Gặp lại bà Giang Thị Ngát (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Vân Canh) 7 năm sau ngày rời nhiệm sở chúng tôi thấy bà vẫn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, học tập cộng đồng cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em nghèo. Theo Đảng, theo Bác Hồ từ khi chưa biết chữ, chưa biết nói tiếng Kinh, nhưng được gặp Bác Hồ, nghe Bác chỉ bảo, bà luôn thấm thía một điều: Sở dĩ đời sống đồng bào thiểu số còn khó khăn là do một phần không được học hành và không chịu học hành mà ra.
|
Bà Ngát (bên phải) đến thăm và động viên em Đoàn Thị Tâm, dân tộc Chăm, học sinh lớp 8 ở làng Canh Tân, thị trấn Vân Canh mồ côi mẹ ở với ông nội trên 70 tuổi, nhà nghèo.
|
* Đi tìm con chữ
* Bà được tập kết ra Bắc từ thuở bé trong hoàn cảnh như thế nào?
- Tôi vốn là con của một gia đình nông dân của đồng bào dân tộc miền núi, mẹ tôi mất sớm, quê tôi (làng T5, xã Bok Tới) lúc bấy giờ nghèo đói liên miên, tôi được cán bộ người Kinh thuyết phục đưa ra miền Bắc để học hành và theo Đảng, theo Bác Hồ. Cha tôi tin cán bộ nên yên tâm giao tôi cho cách mạng, mong sao tôi được học hành, đào tạo sau này đời của chúng tôi hết khổ cực.
* Bà còn nhớ những ngày tháng được học tập ở miền Bắc?
- Tôi nhớ như in những cán bộ đưa chúng tôi ra Bắc, những thầy cô giáo Trường Học sinh Dân tộc Trung ương giống như những người cha, người mẹ chăm sóc cho đàn con. Lúc đó, hầu hết chúng tôi không biết nói tiếng Kinh và chưa ai biết chữ, tuổi tác có thể chênh lệch nhau nhưng bắt đầu học chung từ những chữ đầu tiên. Thời gian đầu cán bộ và thầy cô dạy dỗ chúng tôi cực lắm. Nhiều người nhớ nhà khóc, không ăn trong một thời gian dài mà các cán bộ và thầy cô thì cứ kiên trì dỗ dành chứ không la mắng.
* Kỷ niệm nào bà nhớ nhất, thưa bà?
- Tôi vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, vì Bác thường dành thời gian đến thăm các trường học sinh miền Nam và nhất là học sinh dân tộc thiểu số; nhưng 2 lần tôi nhớ nhất là: Năm 1956 khi chúng tôi đã bắt đầu biết chữ và thông hiểu tiếng Kinh, được Bác đến thăm trường, hỏi ân cần từng cháu, Bác động viên chúng tôi phải cố gắng học tập, chỉ có kiến thức mới chống lại được đói nghèo và thoát khỏi kiếp nô lệ; lần thứ hai là năm 1958, Bác đến thăm nói chuyện và sinh hoạt với chúng tôi rất lâu, Bác dặn dò chúng tôi phải cố gắng học thật tốt để sau này phải có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục ở địa bàn miền núi.
Nghe lời Bác, tôi ráng học tập, những năm tháng tôi đi học đất nước mình còn nghèo lắm, chúng tôi phải ăn muối sả, mắm tôm, rau luộc… nhiều năm để hoàn thành việc học. Đến khi về quê hương công tác tôi mới ngẫm lại những năm tháng khó khăn, cố gắng học tập đã đem lại cho tôi có kiến thức, có việc làm và có cơm ăn, áo mặc.
* Có kiến thức, con người sẽ làm chủ được mình và xã hội
* Bà đã cụ thể hóa lời dặn dò của Bác như thế nào?
- Nhờ cố gắng học tập, tôi mới có điều kiện giúp đỡ, động viên đồng bào chúng tôi, cụ thể là đồng bào dân tộc ở Vân Canh ở một số lĩnh vực. Về Phòng Nông nghiệp huyện công tác, tôi đã có một thời lăn lộn với bà con nông dân để hướng dẫn họ chăn nuôi, trồng trọt một cách có khoa học hơn, hiệu quả hơn. Khi tôi đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND huyện phụ trách khối văn xã, thì tôi có điều kiện hơn trong ước muốn phát triển giáo dục của địa phương. Năm 2000 tôi về hưu với một tâm trạng thoải mái vì đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
* Hiện nay công việc bà quan tâm nhất là gì, thưa bà?
