Tháng ngày qua
16:33', 23/7/ 2004 (GMT+7)

 Truyện ngắn của Lưu Cẩm Vân

Trời đột nhiên nóng dữ dội dù chưa qua hết tháng sáu, có những ngày nhiệt độ lên đến 36, 37 độ, mọi thứ trong nhà đều trở nên nóng hầm hập như mới vừa lấy ra từ trong lò hấp. Mọi người đều không muốn đi ra khỏi nhà, chẳng đặng đừng mà phải đi dưới cơn nắng đổ lửa thì người ta phải trùm kín cả mặt mũi tay chân. Buổi trưa nhìn ra đường, bà hoa cả mắt khi thấy nhà cửa, xe cộ đều như lung linh trong hoa nắng. Những buổi trưa vì thế càng vắng, vắng lặng đến buồn, không có cả tiếng gà gáy trưa. Không biết bọn gà đi trốn nắng ở bụi cây nào đó hay bây giờ ở thành phố đất đã trở nên chật chội không còn chỗ để người ta nuôi đôi ba con gà cho vui nhà, vui cửa.

Bà đến ở nơi này mới trong vòng năm năm trở lại đây. Mỗi ngày bà ra khỏi nhà khi trời mới mờ sáng, hàng xóm chưa kịp thức giấc. Khi bà từ chợ về đến nhà thì những cánh cổng các nhà chung quanh đã khép lại, người ta nhốt cả vào trong đó tiếng cười hoặc cãi cọ làm thành những thế giới riêng, chỉ còn thấp thoáng thay mọi người quây quần quanh mâm cơm trong bóng chiều chập choạng buông xuống. Năm năm chưa đủ để người quanh đây nhớ mặt của người phụ nữ sống cô đơn như bà. Người ta không quen cũng tốt, bởi vì bà chỉ dọn đến ở đây khi biết chắc chắn rằng không còn ai nhận ra bà. Cái quá khứ buồn tẻ của bà đã ra đi theo cái chết của những người một thời cùng sống với bà ở nơi đây.

Lâu lắm bà mới có một ngày nghỉ trọn vẹn như hôm nay. Buổi sáng bà ngủ dậy sớm hơn mọi ngày. Thật ra là vì đêm qua bà không ngủ được. Nằm vắt tay lên trán bà nghĩ đến đủ thứ chuyện, dường như buồn nhiều hơn vui, có chuyện làm cho nước mắt chảy dài không ngăn được. Sáng nay bà không ra chợ, ở nhà cũng chẳng làm gì, mà cũng không làm được gì. Bà cứ ngồi ở bậc thềm nhìn sang ngôi nhà bên kia đường, ở đó bọn trẻ đang lăng xăng dọn dẹp, treo đèn kết hoa chuẩn bị cho một đám cưới. Đám cưới này bà mong đợi từ lâu mà sao bây giờ bà lại thấy xốn xang trong lòng. Bà đi ra đi vào, hết đứng lên lại ngồi xuống. Trong cùng tận đáy lòng bà cứ muốn sang đấy tìm cô gái sẽ làm cô dâu ngày mai để nói cho cô nghe một câu chuyện. Ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi vì bà biết sẽ không bao giờ mình lại làm như thế.

