Sân khấu truyền thống: Vẫn thiếu kịch bản hay
11:17', 13/8/ 2004 (GMT+7)

Đầu tư nhiều nhưng vẫn thiếu kịch bản hay. Và để có một, hai kịch bản mới đạt chất lượng dàn dựng hằng năm cho đủ chỉ tiêu được giao, các đoàn nghệ thuật vẫn phải kiếm đỏ con mắt. Phải chăng, cơ chế đầu tư dàn đều như hiện nay là chưa hợp lý? 

* Thiếu kịch bản hay

Một cảnh trong vở Mộng bá vương của Nhà hát tuồng Đào Tấn

Hàng năm, để có được một, hai vở diễn mới đủ chỉ tiêu được giao, hai đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh lại lo toát mồ hôi để tìm được kịch bản. Đoàn Dân ca kịch Bình Định thậm chí còn phải cất công ra đặt hàng và "gom" kịch bản của các tác giả có tên tuổi ở Hà Nội. "Thật ra, mỗi năm chúng tôi nhận được hàng chục kịch bản của các tác giả trong cả nước gửi về, tuy nhiên để chọn cho được một tác phẩm khả dĩ đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật để dàn dựng trên sân khấu thì quá khó. Có thể nói, chúng tôi đã đọc rất nhiều kịch bản mới chọn được một" - nghệ sĩ Trần Văn Tới, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, tâm sự.

Năm 2004 này lại khá đặc biệt vì các đoàn phải chuẩn bị vở mới, đạt chất lượng nghệ thuật cao, để tham gia Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc sẽ diễn ra vào đầu năm 2005. Nhà hát Tuồng Đào Tấn thì may mắn chọn được kịch bản Cội nguồn của tác giả Lê Duy Hạnh (Đoàn Thanh Tâm chuyển thể). Đây là một kịch bản mới, viết về vụ thảm sát Gò Dài (Bình An - Tây Sơn), nhưng cũng là một vở diễn khó. Khó không chỉ vì đây là vở tuồng hiện đại, mà bởi trong kịch bản xuất hiện nhân vật lính Hàn Quốc, rồi đạo diễn lại có ý định thêm nhân vật cố vấn Mỹ. Đưa những nhân vật này lên sân khấu Tuồng quả là còn bỡ ngỡ.

Còn Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thì đến thời điểm này vẫn chưa thể chọn ra được một kịch bản nào khả dĩ. Nghệ sĩ Trần Văn Tới cho biết: "Nếu bí quá, không tìm ra kịch bản đạt chất lượng, thì chúng tôi sẽ nâng cấp vở Phía sau tượng đài (tức Biển và tôi) của tác giả Đình Kính vốn đã được Đoàn dàn dựng vào năm 2003 để tham dự Hội diễn". 

Hơn nữa, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn cho lĩnh vực sân khấu gần như là giải giành cho tác giả viết kịch bản sân khấu nhưng số tác giả đoạt giải này qua các lần xét giải còn rất ít. Điều này cho thấy độ mỏng của lực lượng sáng tác kịch bản ở Bình Định hiện nay.

Thiếu kịch bản cũng là thực trạng chung của các đoàn nghệ thuật trong cả nước. Cũng vì lẽ đó, mà một dạo, các đoàn nghệ thuật từ trong Nam đến ngoài Bắc, từ loại hình sân khấu mũi nhọn là kịch nói đến sân khấu truyền thống đều đua nhau dựng các kịch bản nước ngoài. Rồi có đoàn lại "lôi" kịch bản cũ ra dàn dựng lại. 

* Vấn đề không chỉ là đầu tư

Thời gian qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các Hội văn học - nghệ thuật địa phương ít nhiều đều đã có sự đầu tư cho sáng tác kịch bản. Từ hai năm trước, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thậm chí đã tổ chức các chuyến đi thực tế lấy vốn sống và tư liệu, mở các trại sáng tác kịch bản, tổ chức các hội thảo về sáng tác kịch bản sân khấu ở cả ba miền. Tuy nhiên, sau hai năm nhìn lại, những nỗ lực đó xem ra vẫn chưa đem lại kết quả khả quan. Sự đầu tư đại trà, theo kiểu cứ tác giả nào đăng ký đề cương là được nhận tiền đã tỏ ra không mấy hiệu quả. Kịch bản vẫn nộp đủ, nhưng rồi lại không đạt về chất lượng để có thể đưa lên sàn diễn. Vấn đề hiện nay là phải mạnh dạn đặt hàng cho những tác giả có khả năng, để có được những kịch bản có chất lượng. 

Đội ngũ những người viết kịch bản cần được quan tâm hơn, ngay từ khâu đào tạo. Ở Bình Định, những người viết kịch bản được đào tạo đúng chuyên ngành rất ít. Không ít người là từ diễn viên chuyển qua, nên có thể, họ rất thành thạo trong mảng miếng sân khấu, nhưng tứ kịch, tư tưởng kịch còn hạn chế. Gần đây, mới có Đoàn Thanh Tâm (Nhà hát Tuồng Đào Tấn) tốt nghiệp ngành biên kịch Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và bước đầu tác giả trẻ này đã có những kịch bản được dàn dựng.

Rõ ràng, quan tâm đến kịch bản sân khấu không chỉ cần sự đầu tư ồ ạt, cấp thời mà cần một cơ chế đầu tư hợp lý hơn. Đó là: chăm chút đào tạo những tác giả trẻ để có thế hệ tiếp nối, có cơ chế đặt hàng có trọng điểm để có kịch bản hay. Có vậy, ngành Sân khấu mới mong vượt qua căn bệnh trầm kha thiếu kịch bản hay như hiện nay.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vai diễn nhỏ của những tình yêu lớn  (10/08/2004)
Ngọn quốc kỳ - bước ngoặt trong bút pháp Xuân Diệu  (09/08/2004)
Bác Hồ với nghệ thuật tuồng  (08/08/2004)
Hương ngọc lan xưa  (06/08/2004)
Thanh Lam - "Nắng lên" trong đêm hè   (06/08/2004)
Ấn tượng huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký   (05/08/2004)
Nhạc trẻ cùng mối quan hệ: ca sĩ và manager  (04/08/2004)
Thơ Phạm Tỵ   (04/08/2004)
Tình yêu trong "Đêm của cỏ"(*)  (03/08/2004)
Mạc Can - ông hề già mê chữ   (02/08/2004)
Nguyệt và em  (30/07/2004)
Nỗi niềm Trương Chi   (30/07/2004)
Nghệ sĩ với nghề "tay trái"   (29/07/2004)
Thơ viết nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27-7   (29/07/2004)
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và những bài hát về thương binh, liệt sĩ  (26/07/2004)