Khảo cổ học ở Bình Định: Nét phác thảo đầu tiên về lịch sử một vùng đất
10:21', 24/12/ 2004 (GMT+7)

Những cuộc nghiên cứu, khảo cổ trên vùng đất Bình Định được nhiều học giả nước ngoài tìm hiểu từ những năm đầu của thế kỷ XX và khai quật khảo cổ thực sự được tiến hành sau ngày miền Nam giải phóng.

Hồ "Bán Nguyệt" thành Hoàng Đế - một công trình kiến trúc của Tây Sơn vừa được khai quật

Năm 1978, Sở VHTT Nghĩa Bình kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, điều tra thám sát nhiều di chỉ như: Gò Lồi, Truông Xe, Thuận Đạo, Chánh Trạch ở huyện Phù Mỹ; Hội Lộc, Núi Ngang ở TP Quy Nhơn. Những di tích này thuộc giai đoạn tiền Sa Huỳnh, niên đại cách nay từ 2.500 - 3.500 năm. Những năm 1983, 1986, 2 ngôi mộ cổ ở hai xã Cát Hưng và Cát Hanh huyện Phù Cát đã được khai quật. 2 quan tài hình thuyền được làm bằng thân cây khoét rỗng cùng với xác ướp (một nam, một nữ) và những vật tùy táng chôn theo người chết như quần áo, hài, khăn đội đầu… những chiếc áo dài còn nguyên vẹn là trang phục của giới thượng lưu người Kinh thế kỷ XVIII-XIX.

Tiếp theo những năm 1986, 1987, 1988, Bảo tàng Bình Định cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khảo sát điều tra, thống kê các di tích, di vật tháp Chăm trên toàn tỉnh. Năm 1990 khảo sát di chỉ Gò Sành và các vùng có dấu vết. Ngoài địa điểm Gò Sành - xã Nhơn Hòa (An Nhơn) đã phát hiện thêm bốn trung tâm sản xuất gốm cổ Chăm khác như Trường Cửu (Nhơn Lộc), Gò Hời (Tây Vinh), Gò Cây Me (Nhơn Mỹ), Gò Ké (Tây Vinh). Từ năm 1991-1993 cuộc khai quật tại Gò Sành chính thức được tiến hành với sự hợp tác với Đoàn chuyên gia Nhật Bản. Cuộc khai quật đã làm xuất lộ 3 lò nung gốm - những lò nung hình ống còn nguyên vẹn, không giống một loại hình lò nung nào trên đất nước ta. Trên 6.000 hiện vật thu được có gốm dân dụng: vò, chén, tô, đĩa tráng men xanh ngọc, vàng nhạt, nâu da lươn…; gốm kiến trúc: ngói lá, các chi tiết trang trí góc tháp, mỏ chim thần Garuda và các vật dụng: con kê 5 mấu, quả cân, tượng bò bằng đất nung và cả khuôn tạo dáng hiện vật. Từ những trung tâm gốm cổ ở vùng này đã góp phần vào bộ sưu tập gốm cổ thế giới một chương mới: Gốm Chăm Bình Định.

Giữa năm 1997, tại một giếng cổ cách tháp Cánh Tiên khoảng 100 mét về hướng tây bắc, thuộc thôn Bả Canh, xã Đập Đá (An Nhơn), cuộc khai quật đã tìm thấy nhiều hiện vật giá trị như mảnh dát vàng trang trí hoa văn, bình gốm ken-di, những loại hình gốm Chăm và gốm Trung Quốc giai đoạn Tống - Minh. Điều đặc biệt là những hiện vật tìm thấy tại đây đều có lỗ thủng nhỏ, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể đây là những vật mà người Chăm sử dụng trong quá trình dâng cúng thần khi xây tháp Cánh Tiên - nơi tín ngưỡng thiêng liêng nên chủ nhân không muốn người sau sử dụng lại?