Chẳng mấy chốc mà trời đã trưa, cơn nắng nóng kéo dài mấy ngày qua chẳng hề biết lòng bà cũng nóng lên không kém. Buổi trưa ngồi nhìn cơn nắng vàng nhức mắt mà nhớ lại, nỗi nhớ đã chìm sâu trong quá khứ lại bồng bềnh như những đóa hoa nắng lung linh trong trưa vắng. Ngày ấy bà mới 17 tuổi, con gái ở thành phố thì 17 tuổi ăn chưa no lo chưa tới chứ bà 17 tuổi ở quê đã lo toan trăm bề. Nhà nghèo lại đông con, thiếu ăn thiếu mặc, đôi vai non trẻ oằn xuống dưới đôi nước gánh thuê để kiếm tiền thêm phụ mẹ nuôi em. Đôi gót chân chai sần vì phải đi trên những cánh đồng khô mặc cho mấy gốc rạ cứa vào làm chảy máu. Tuổi thơ của bà buồn còn hơn những câu vọng cổ, bà không muốn nhớ đến điều gì đã đưa đẩy bà trôi nổi lên thành phố vào đến nhà ông ấy, vào nhà người làm thân ở đợ kiếm cơm ngày hai buổi, còn tiền công mẹ đã lấy trước đem về quê. Công bằng mà nói ông bà chủ và các con của họ đều là người tốt, công việc nhà đối với bà lúc ấy nhẹ nhàng hơn bao nhiêu lần việc đi cày, đi gặt. Nhờ vậy cô gái 17 tuổi mỗi ngày mỗi đẹp hơn, đôi má cứ căng ra hồng hào và sức sống trẻ làm cho bầu ngực đầy đặn lúc nào cũng như muốn thoát khỏi đôi tà áo mỏng manh.

Dưới mắt bà chủ cô là đứa trẻ bằng tuổi con mình còn đối với ông chủ thì đó là cô gái xuân thì đầy quyến rũ. Và mọi chuyện đã xảy ra, khi bà chủ biết thì cô đang có thai đến tháng thứ sáu. Nhiều khi nhớ lại bà cũng không biết là nên giận hay nên biết ơn bà chủ nhà. Biết chuyện bà chủ không làm gì ầm ĩ, chỉ đưa cô gái gởi đến nhà người em chồng chờ sinh con. Đứa bé sinh ra ở với mẹ được 3 ngày trong bệnh viện, sau đó cô gái ra đi với một số tiền và một sự thỏa thuận là không được quay trở lại nơi ấy và nhất là không được nhìn nhận con.

Suốt cả tháng trời cô gái cứ lén lút quanh quẩn ở chỗ người ta đang giữ con mình. Khi đôi vú không còn nhức vì căng sữa thì cô gái trẻ cũng hiểu ra là không thể thay đổi được mọi chuyện. Đứa con nhỏ của cô ở phía trong ngôi nhà kia đang có một chỗ ở êm ấm mà cô không thể nào đem lại cho nó. Vả chăng cô cũng còn là một đứa trẻ, một đứa trẻ chưa đủ lớn để săn sóc cho đứa trẻ nhỏ. Trong trí khôn non nớt của cô cũng mang máng biết rằng thà như thế thì hơn. Dẫu vậy người mẹ trẻ ấy vẫn thổn thức mỗi khi nhớ lại những dấu vết riêng trên người đứa con trong niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm lại đứa con mình đánh mất.

Nói cho cùng có lẽ cô cũng đừng hối tiếc điều gì, vì dẫu sao cuộc đời không nỡ đẩy cô đến tận cùng vực thẳm, cô gặp được người tốt, được học thêm chữ, học nghề và sống mỗi ngày mỗi tốt hơn. Cô chỉ có thể dõi theo con mình được vài năm rồi phải trôi dạt đi nơi khác.

Bà ít khi muốn nhớ lại chuyện cũ, không ích gì để cứ mãi bươi lại đống tro tàn quá khứ. Chiều đã hơi nghiêng mà cái nóng vẫn cứ đặc quánh lại như muốn làm tan chảy con người ta. Bóng nắng chếch qua thềm đến tận chỗ bà ngồi, bà đứng dậy khép bớt một bên cửa, lại nhìn sang ngôi nhà đối diện, bọn trẻ dọn dẹp chưa xong đã rủ nhau nâng những ly bia vàng óng, bọt tràn cả ra tay. Bà nghe cả tiếng ly cốc chạm vào nhau rồi vỡ ra những tiếng cười, trong mớ cười nói hỗn độn ấy bà vẫn nhận ra được giọng nói của cô gái nhỏ. Dẫu có đi đâu, dầu mọi thứ có thay đổi thế nào bà vẫn nhận ra cái dáng dấp thanh thanh ấy, đôi mắt đen dài ấy và cả đôi môi đầy đặn rõ một đường viền thật đẹp.

