Năm học 2004-2005 này, lần đầu tiên, Trường Trung học Văn hóa - nghệ thuật tỉnh mở lớp trung cấp quản lý văn hóa dành riêng cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm đào tạo nguồn cán bộ văn hóa cho miền núi, vùng cao. Tuy số lượng học sinh hãy còn ít, nhưng "vạn sự" luôn là "khởi đầu nan"…
* Đến từng làng... tuyển sinh
|
Thiếu nữ H' Re (An Lão) sử dụng đàn Tơ Rưng (một nhạc cụ dân tộc truyền thống) tại Lễ hội VHTT miền núi |
Ông Nguyễn Hồng Tĩnh, Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh, cho biết: "Qua khảo sát, chúng tôi được biết, hiện nay, cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở các xã nói chung đều thiếu và yếu. Đặc biệt, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tình hình lại càng khó khăn hơn. Trước thực trạng này, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các huyện miền núi trong tỉnh, xác định nhu cầu số lượng cán bộ, rồi tổ chức tuyển sinh. Chúng tôi nghĩ, chỉ có làm chặt chẽ như vậy thì việc đào tạo mới đúng địa chỉ, đúng nhu cầu và đảm bảo việc làm cho các em sau khi ra trường".
Để có được con số 23 học sinh hiện nay (9 em học lớp trung cấp quản lý văn hóa và 4 em học trung cấp âm nhạc) là một cố gắng của cả nhà trường và các địa phương. Trường về từng huyện, làm việc với huyện, rồi cử người đi đến từng làng, từng xã, xác định nhu cầu và tuyên truyền, vận động các em có đủ khả năng tham gia thi tuyển. Để thuận lợi cho học sinh, Trường quyết định tổ chức thi năng khiếu ngay tại các địa phương, sau đó, chỉ những em nào đậu phần thi này mới về trường để thi văn hóa. Theo ông Tĩnh, các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh đã phối hợp với Trường khá nhịp nhàng nên đạt hiệu quả cao.
* Vừa nuôi, vừa dạy
Đến thời điểm này, 23 cô, cậu học sinh người dân tộc thiểu số đã tựu trường được hơn 2 tháng. Trường bố trí ở nội trú 6 em/phòng và đặt cơm hai bữa/ngày cho các em. Tuy mới vào học, chưa có kết quả học tập để cấp học bổng, nhưng để giúp các em vợi bớt khó khăn, Trường đã quyết định cho mỗi em ứng trước tiền ăn 200.000 đồng/tháng.
Tâm sự với chúng tôi, các bạn học sinh nói rằng, mới gần 3 tháng nhưng các bạn đã vợi đi rất nhiều nỗi nhớ nhà bởi sự chan hòa tình bạn bè, thầy cô và có thêm nhiều niềm vui từ các hoạt động học tập và sinh hoạt tập thể. "Chúng tôi xác định, các em học sinh là người dân tộc thiểu số, không chỉ cần truyền dạy kiến thức đơn thuần mà phải thật sự vừa nuôi, vừa dạy. Do vậy, ngoài những giờ học chính khóa, giáo viên phải thật sự quan tâm đến các em. Giáo viên chủ nhiệm đến từng phòng, động viên, giúp đỡ các em những khi gặp khó khăn, thậm chí còn săn sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ" - ông Tĩnh nói. Bên cạnh đó, để lôi kéo các em vào các hoạt động sinh hoạt tập thể nhằm vơi bớt nỗi nhớ bản làng, gia đình, Trường còn tổ chức chương trình văn nghệ, múa hát tập thể, hoạt động thể thao và mở cửa thư viện thường xuyên để các em có nơi đọc sách báo.
23 học sinh là một con số hãy còn ít ỏi, nhưng là khởi đầu cho một nỗ lực đào tạo cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số. Có thể thấy, đây là một hướng đào tạo đúng, nhằm tạo nguồn nhân lực cho hoạt động văn hóa cơ sở ở miền núi, vùng cao.
. Khải Nhân |