Tượng Gajasimha (đầu voi mình sư tử) - phong cách Tháp Mẫm - thế kỷ XII (khai quật tại phế tích Gò Tháp Mắm ở Nhơn Thành, An Nhơn)

Từ đầu năm 1997 đến năm 1999, ở Bình Định đã phát hiện 14 chiếc trống đồng, tập trung nhiều nhất ở huyện Vĩnh Thạnh (8 chiếc), Tây Sơn (4 chiếc), Phù Cát (2 chiếc). Hầu hết trống phát hiện được đều là trống đồng loại I Heger - Trống Đông Sơn - một trong những nhạc khí văn hóa truyền thống của người Việt cổ. Những cuộc khai quật thám sát địa điểm chôn những chiếc trống này của Bảo tàng Bình Định đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm thô là những đồ tùy táng chôn theo trống có hoa văn là những hoa văn đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Điều này đã lý giải cho sự giao lưu văn hóa giữa hai tộc người Đông Sơn và Sa Huỳnh trong giai đoạn tiền sử.

Cuộc khai quật năm 2002, tại chân tháp Bánh Ít để tìm dữ liệu trùng tu tháp đã phát hiện trên 1.000 hiện vật. Nhiều hiện vật điêu khắc có giá trị như phù điêu đá thể hiện cỗ xe ngựa của hoàng gia Chămpa, nắm tay tượng thần Hộ Pháp, đất nung trang trí tháp, đặc biệt là nhiều viên gạch khắc chữ Chăm cổ… Khảo sát di tích chùa cũ gần đó, cùng các hiện vật được tìm thấy, các nhà nghiên cứu cho rằng phải chăng đây là dấu tích của một trung tâm phật giáo đầu tiên tìm được trên địa bàn Bình Định (?). Cuối năm 2002, Bình Định đã hợp tác với Bảo tàng Hoàng Gia Bỉ làm cuộc khai quật tại Gò Hời. Hai lò nung gốm cổ Chăm tiếp tục được bóc tách ra từ trong lòng đất. Một khối lượng hiện vật đồ sộ là một phần minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hóa Chăm giai đoạn thế kỷ XIII - XV. Năm 2001- 2003 cuộc khai quật di chỉ Động Cườm (Tam Quan-Hoài Nhơn) thu được trên 60 mộ chum, mộ vò, mộ nồi cùng nhiều vật dụng tùy táng như chĩa sắt, dao sắt, kiếm sắt, các kiểu nồi gốm lớn nhỏ, dọi xe chỉ bằng gốm, đồ trang sức hạt cườm, mã não… Với việc khai quật Thành Hoàng Đế năm 2004 vừa qua, trên vùng đất Bình Định lần đầu tiên trong lịch sử đã tìm thấy dấu tích công trình kiến trúc thuộc Vương triều Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII…

Nghiên cứu khảo cổ học ở Bình Định trong thời gian qua đã góp phần làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử trải dài từ thời tiền sử cho đến thời cổ trung đại của một vùng đất tiềm ẩn nhiều tầng văn hóa qua các triều đại.

. Hồ Thùy Trang

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoa Lâm Bình Định sẵn sàng tranh Siêu cúp quốc gia  (24/12/2004)
Tay vợt VN đầu tiên lọt vào Top 100 thế giới  (23/12/2004)
Hoa Lâm Bình Định kết thúc đợt tập huấn tại Thái Lan  (23/12/2004)
Thể Công trên con đường trở lại truyền thống hào hùng   (22/12/2004)
Đào tạo cán bộ văn hóa người dân tộc thiểu số: Vạn sự khởi đầu nan  (22/12/2004)
Pencak silat Việt Nam giành vị trí số 1 thế giới  (21/12/2004)
VFF bác bỏ thông tin cho rằng thủ môn Minh Quang đã bán độ  (21/12/2004)
Ronaldinho giành giải Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA  (21/12/2004)
3 cầu thủ chia tay đội tuyển quốc gia  (20/12/2004)
Hậu Tiger Cup 2004: Đội tuyển Việt Nam làm lại từ đâu?  (20/12/2004)
Môn đua xe đạp ở Bình Định: Bao giờ vượt ngưỡng phong trào?  (20/12/2004)
Ký kết thỏa thuận giữa Ủy ban Olympic VN và Thái Lan  (19/12/2004)
31-3-2006: Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ V  (19/12/2004)
Kết cục buồn!  (17/12/2004)
Trường THCS Ngô Văn Sở thâu tóm nhiều giải cao  (17/12/2004)