Vậy là sau gần 18 năm, Chuyện tình nàng Sita (kịch bản Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, NSƯT Phan Ngạn chuyển thể) đã trở lại trên sân khấu Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Nhưng trong lần phục hồi này, những vai chính của vở diễn lại được giao cho các học sinh lớp trung cấp dân ca năm thứ 3 Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đảm nhận, thay vì dành cho những tên tuổi vốn đã được định vị trên sân khấu.
Chưa nói đến sự thành công hay không, chỉ riêng việc mạnh dạn giao cho lớp trẻ, mà hơn thế, cho những học sinh hiện còn đang ngồi trên ghế nhà trường đảm nhận những vai diễn lớn như vậy, đã cho thấy niềm tin và sự kỳ vọng của thế hệ nghệ sĩ đi trước với lớp trẻ. Nói vậy, cũng để thấy rằng, ê-kíp phục hồi lần này (đạo diễn NSƯT Hoài Huệ, truyền dạy vai mẫu: NSƯT Hồ Thu) sẽ phải vất vả, đổ mồ hôi như thế nào để xây dựng một vở diễn hoàn chỉnh như vậy.
Nếu không kể những nghệ sĩ lớp trước như Hoài Nam, Duy Đoàn - những người đã góp một phần quan trọng vào thành công của vở diễn - thì với một Thùy Dung trong vai Sita, hát hay, diễn giỏi, đã mở ra cho người xem hôm nay hy vọng về một đội ngũ kế cận. Một Ngọc Rõ (vai Pơriêm) chưa hẳn đã cháy sáng nhưng cũng đã phần nào tạo được cảm tình với người xem… Những diễn viên trẻ khác, chưa thật điêu luyện trong giọng hát, động tác vũ đạo, kỹ thuật biểu diễn; chưa kịp trải nghiệm trên sàn diễn nhưng bước đầu cũng đã thu hút khán giả. Sự bỡ ngỡ, những thiếu sót của những diễn viên hãy còn rất trẻ về tuổi đời, tuổi nghề này, dẫu sao, cũng là điều thật dễ thông cảm.
Dẫu vậy, khi tấm màn nhung từ từ khép lại, trong lòng người xem vẫn có chút gì đó như tiếc nuối, như hụt hẫng. Có lẽ, cảm giác này đến từ sự chưa tới trong diễn xuất, sự đuối sức khi phải kiễng chân để đảm nhận vai diễn quá tầm. Dường như, những diễn viên trẻ này mới chỉ chạm đến phần vỏ của những lời thoại, những câu hát, vũ đạo. Cái tầng sâu ẩn sau mỗi lời nói tưởng giản đơn ấy, cái phần sẽ đọng lại lâu nhất trong tâm hồn người xem, lại chính là cái phần thiếu lớn nhất trong vở diễn. Rõ nhất của sự đuối sức này có lẽ là ở đoạn cuối, khi Sita mất.
Hẳn nhiên, để có thể đạt tới bất cứ thành công nào, dù nhỏ trong mỗi vai diễn, bên cạnh sự thành thục trong từng động tác, sự điêu luyện trong từng lời ca - mà điều này thì dẫu khó nhưng không phải là không thể truyền dạy được - thì một vấn đề then chốt vẫn chính là tầng nền văn hóa của mỗi nghệ sĩ. Chính cái tầng văn hóa mới là yếu tố quyết định để mỗi diễn viên thấu nhập được vào linh hồn mỗi vở diễn, và sáng tạo trên mỗi thoại kịch, trên từng động tác. Mà điều này này không ai truyền dạy mà mỗi người nghệ sĩ chỉ có thể tự học lấy, ngay từ trong cuộc đời, từ trong sách vở, từ những thế hệ đi trước, và cả từ mỗi vai diễn mà mình đảm nhận. Hãy lấy một ví dụ, cũng với vai quỷ Kép ấy, nhưng cố nghệ sĩ Huy Tuấn đã sáng tạo nên một quỷ Kép hoàn toàn độc lập. Ở vai diễn này của Huy Tuấn, ca, diễn, vũ đạo đã được người nghệ sĩ kết hợp nhuần nhuyễn thành một thể thống nhất. Huy Tuấn đã khẳng định, rằng người diễn viên không phải và không chỉ là một người máy trong tay đạo diễn. Huy Tuấn đã sáng tạo với đúng nghĩa từ này. Hay một NSƯT Hồ Thu trong vai Sita khi đau đớn cất lời trách Pơ Riêm (do NSƯT Hoài Huệ thể hiện) làm cho người xem như thắt lại trong lòng. Rồi một Nguyễn Thành Sung trong vai hoạn quan đã đi được vào lòng khán giả cũng bằng một con đường như vậy: con đường tất yếu để vươn tới sự sáng tạo.
Con đường ấy đòi hỏi những diễn viên trẻ hôm nay phải tận lực hơn với nghề, nỗ lực hơn trong tiếp cận với từng vai diễn; con đường ấy đòi hỏi họ phải không ngừng vươn tới.
Dẫu vậy, với sự phục hồi Chuyện tình nàng Sita đã cho thấy một hướng đi đúng: đầu tư đào tạo một thế hệ tiếp nối thay vì chỉ ngồi và than thở trước sự trống vắng lực lượng diễn viên trẻ.
. Lê Viết Thọ |