Bà tìm lại nơi này sau một cuộc hành trình dài với đầy đủ mặn nhạt, chua cay. Nhiều năm không gặp mà bà vẫn nhận ra con gái của mình, khi đó nó được 10 tuổi. Bà chỉ dám đứng ở xa nhìn lại, nhiều lần không nén được thương nhớ bà đi gần tới để nhìn con cho rõ, không ai nhận ra bà nhưng bà vẫn sợ. Dù đã dày dạn gió sương, bà vẫn không bỏ được sự nhút nhát, bởi vậy nhiều năm tháng nữa trôi qua bà vẫn không làm sao đến gần với con mình.

Bà cứ ngồi lặng yên cho đến gần hết buổi chiều. Cái cổng hoa ở nhà bên kia đã được dựng xong, một đứa con trai, chắc là chú rể, mắc lên cao hai cái lồng đèn màu đỏ. Đứa con gái níu tay bạn nói gì đó mà đứa con trai lắc đầu rồi hai đứa cụng trán vào nhau và phá lên cười. Bà sung sướng khi nhìn hình ảnh hạnh phúc ấy, và cứ nhìn sang bên ấy quên cả bữa cơm trưa và không thấy đói dù đã đến bữa chiều.

Ông bà chủ đã qua đời nhiều năm, nhà bên ấy chỉ còn mấy anh chị em sống đùm bọc với nhau. Con bé may mắn được anh chị yêu thương nên học hành cũng đến nơi đến chốn, nó không phải nhọc nhằn như bà hồi xưa. Lúc thuê ngôi nhà này, bà không còn nung nấu ý nghĩ phải nhận được con như thuở trước. Cuộc đời không ưu đãi nhiều cho bà, hạnh phúc gia đình không có, cuộc hôn nhân sau này không đem lại cho bà đứa con nào. Sau khi chồng mất bà về quê ở với mẹ già một thời gian rồi bà trở lại đây. Bà chỉ mong được nhìn ngắm con, theo dõi bước đi của nó, cầu mong cho nó được hạnh phúc, thế thôi.

Bà sống đơn giản, làm hàng xóm của con, vui buồn cùng nó, âm thầm. Ngày tháng qua, mọi điều trong cuộc sống ấy cũng qua thôi, thời của bà đã qua rồi, bây giờ là cuộc đời của cô gái nhỏ. Dẫu vậy trong lòng bà vẫn cháy rực nỗi ham muốn có ai đó nhận ra và thốt kêu lên rằng: "Ôi, sao cả hai người giống nhau như là hai mẹ con". Cả cô gái cũng không nhận ra điều gì, bà cứ ao ước có giác quan thứ sáu thứ bảy nào trong lòng nó để nó cảm thấy thân quen với bà, một thoáng cũng được. Nhưng nhiều lần chạm mặt, nó chỉ nhìn lướt qua, vô tình cứ như thứ tình cảm nhạt nhẽo của láng giềng ở thành phố bây giờ. Bà lại hiểu được thêm rằng có bà hay không với nó là vô nghĩa.

Trời dịu đi một chút lúc chập choạng tối rồi có thoảng hơi nước trong gió và mưa. Mấy hạt mưa nhỏ  rơi lác đác chậm chạp muốn tan ngay khi chưa thấm đất. Cảm giác đói bụng không muốn ăn, bật ngọn đèn, ánh sáng đẩy bật bóng tối ra sân, bà bỏ ra ngồi trước thềm nhà, ở bên kia nhà không có người lớn nên đám cưới tổ chức cũng đơn giản. Bà muốn sang đó, bày vẽ cho bọn trẻ nhưng chỉ là thế thôi, ước gì có mặt ở đó, bà sẽ nấu một mâm cơm nhỏ dọn lên bàn thờ, bà sẽ bảo con lên lạy ông bà cha mẹ để xin phép ngày mai theo chồng. Bà ước gì được nhìn con mặc áo mới, quỳ trên chiếu hoa, ước gì đôi giọt nước mắt chảy trên mặt nó, của đời của bà thiếu biết bao nhiêu là thứ nhưng bà không quan tâm, bà chỉ mong được gọi một tiếng con, được nghe nó gọi mẹ xem ra không bao giờ bà có được, đó là điều sống để dạ, chết mang theo. Đó mới là nỗi bất hạnh lớn nhất đời bà mà bà có thể trách bà chủ đã đang tâm mang lại cho bà.

