 hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, 10 hộ sống bằng dịch vụ như tạp hóa, xay xát, sửa chữa xe, ăn uống đa phần còn lại làm nông nghiệp.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, suốt trong thời gian từ năm 1995 đến năm 2000, thôn Chánh Khoan luôn đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến – xuất sắc, được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc 5 năm liền.

Từ khi thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngay những ngày đầu, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã xác định đây là phong trào có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển và mang lại nhiều hiệu quả trong đời sống xã hội, góp phần động viên nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – văn hóa – xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Toàn thể bà con trong thôn đã đồng lòng nhất trí thỏa thuận lập ra quy ước văn hóa và đăng ký xây dựng Làng văn hóa Chánh Khoan Đông. Ban vận động xây dựng làng văn hóa đã được thành lập và kiện toàn, hàng tháng, hàng quí đều xây dựng và thực hiện kế hoạch vận động xây dựng làng văn hóa. Qua hai năm triển khai thực hiện quy ước và vận động xây dựng làng văn hóa, ngày 30-1-2002 UBND huyện Phù Mỹ đã công nhận danh hiệu Làng văn hóa năm 2001 cho thôn Chánh Khoan Đông.

Xây dựng làng văn hóa đã khó, giữ vững và phát huy danh hiệu Làng văn hóa còn khó hơn nhiều. Từ khi được công nhận Làng văn hóa cấp huyện đến nay, Chánh Khoan Đông đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực để giữ vững và phát triển phong trào. Đến Chánh Khoan Đông hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở đây. Cảnh quan môi trường luôn luôn xanh-sạch-đẹp, đường làng, ngõ xóm không những được gìn giữ nét xưa của làng quê Bình Định mà còn được bê tông hóa những đoạn đường liên thôn, liên xã; 99% số hộ được dùng điện sinh hoạt, 53% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 60% số hộ có xe máy, trên 90% số hộ có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, số hộ giàu chiếm gần 16%, số hộ nghèo chỉ còn 4 hộ. Đời sống bà con trong thôn không ngừng được nâng lên.

Vốn là một thôn thuần nông, nhưng người dân Chánh Khoan Đông đã biết tận dụng thời gian nhàn rỗi vào việc khai thác nguồn lợi thủy sản có ở Đầm Trà Ổ, phát huy nghề truyền thống dệt sợi dây dừa có từ lâu đời; phát triển dịch vụ buôn bán, may mặc, thợ mộc, thợ nề… Nếu như thu nhập bình quân đầu người của Chánh Khoan Đông vào thời điểm năm 1995 là 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/năm thì nay đã lên đến hơn 5 triệu đồng/năm. Trình độ dân trí ngày càng được nâng lên, trẻ em đúng tuổi đều được đến trường, không có trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Chánh Khoan Đông luôn coi trọng công tác xây dựng nếp sống văn minh, chú trọng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cấp phát sổ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa cho từng hộ, đồng thời theo dõi lẫn nhau bằng việc ghi lại quá trình tham gia xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức các đợt sinh hoạt nhằm đẩy mạnh phong trào. Ban vận động xây dựng làng văn hóa Chánh Khoan Đông cũng như các đoàn thể, chính quyền thường vận động, nhắc nhở nhau thực hiện tốt qui ước đã được bà con đề ra, làm cho mọi người trong thôn có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy ước văn hóa, đồng thời họp dân tổng kết quá trình thực hiện qui ước hàng năm, lấy ý kiến sửa đổi những điều không phù hợp và bổ sung những qui định mới để phù hợp với quá trình vận động xây dựng làng văn hóa tại địa phương, cũng như biểu dương, khen thưởng những cá nhân, gia đình thực hiện tốt, phê phán những thành viên chưa thực hiện tốt quy ước.

Các chi hội đoàn thể như Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Khuyến học, Chi hội Phụ nữ, Chi Đoàn thanh niên đã được củng cố tổ chức từ thôn đến xóm đi vào hoạt động có hiệu quả, sinh hoạt định kỳ có nền nếp, xây dựng được các quỹ hội, góp vốn hỗ trợ sản xuất cho hội viên nghèo, khó khăn…

Hai năm trở lại đây, tình hình an ninh trật tự trong thôn được đảm bảo, các vụ tranh chấp cá nhân, vui chơi uống rượu quá chén, chăn thả gia súc - gia cầm xâm hại hoa màu người khác đều được tổ hòa giải của Ban vận động xây dựng làng văn hóa đứng ra giải quyết vẹn lý vẹn tình. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao không những duy trì mà còn phát triển mạnh và có hiệu quả xã hội thiết thực. Thiết chế khu sinh hoạt văn hóa – thể thao của làng văn hóa được hình thành, đội văn nghệ của thôn là lực lượng nòng cốt trong quá trình hoạt động văn hóa – thể thao của làng văn hóa.

Tại Hội nghị sơ kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2002 của huyện Phù Mỹ tổ chức vào ngày 9-4-2003 vừa qua, đã đánh giá cao về thành tích đạt được của làng văn hóa Chánh Khoan Đông, đồng thời nhất trí đề nghị tỉnh công nhận danh hiệu Làng văn hóa năm 2002.

. Nguyễn Văn Ngọc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trận thắng quý giá của Bình Định  (05/05/2003)
Bình Định lại sẽ có điểm trên sân nhà?  (02/05/2003)
Trước thềm Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung  (02/05/2003)
Một cuộc giao hòa tuyệt diệu của âm nhạc dân tộc  (01/05/2003)
Bình Định đoạt hết các giải thưởng tháng 4 của V-League  (01/05/2003)
Lịch tập huấn mới của đội tuyển bóng đá nam, nữ  (28/04/2003)
Một trận cầu sôi động   (27/04/2003)
Trận thư hùng giữa các cầu thủ Thái Lan   (28/04/2003)
15 năm ấy biết bao nhiêu là tình  (24/04/2003)
Nhà ảo thuật Phan Ngọc Thanh với ước mơ hiện đại hóa sân khấu truyền thống  (23/04/2003)
Thú chơi chim yến Canary ở Quy Nhơn   (22/04/2003)
HLV Riedl sẽ dẫn dắt tuyển U23 từ tháng 7  (23/04/2003)
Tay đua Trịnh Quốc Đạt về đích đầu tiên  (21/04/2003)
Bình Định vượt chỉ tiêu đòi nợ Đà Nẵng  (20/04/2003)
Cây Sanh - bước khởi đầu của sự nghiệp  (20/04/2003)