Nghiên cứu - Trao đổi:
Người Bình Định với việc La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ
16:10', 29/8/ 2004 (GMT+7)

Ngày nay, chữ Quốc ngữ có khả năng diễn đạt mọi thành tựu nghiên cứu khoa học, biểu hiện mọi cung bậc tình cảm trong văn học nghệ thuật, phô diễn vẻ đẹp tuyệt vời tâm hồn con người Việt Nam trước thiên nhiên và cuộc sống. Có được như vậy là nhờ dân tộc ta đã sớm tiếp nhận việc La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo chữ Quốc ngữ, lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm vốn khó học, khó phổ cập trong dân chúng.

La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, tập hợp trí tuệ của nhiều người, trải qua nhiều đời góp sức hình thành sửa đổi, bổ sung, tu chỉnh qua gần bốn thế kỷ để ngày một hợp lý, phong phú và tốt đẹp hơn. Trong buổi đầu chuẩn bị cho việc hình thành chữ Quốc ngữ, người Bình Định đã có đóng góp quan trọng mà ngày nay bị lãng quên.

Việc La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo chữ Quốc ngữ manh nha từ khi nhiều người phương Tây tới nước ta tìm kiếm thị trường mua bán và truyền giáo. Dựa vào tường trình của các sứ giả, thương nhân, các nhà truyền giáo phương Tây cũng như các sách viết về nước ta, về lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, chúng ta có thể biết được quá trình La tinh hóa Tiếng Việt sáng tạo ra chữ Quốc ngữ và người Bình Định đã đóng góp quan trọng như thế nào trong sự nghiệp rất đáng tôn trọng này.

Trước hết, các sứ giả, thương gia phương Tây tới nước ta thuở xưa cần ghi những địa danh nơi họ đến như vương quốc, cửa biển, cảng thị... để tường trình về nước nên buộc họ phải phiên âm tên các vùng đất xa lạ bằng chữ La tinh. Đầu thế kỷ XVI (1515) đã xuất hiện những tên gọi ghi bằng chữ La tinh là Cô-chin-chi-na để chỉ nước ta. Các-ciam để chỉ Kẻ Chiêm là nơi dinh quan trấn thủ Quảng Nam đóng thời ấy. Song ở thế kỷ này, việc phiên âm Tiếng Việt bằng chữ La tinh mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ. Phải sang thế kỷ XVII, khi nền đại thương nghiệp thế giới phát triển mạnh, tàu thuyền người Hoa và phương Tây tấp nập sang nước ta lập phố mua bán, hình thành các đô thị, cảng thị ven sông, ven biển thì việc La tinh hóa Tiếng Việt mới được đẩy mạnh. Cảng thị nước mặn ở Bình Định ra đời trong hoàn cảnh lịch sử này, là đô thị sầm uất trên vùng đất biên viễn.

Bắt đầu từ năm 1615, các thừa sai Dòng Tên là Bu-zô-mi và Bô-ri người Ý, Pi-na người Bồ lần lượt theo thuyền buôn từ Ma Cao đến Quảng Nam truyền giáo. Được vài năm, họ mới làm quen với tập tục địa phương và học Tiếng Việt thì gặp khó khăn. Lúc bấy giờ, quan phủ Quy Nhơn là người tốt bụng, hiếu khách lại được chúa Nguyễn tin yêu nên mới đưa ba vị này về Quy Nhơn vào đầu năm 1618 giúp họ xây dựng nhà thờ ở thôn An Hòa, xã Phước Quang huyện Tuy Phước, thuộc cảng thị Nước Mặn ngày xưa để truyền giáo. Được quan phủ Quy Nhơn bảo trợ cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần nên họ mới có đủ điều kiện yên tâm sinh sống và hành đạo. Tới Nước Mặn, nhờ sự cộng tác của các nho sĩ, các giáo hữu thông nho, các thông dịch viên và cả các dân chúng địa phương, họ mới chuyên tâm đẩy mạnh việc La tinh hóa Tiếng Việt để viết kinh, giảng đạo và dạy Tiếng Việt cho người đến sau. Vì thừa sai Bu-zô-mi là giáo sư thần học, cha bề trên của Toàn Đàng Trong thời bấy giờ, Bô-ri là giáo sư toán học và thiên văn học, Pi-na là một sinh viên tài năng học Tiếng Việt rất chóng và sử dụng Tiếng Việt rất thành thạo, nên cảng thị Nước Mặn thời ấy không chỉ là trung tâm thương mại mà còn là một trung tâm La tinh hóa Tiếng Việt, dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài, viết kinh bằng Tiếng Việt lúc bấy giờ là chữ Nôm. A-lếch-xăng-đờ-rốt là người đến sau đã tự nhận là học sinh của các vị thừa sai này, nhưng là người thông minh, ông đã có công hoàn chỉnh, nâng cao việc La tinh hóa Tiếng Việt thêm một bước để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ông đã soạn cuốn từ điển Việt-Bồ-La tinh và viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng chữ Quốc ngữ. Thế là chữ Quốc ngữ ra đời từ đấy.

