Cổ tích của mái ấm gia đình
10:37', 7/1/ 2008 (GMT+7)

Những mái ấm gia đình ở làng Phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn) cứ như trong chuyện cổ tích. Tại đây, hàng trăm bệnh nhân (BN) từ khắp nơi đã gặp nhau và thành vợ thành chồng, sinh con, đẻ cái. Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu giúp họ vượt qua bệnh tật và sống tốt hơn...

 

Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Ảnh: Tuệ Đan

 

Năm 1929, Linh mục Paul Maheure (người Pháp) đã đưa hơn 30 người mắc bệnh phong đến ở thung lũng Quy Hòa xây dựng những căn nhà thô sơ để bệnh nhân ở và chữa trị. Dần dần nơi đây trở thành nơi chữa trị bệnh phong cho cả khu vực. Năm 1976, khu điều trị này được Bộ Y tế tiếp quản và năm 1999 đổi tên thành Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa. Nhiều năm qua, hàng vạn người bị mắc bệnh phong ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đến nơi này điều trị và nhiều người trong số họ đã chọn nơi đây để định cư.

* Hơn 250 cặp bệnh nhân nên duyên

Trước đây, bệnh phong được coi là một trong “tứ chứng nan y”, bị nhiều người ruồng bỏ, xa lánh. Và vì thế người bệnh đã đến Quy Hòa để mong tìm kiếm sự sống. Từ sự đồng cảm của người đồng bệnh, tình yêu nhen lên thành những mái ấm gia đình.

Ông Nguyễn Văn Vinh, 77 tuổi, có mặt ở làng Phong Quy Hòa gần 60 năm nay, bồi hồi kể lại: “Tôi không tin mình lại được sống đến ngày hôm nay. Hồi ấy tôi bị xa lánh và đã phải tìm đến nơi này để chữa trị. Những viên thuốc và sự chăm sóc của bác sĩ đã giúp đẩy lùi căn bệnh nhưng sự sống của tôi chỉ thực sự trở lại từ lúc kết duyên với bà Lài, người đồng bệnh, ở trên cùng mảnh đất này”. Như bao người khác, tình cảm của ông với bà Lài lúc đầu chỉ là sự quan tâm, chia sẻ giữa người cùng bệnh nhân với nhau. Nhưng rồi, tình yêu đến và họ đã tổ chức đám cưới sau 2 năm vào khu làng phong điều trị. Gọi là “đám cưới” cho oai chứ cái thời những năm 40 của thế kỷ trước lại sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, chỉ dăm cái bánh, kẹo mời bạn bè (cũng là bệnh nhân) đến chúc mừng trước sự chứng kiến của Hội đồng bệnh viện đã là một sự cố gắng lớn. Hiện nay gia đình ông Vinh đã có 3 thế hệ, sống vui vầy, đầm ấm trong khu làng này.

Với anh Nguyễn Văn Nam, chuyện lấy được vợ rồi được làm cha cứ như trong giấc mơ. Năm 25 tuổi, anh Nam phát hiện mình mắc bệnh phong và bị nhiều người xa lánh. Anh đã bỏ làng quê tìm đến một nơi heo hút thuộc huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) để tự xa lánh mọi người và kiếm kế sinh nhai. Khi biết được ở  Quy Hòa có chữa trị căn bệnh quái ác này, anh đã tìm đến. Anh tâm sự: “Tôi biết mình có bệnh, tôi đã nghĩ rằng cuộc sống đối với tôi đã không còn và nhiều lần tôi đã tìm đến cái chết. Cho đến khi đến bệnh viện này và gặp Hương, một cô gái đồng bệnh. Chúng tôi trở thành vợ chồng và chính niềm hạnh phúc này, sức khỏe của cả hai đã ngày càng khá hơn”. Trong Hội đồng làng phong Quy Hòa có 5 người thì cả 5 đều từng là bệnh nhân và có vợ, chồng là người đồng cảnh ở tại làng phong Quy Hòa. Nhiều người khi mang bệnh bị vợ hoặc chồng xa lánh khi vào đây cũng đã tìm được một nửa còn lại của mình.

 

Thế hệ tương lai của làng phong Quy Hòa. Ảnh: P.G

 

Được sống với nhau trong tình yêu thương, các BN không còn thấy bị mặc cảm; sức mạnh tình yêu đã trở thành liều thuốc tinh thần cùng với sự tiến bộ của y học đã giúp nhiều người vượt qua bệnh tật.

