Cây Sanh - bước khởi đầu của sự nghiệp
18:44', 20/4/ 2003 (GMT+7)

Cây Sanh

(ảnh: Trần Hoàng)

Nhìn qua những trang “cảo thơm” trong tâm thức sinh hoạt của người Việt, chúng ta nhận thấy cây sanh được trồng và được ưu tiên trình bày ở nơi trang trọng hoặc ở mặt tiền nhà - một nếp văn hoá đậm màu truyền thống và bản sắc văn hoá nhà Phật. Sanh là chữ đầu tiên của quá trình Tứ diệu đế (sanh, lão, bệnh, tử) để chỉ một vòng khép kín, viên mãn của một đời người. Rồi từ đó, sanh còn cho một nghĩa phái sinh, là bước tiên khởi trong công việc làm ăn.

Không riêng gì các cơ sở kinh doanh lớn, những hộ kinh tế tư nhân vừa hoặc nhỏ mà đến cả các tầng lớp nhân dân thảy đều nuôi trồng và vun đắp… cho một chữ sanh! Sanh mang lại niềm vui phước lộc và hứa hẹn những điều cát tường. Bằng chứng, người ta đã “xin điểm” cho biển số xe, rồi đến số điện thoại. Gần đây nhất là uống bia tính chai. Uống 4 chai coi như… hỏng, phải khui thêm 1 chai nữa, để được… sanh! Biển số xe 9 điểm đích thị là biển số… sanh. Xem ra thế giới chúng ta đang vận động là luôn ở bước khởi đầu…

Để được cụ thể hơn trong cái nhìn về văn hoá thưởng thức cây sanh hiện nay, chúng tôi gặp anh L., và bằng chất giọng của người xứ Thanh, anh chỉ tay vào một cây sanh cao chừng 40 cm có giá tới 10 triệu đồng ở Quy Nhơn, nói: “Tôi chuyên mua sanh để bán lại cho các kiến trúc nhà ở, một loại hình nghệ thuật trang trí đang thịnh, nhưng cây sanh này thì không thể “chơi” được, chưa biểu trưng cho nhiều điều… Nó lùn quá, “tay chân” tuy bụ bẫm nhưng lại ngoằn nghèo. Phải cao lên nữa và thoáng một cách hiên ngang như cây tự nhiên. Hãy giới thiệu cho tôi một cây khác, phù hợp hơn.” Người nghe hơi hụt hẫng vì cách “chê” của anh, cứ ngỡ gặp sanh anh sẽ mua dễ dàng. Và điều đó thật hiển nhiên. Bởi trước và sau anh L. đã đi nhiều vườn cây khắp cả tỉnh, một năm anh vào Bình Định đến 4, 5 lần, nhưng lại chỉ chọn được một ít cây đạt tiêu chuẩn theo cách nhìn của người Bắc bộ.

Với kiểng cổ Nam bộ, chúng ta thấy cây sanh luôn được chọn để tạo thế (phụ tử, phu thê…). Bên cạnh thân chính, ở gốc còn có một thân phụ nữa. Thường thân chính có 5 tàn, thân phụ 3 tàn, tượng trưng cho tam cang nhũ thường… Ở miền Trung và miền Bắc ít thấy tạo kiểng như Nam bộ. Người Bình Định, nhất là lớp trẻ, họ tạo sanh dáng trực 5 tàn không giống các trường phái khác với đặc điểm gốc thật lớn, chiều cao vừa phải, mang ý nghĩa sanh trong sanh.

Sanh dễ trồng và dễ chăm sóc, sống được ở nước hoặc ở đất trong thời tiết khắc nghiệt với tuổi thọ và sức chịu đựng rất cao. Được ưa chuộng nhất hiện nay vẫn là sanh bám đá với nhiều rễ tua tủa, chắc nịch; dễ dàng phối cảnh cùng đá trong một chậu khay mỏng bên núi cao, bên sông sâu - như một bức thuỷ mặc cổ kính. Và đây chính là chủ đề nghệ thuật mới mà người Bình Định chưa thể đáp ứng hàng loạt cho nhu cầu ưa thích của người Hà Nội.