- Có một việc mà tôi luôn trăn trở, đó là vấn đề khó khăn trong học tập của trẻ em và sự nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vân Canh. Thực trạng trẻ em dân tộc thiểu số hiện nay không thích học hoặc nhà không có điều kiện thì bỏ học, nên tôi thấy bức xúc lắm. Tôi tự nguyện tham gia Hội khuyến học để vận động bà con cố tìm cái chữ cho con em mình, nâng mặt bằng dân trí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa bằng chị, bằng em; đưa phong trào “toàn xã hội học tập” ở miền núi tiến mạnh. Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!
|
Bà Ngát (bên trái) thăm, tặng quà động viên em Đoàn Thị Kiều, dân tộc Ba na, học sinh lớp 7A4, Trường THCS thị trấn Vân Canh, nhà nghèo, mồ côi cha.'
|
* Trong công tác khuyến học ở Vân Canh điều gì làm bà còn lo lắng?
- Tôi ray rứt, băn khoăn là hiện nay ở Vân Canh tỉ lệ người nghèo khá lớn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 1/3, không có doanh nghiệp lớn nào đóng trên địa bàn huyện,… việc vận động đóng góp quỹ khuyến học chỉ trông chờ vào quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức. Việc khuyến học bằng lời nói động viên là cần thiết, tuy nhiên cần phải có vật phẩm, kinh phí hỗ trợ thì sự động viên mới thiết thực và hiệu quả hơn.
* Tuổi đã trên 60 nhưng bà vẫn còn hăng hái vượt đèo, lội suối có mặt ở các làng vùng sâu, vùng xa để khuyến học; có khi ở tận làng Canh Giao, có khi ở Kol Lot, Cà Nâu, Canh Tiến, Cà Bưng…, nơi nào cũng cách thị trấn khoảng 30 cây số. Điều gì đã khiến bà làm như vậy?
- Không đi thì không biết thực tế đâu! Làm khuyến học là phải sát với cơ sở, kịp thời tuyên truyền, động viên các cháu và gia đình trong việc học, nhất là những trường hợp các em có nguy cơ bỏ học. Hiện nay trẻ em độ tuổi mẫu giáo chúng tôi đã huy động đến trường được 100%. Trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS, nhiều gia đình nghèo khó, không muốn cho con đến lớp, để các em phụ việc nhà hoặc chăn bò, trông rẫy, làm những công việc ra tiền để sống, nên nhiều nguy cơ bỏ học.
* Trong quá trình làm công tác khuyến học bà tâm đắc nhất chuyện gì?
- Đáng mừng là hiện nay đa số bà con ở Vân Canh đã ý thức tốt hơn về việc học tập của con em. Trước đây phải có học bổng thì bà con mới cho con em tới trường. Đến nay chỉ có các học sinh hộ nghèo mới được sự hỗ trợ của Nhà nước, còn lại đều là tự túc; điều đáng mừng nữa là hầu hết phụ huynh đã tạo điều kiện cho con cái đi học, chỉ trừ những trường hợp quá khó khăn.
* Xin cám ơn bà và chúc bà sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người ở địa phương.
- Bà Giang Thị Ngát sinh năm 1945, dân tộc Ba na, quê ở làng T5, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân;
- Năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1964 tốt nghiệp Trung cấp sư phạm (hệ 7+3), về dạy tại Trường Dân tộc T.Ư;
- Năm 1965 được đi đào tạo ngoại ngữ tại học viện Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc); sau đó học tiếp Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh, khoa Thổ nhưỡng; năm 1967, về nước học tiếp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội;
- Năm 1970 làm phát thanh viên chương trình tiếng dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Năm 1975 - 1982 về công tác tại Phòng nông nghiệp huyện Phước Vân (Nghĩa Bình), sau đó làm Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Vân Canh;
- Năm 1985-2000 làm Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, phụ trách khối văn xã; Đại biểu HĐND tỉnh nhiều nhiệm kỳ;
- Năm 2000 nghỉ hưu; năm 2004 làm Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Khuyến học huyện Vân Canh. | |