Thật khuya bà cũng không ngủ được, nhà bên kia để nguyên ngọn đèn ở cổng, ngọn đèn làm cho cái cổng hoa nóng rực rỡ. Những người trẻ chắc đã ngủ để ngày mai đợi người đến đón dâu. Trong ngôi nhà nhỏ bên này chỉ có mình bà thao thức cùng nỗi khổ lớn nhất trong đời. Trời vẫn mưa lắc rắc, đó là điềm lành cho đám cưới ngày mai, cho niềm hạnh phúc duy nhất đời bà.

Đám đón dâu đến lúc 8 giờ sáng. Một đoàn xe ô tô sáu chiếc kết hoa hồng lộng lẫy. Cô gái khác hẳn ngày thường trong tà áo gấm đỏ, khăn rộng vành, gương mặt hồng hào ngời ngời hạnh phúc. Chú rể là một chàng trai cao lớn, đĩnh đạc, xứng đáng là cây tùng để chở che cho cô gái bên cạnh. Gần đến giờ đón dâu, một chiếc xe hơi của bưu điện dừng trước cổng nhà, một cặp trai gái ăn mặc giống cô dâu chú rể mang theo một lẵng hoa hồng thật đẹp vào nhà, đón họ là tiếng vỗ tay rào rào, tiếng cười nói hăm hở. Bà nép sau cửa sổ, vén màn nhìn sang, thật ra bà vẫn có thể bước vào nhà hòa vào đám người đang chỉ trỏ luận bàn về đám cưới. Nhưng nếu vì thế thì bà biết giấu vào đâu những dòng nước mắt cứ tuôn chảy như suối trên gương mặt của mình. Đoàn xe đưa dâu đi rồi, nhà bên ấy đóng cổng yên lặng, buồn tênh. Con ngõ lại vắng hun hút trong cái nắng trưa bắt đầu đổ lửa, và hoa nắng lại lung linh trong nhạt nhòa nước mắt.

Bà xếp gọn hành lý, dọn lại sạch sẽ ngôi nhà trước khi trả lại cho chủ. Con gái đã theo chồng, bà an tâm trở lại quê nhà với mẹ già. Còn một cái hộp nhỏ đựng đôi hoa tai mà bà định gởi theo lẵng hoa làm quà cưới mà còn ngại ngần, ngày mai bà sẽ ra bưu điện trước khi ra ga. Rồi lại bắt đầu cuộc sống khác khi chuyện cũ đều để lại ở đây.

Ngày tháng thế nào cũng sẽ qua, con bé đã lớn và bà sẽ già đi. Còn mọi chuyện bí mật của riêng bà, của chỉ riêng bà mà thôi.

. L.C.V

(Nha Trang)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi tìm đồng đội   (23/07/2004)
Thơ Mai Thìn   (21/07/2004)
Thái Dương Văn Đoàn: Nơi tập hợp các cây bút theo quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh  (20/07/2004)
Vài cảm nhận về bài thơ "Sim trên hè phố"  (19/07/2004)
Hộ sinh đàn - bài ca phản kháng song hành với bản án phản bội  (18/07/2004)
Với tình yêu   (16/07/2004)
Vẻ đẹp khác nhau về hình tượng người lính qua 2 bài thơ "Tây tiến" và "Đồng chí"  (16/07/2004)
Mì chính ở Trường Sơn   (15/07/2004)
Thời sự văn nghệ  (13/07/2004)
Có một "Bước ngoặt" của Đào Tiến Đạt  (13/07/2004)
"Tuổi mười sáu" - tình vẫn chưa thôi xót xa   (12/07/2004)
Đêm nghe tiếng hát rong   (11/07/2004)
Những đêm mưa   (11/07/2004)
Dịch giả nói về văn học dịch   (09/07/2004)
Gửi Thúy Kiều của Văn Trọng Hùng   (08/07/2004)