Người đời sau chỉ nhớ A-lếch-xăng-đờ-rốt và cho ông là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Thực ra, ông chỉ là người hoàn thiện và nâng cao mà quên mất công lao của những người trước đó, quên mất cách đây gần 400 năm dưới mái nhà cổ kính ở Nước Mặn, những cái đầu thông thái của người Việt, người Ý, người Bồ đã chụm lại biết bao ngày đêm để phiên âm từng từ, từng câu Tiếng Việt ra chữ La tinh. Quên mất các thừa sai Bu-zô-mi, Pi-na, Bô-ri đã lắng nghe tiếng nói của người dân Bình Định giữa chợ, trên đường phố hay khi giao tiếp với các tín đồ để điều chỉnh lại ghi âm Tiếng Việt bằng kí tự La tinh cho chuẩn xác. Sáng tạo đầu tiên của các thừa sai phương Tây là rất quan trọng nhưng không có sự góp sức của nho sĩ và dân chúng Bình Định thời bấy giờ thì làm sao việc La tinh hóa Tiếng Việt được nâng lên một bước mới và cuốn Kinh Thánh đầu tiên được viết bằng chữ Việt lúc bấy giờ là chữ Nôm lại ra đời ở Nước Mặn.

Người Bình Định có quyền tự hào là cha ông mình thuở trước đã sớm biết cộng tác với người phương Tây trong việc La tinh hóa Tiếng Việt, góp phần sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để lại cho muôn đời sau một lối viết chữ hiện đại, dễ đọc, dễ phổ cập trong dân chúng - một báu vật mà nhiều nước phương Đông không dễ gì có được.

. Nguyễn Xuân Nhân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Đào Quý Thạnh, Chử Văn Long, Lê Ân  (27/08/2004)
Câu chuyện một giờ  (27/08/2004)
Ươm mầm cho những nhịp điệu  (27/08/2004)
Tìm hiểu nghệ thuật thời Tây Sơn  (26/08/2004)
Tuồng Đào Tấn gợi những gì cho kịch hiện đại?  (25/08/2004)
Công ước Berne: Tạo dựng môi trường sáng tạo lành mạnh   (24/08/2004)
Đào Phi Phụng - Liễu Nguyệt Tâm: Chuyện tình éo le đến cùng cực   (24/08/2004)
Nguyễn Đình Thi với bài hát "Diệt phát xít"  (22/08/2004)
Thơ: Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Đình Lương, Đặng Đức Tĩnh  (20/08/2004)
Bài ca đầu tiên về người lính cách mạng  (20/08/2004)
Hình tượng Quang Trung qua thơ văn của người xưa   (19/08/2004)
Lên với cột cờ Lũng Cú   (18/08/2004)
Triển lãm Mỹ thuật tỉnh năm 2004: Hy vọng ở lớp trẻ  (17/08/2004)
Dàn nhạc truyền thống của tuồng  (20/08/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh, Cao Văn Tam   (15/08/2004)