Số phận của một vai phụ trên sân khấu thật mong manh. Sự hiện diện của vai phụ trong toàn bộ vở diễn là thoáng chốc, điểm xuyết, tạo không khí, dẫn dắt cốt truyện.
|
Nguyễn Kiểm vai Quân ngự y trong vở Huyền Trân công chúa |
Chính cái số phận thoảng qua khá ngắn ngủi của vai phụ mà diễn vai phụ để đứng được trong lòng khán giả lại như một thách đố. Nhưng trên thực tế, đã không ít diễn viên chịu chấp nhận thách đố đó.
Trong nghệ thuật hát bội, không ít nghệ sĩ tỏa sáng trên sân khấu từ những vai phụ. Nhắc đến cuộc đời hoạt động nghệ thuật hơn 60 năm trên sân khấu tuồng của NSND Ngô Thị Liễu, hẳn người ta phải nhắc đến hơn 18 vai kép con - những vai ruột của bà. 60 tuổi, người NSND này hãy còn nổi tiếng với các vai kép con. Hay như NSND Nguyễn Phẩm lại nổi danh bằng những vai lão. Người trong nghề, khán giả đông đảo đều mến phục ông với vai Khắc Minh trong Tam nữ đồ vương, Ngạn Quan trong Giác oan, Vương Doãn trong Phụng Nghi Đình… Hay chỉ với vai Hồ Nô trong Hộ Sinh Đàn, một vai diễn khó, hoàn toàn xa lạ từ trang phục người miền núi đến điệu bộ, ngôn ngữ của cô bé 14 tuổi nhưng đã làm nên một phần trong tên tuổi của NSƯT Nguyễn Thị Liễu…
Còn trên sàn diễn của ca kịch bài chòi, NSƯT Nguyễn Kiểm cũng làm nên tên tuổi từ những vai diễn nhỏ như vậy. "Thực hiện vai diễn là một cuộc tổng dốc lực, từ vận dụng chất xám của bộ óc tư duy nhiều tính cách nhân vật khác nhau, rồi ngày ngày phải bằng thể lực thử nghiệm trên sàn tập với đạo diễn vất vả" - ông từng viết về nghề diễn như vậy. Chính với quan niệm về nghệ thuật nghiêm túc ấy, mà dù chỉ là một vai diễn thoáng qua trên sân khấu, bao giờ, ông cũng dồn tụ vào đấy không ít tâm lực. Bên cạnh chất giọng thanh, vang xa, âm vực rộng, kỹ thuật luyến láy chuẩn mực vốn có, ông cẩn trọng nghiên cứu từng ánh mắt, dáng điệu, cử chỉ để toát lên thần thái nhân vật, gây được sức thuyết phục trong người xem. Điều đó cắt nghĩa vì sao, nhiều vai diễn phụ của ông lại trở thành những vai mẫu được dùng để đào tạo diễn viên bài chòi. Một Chi trưởng trong Đội kịch chim chèo bẻo, hay Già Liêu (Tiếng sấm Tây Nguyên), Quan ngự y (Huyền Trân công chúa)… đều là những vai diễn khó lặp lại.
Với nghệ sĩ lớp sau cũng không khác. Duy Đoàn là một ví dụ. Ngay từ những ngày còn trẻ, khi anh hãy còn lăn lộn trong phong trào nghiệp dư, cho đến khi trở thành diễn viên Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, anh luôn tự xác định sở trường cho mình ở những vai hài, kép con. Nói về sự lựa chọn đó, anh tâm sự: "Có vai phụ thì mới có vai chính. Hơn thế, mình phải tự biết mình". Và thực tiễn đã chứng minh: đó là một sự lựa chọn đúng. Quan trọng hơn, Duy Đoàn đã hết lòng chăm chút cho những vai diễn như vậy. Để vào vai Khều, một nhân vật tàn tật trong Người tử tù mất tích, Duy Đoàn phải cột tay lên, chân cứ phải bước quẹo qua một bên cho quen để khi lên sân khấu, bắt nhịp vào vai là tay cứ thế nâng lên, chân khều, cứ thế mà diễn. Với vai diễn này, anh giành huy chương vàng Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc năm 1998. Những vai như: Tương Tử trong Thoại Khanh Châu Tuấn, Pháp quan trong Công chúa Tô Lan, Lỗ Quý trong Lôi Vũ… đều là những vai diễn có sức sống như vậy.
Những vai phụ xuất sắc chính là bằng chứng hiển nhiên về thái độ lao động nghiêm túc, một tình yêu lớn với nghề. "Không có vai kịch nhỏ, chỉ có những diễn viên nhỏ mọn" - Xtanhilapxki chẳng đã từng khẳng định như vậy.
. Lê Viết Thọ |