Ông Trần Công Nghĩa, Trưởng ban Đời sống và Tiếp nhận từ thiện của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết: Chưa có một số liệu thống kê chính xác, nhưng ở làng Phong Quy Hòa có hơn 230 hộ gia đình đang sinh sống đều là những người bệnh vào đây chữa trị, gặp nhau và tự nguyện sống bên nhau trọn đời. Nhiều người trong số họ đến nay đã làm ông, làm cụ như gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, ông Lương Sinh, ông Huỳnh Trơn.... Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Đẩu có 4 thế hệ cùng lớn lên, sinh sống ở khu làng này. Theo thống kê, có 120 bệnh nhân là cụ ông, cụ bà từ 60 tuổi đến 88 tuổi. Riêng bà Huỳnh Thị Chút đã 102 tuổi!

Rất nhiều gia đình cha mẹ là BN nhưng sinh con sức khỏe bình thường. Nhiều người con của BN sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đã được đưa về công tác tại bệnh viện, hoặc giảng dạy tại trường tiểu học tại phường.

* Chung tay xây dựng xóm làng

Làng Quy Hòa có hơn 326 hộ, trong đó có 286 hộ là bệnh nhân và 40 hộ là thân nhân của BN. Nếu tính nhân khẩu thì làng có 1.020 người, trong đó có 511 người bị bệnh phong. Qua gần 80 năm từ khi khu điều trị bệnh phong ra đời, bệnh viện và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện mở rộng đất đai để người bệnh cũng như thân nhân họ xây dựng nhà cửa sinh sống. Khu xóm Mới được mở rộng, nằm xa khu điều trị đã được bố trí cho 63 hộ với 280 nhân khẩu là con em của BN xây nhà ở, giúp ổn định cuộc sống. Các BN và người nhà còn được trợ cấp tiền hàng tháng để giúp ổn định cuộc sống.

Cuộc sống của những người ở làng Quy Hòa dẫu còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn có ý thức xây dựng xóm làng. Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bà con trong làng chung tay góp sức để cùng chính quyền địa phương xây dựng hệ thống đường bê tông khắp xóm làng. Nhà máy xay xát gạo, chợ Quy Hòa... đã làm diện mạo khu dân cư và đời sống của người dân ngày càng khang trang, dễ chịu.

Thời gian trước, các BN vào chữa trị được bố trí ở lại trong làng. Có những lúc BN lên đến 1.500 người đã làm cho việc sinh hoạt trong làng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2000, bệnh viện đã có quy định chỉ tiếp nhận chữa trị khỏi bệnh rồi cho trở về địa phương. Điều này đã phần nào giúp cho sự ổn định dân số ở đây.

 

Những lúc rảnh rỗi, các bệnh nhân ngồi đánh cờ. Ảnh: P.G

 

Mặc dù đời sống của người dân ở làng Quy Hòa còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn khuyến khích con cháu học tập. Làng có 1 trường mầm non và một cơ sở của Trường tiểu học Kim Đồng. Hiện có 30 cháu đang học mầm non và 67 em đang theo học tiểu học cùng hơn 100 em đang theo học bậc trung học cơ sở và phổ thông trong phường, trong thành phố. Số học sinh theo học bậc trung học phổ thông ngày càng gia tăng. Hiện nay, trong làng có 40 em đang theo học các trường cao đẳng và đại học trong toàn quốc. Nhiều em đã tốt nghiệp và đã đi làm. Cũng có những em sau khi tốt nghiệp đã về làm việc tại bệnh viện.

Ông Đặng Đình Ba, Phó trưởng Phòng Tổ chức- Hành chính của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết: Có nhiều học sinh là con em của BN học giỏi nhưng không có điều kiện học hành đã được lãnh đạo bệnh viện trực tiếp gửi sang đào tạo tại một số trường đại học, cao đẳng học một số ngành cần thiết, như: điều dưỡng, bác sĩ, y tá... để sau này trở về phục vụ bệnh viện. Gần 100 thanh niên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm đã chọn các nghề như: lái xe, điện dân dụng, cơ khí, may công nghiệp để theo học tại các trung tâm dạy nghề mong tìm kiếm một việc làm ổn định.

Ông Trần Công Nghĩa cho biết thêm: “Các cháu con em của bệnh nhân phong luôn phấn đấu để được đến trường học. Tuy nhiên việc các cháu ra thành phố học tập vẫn còn bị nhiều người tránh tiếp xúc, tạo nên những mặc cảm. Nhiều cháu phải bỏ học dở chừng. Điều này rất cần sự chia sẻ của các ngành chức năng và mọi người dân trong cộng đồng”.

Làng phong Quy Hòa lớn lên trong sự trợ giúp của Nhà nước, tình thương yêu của các nhà từ thiện, các y bác sĩ và sự giúp đỡ lẫn nhau của những con người cùng cảnh ngộ. Và chính mái ấm gia đình là động lực để những người có hoàn cảnh sống đặc biệt này vươn lên trong cuộc sống!

  • Phạm Gia
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)
Bài 1: Gas sang chiết lậu tràn ngập thị trường   (26/11/2007)
Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng   (24/11/2007)