Chúng tôi gặp lại anh C., anh D. – những người chuyên mua bán, khai thác cây rừng ở Tuy Phước và nghe các anh kể: “Chúng tôi lùng sục khắp các ngóc ngách ở miền quê lẫn núi rừng và đã bán được nhiều cây sanh cho những vườn kiểng ở Hải Dương, Hà Nội. Sanh bám đá được ưu tiên chọn trước với giá cao hơn. Chúng tôi bán được sanh vì người mua nghĩ đơn giản rằng sanh là sinh sôi nẩy nở, là hiện thân của những điều mới mẻ. Ở Hải Dương, họ bán ra dễ dàng với số lượng nhiều cho hai thành phố lớn ở hai đầu của tỉnh là Hà Nội và Hải Phòng”.

Trong nhịp điệu xây dựng hiện nay, hầu hết nơi nào cũng mua cây cảnh để trang hoàng, trong đó ít nhất cũng có một cây sanh. Có lẽ sanh còn mang hình ảnh thân quen của “cây đa đầu làng” đến với kiến trúc công nghiệp hiện nay. Bằng cái nhìn nhà nghề trong mỹ quan đô thị, anh T., kiến trúc sư ở TP Quy Nhơn tâm tình: “Trước khi xây dựng khuôn viên Seaview của Công ty Du lịch Bình Định, chúng tôi cùng chủ đầu tư cho rằng cây dương liễu có thể chặt bớt cho thoáng, nhưng nên giữ lại những cây sanh và cây bồ đề trường sanh bất lão hiếm có này, và dựa vào cây có sẵn để thiết kế xây dựng. Anh thấy đấy, bây giờ chúng trở nên “rất tuổi tác” và hài hoà bên cạnh một kiến trúc hiện đại, thơ mộng gần biển cả.”

Trong mấy năm gần đây, Bình Định đã xuất ra ngoài tỉnh cả ngàn cây sanh lớn nhỏ (kể cả sanh khai thác ở núi rừng). Hiện nay trong tỉnh, nguồn này đã dần cạn kiệt, nghĩa là tìm sanh đẹp để đáp ứng nhu cầu thị trường e rằng hiếm. Vì vậy, người nông dân ở các huyện đang trở lại với bước đầu tiên của nghề trồng sanh, còn người làm cây cảnh ở phố thì đang bắt đầu tạo dưỡng sanh… Dường như, tất cả mọi hoạt động của người làm sinh vật cảnh ở Bình Định đang ở giai đoạn khởi bước của quy trình Tứ diệu đế.

. Trần Hoàng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định sẽ đòi nợ?  (18/04/2003)
Kiến tạo một hành trình văn hóa  (17/04/2003)
Những cuộc đua tranh bên lề sân cỏ  (16/04/2003)
Danh họa Goya và những khát vọng tự do  (15/04/2003)
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giải vô địch thế giới Vovinam  (15/04/2003)
Làng Tuồng Nhơn Hòa  (13/04/2003)
Xung quanh ngôi mộ cổ vừa phát hiện ở Tây Sơn  (11/04/2003)
Kinh Dương Vương - Tiền phong dựng nước, tìm đường định đô  (10/04/2003)
Chỗ thiếu của đội Bình Định  (10/04/2003)
Dệt thổ cẩm - Nghề truyền thống của người Ba na đang mai một  (09/04/2003)
Nhìn lại lượt đi V-League 2003  (08/04/2003)
Đại danh họa Picasso - tia mặt trời không bao giờ tắt  (07/04/2003)
Khoa Thanh lập công  (06/04/2003)
Sưu tập hiện vật mộ chum  (04/04/2003)
Cuộc đấu giữa “những người khốn khổ”  (04/04/2003)