Từ năm 2001, Viện Khoa học TDTT đã chủ trì dự án điều tra thể chất người Việt Nam từ 6-20 tuổi. Công tác điều tra được tiến hành trên 24 tỉnh. Theo kết quả của dự án, tố chất thể lực của thanh thiếu niên nước ta khá hơn so với 25 năm trước rất nhiều nhưng so với thế giới thì còn nhiều hạn chế.
* Cao hơn và nặng hơn so với trước
|
Ban tổ chức trao Cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự Hội khỏe Phù Đổng năm học 2003-2004 |
Kết quả điều tra của dự án cho thấy, chiều cao thân thể trung bình của nam 20 tuổi là 165,14cm và của nữ là 153,88cm. Từ 18 tuổi chiều cao thân thể ở nam hầu như không tiếp tục phát triển còn ở nữ thì đã dừng từ 16 tuổi. Nếu so sánh chiều cao thân thể của trẻ em 10 tuổi ở thời điểm hiện nay với trẻ em cùng tuổi ở thời điểm 1975 sẽ thấy trẻ em hiện nay có sức lớn vượt trội: nam cao hơn 11cm và nữ cao hơn 21cm. Nhịp độ phát triển chiều cao trong khoảng thời gian này gần với chuẩn của nhiều nước tiên tiến. Công cuộc đổi mới đất nước giúp mức sống người dân tăng cao, tạo cơ hội cải thiện tầm vóc. Về cân nặng so với 25 năm trước, người Việt Nam cũng đã phát triển khá. Nam 20 tuổi hiện nay nặng trung bình là 53,19kg (hơn 25 năm trước 8kg) và nữ 20 tuổi hiện nay nặng trung bình là 46,02kg (hơn 25 năm trước 3kg). Chiều cao thân thể và cân nặng của thanh thiếu niên khu vực thành thị so với khu vực nông thôn có sự chênh lệch nhưng không đáng kể (khoảng 1,3cm). Tuy vậy so với nhiều nước trong khu vực, cân nặng của người Việt Nam vẫn ít hơn đáng kể.
* Sức bền hạn chế, sức mạnh trung bình
Thực hiện test chạy 5 phút là cách để tính sức bền chung. Với cách tính này cho thấy nam từ 15-16 tuổi có sức bền chung tốt hơn từ 18-20 tuổi; nữ từ 11-12 tuổi có sức bền chung tốt hơn từ 15-20 tuổi. Kết quả chỉ số công năng tim phản ánh chức năng hoạt động của hệ tim - mạch đối với lượng vận động chuẩn (đứng lên ngồi xuống 30 lần trong 30 giây theo máy đếm nhịp) - một cách đo sức bền khác - cũng cho thấy ở mọi lứa tuổi và giới tính người Việt Nam đều xếp vào loại kém so với chuẩn quốc tế. Dù rằng sức bền của thanh thiếu niên khu vực nông thôn tốt hơn khu vực thành thị (do chế độ lao động thể lực tốt hơn) tuy nhiên nếu lấy chỉ số tốt nhất này ra đọ thì sức bền của thanh thiếu niên Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình hoặc kém so với một số nước châu Á.
Với test lực bóp tay thuận bằng lực kế và test bật xa tại chỗ để kiểm tra sức mạnh cho thấy sức mạnh ở nam phát triển tương đối đều từ 6-17 tuổi và từ 17-20 tuổi phát triển chậm lại. Sức mạnh ở nữ phát triển tương đối đều từ 6-14 tuổi và từ 14-20 tuổi phát triển chậm lại. Sức mạnh của thanh thiếu niên nước ta so với một số nước châu Á thuộc loại trung bình.
Theo PGS.TS Dương Nghiệp Chí, Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, tố chất, thể lực của thanh thiếu niên nước ta còn nhiều hạn chế xuất phát từ việc thiếu chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động hợp lý.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX: "Cần đặc biệt chú trọng các giải pháp nâng cao tầm vóc và thể trạng người Việt Nam", các ngành chức năng đang nỗ lực triển khai một số dự án chăm sóc chiều cao thân thể gồm các giải pháp: xã hội, y tế, TDTT, dinh dưỡng đồng thời đẩy mạnh công tác thể thao trong học đường, xây dựng các khu vui chơi thể thao từ cơ sở... Hy vọng với những giải pháp này, tầm vóc và thể trạng người Việt Nam sẽ được cải thiện nhanh chóng trong thời gian tới.
. Quang Khanh
(Theo tài liệu của Ủy ban DS-GĐ&TE Việt Nam)
|