Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”
8:20', 12/1/ 2008 (GMT+7)

Công chúng yêu âm nhạc cả nước, đặc biệt là giới trẻ, hẳn không xa lạ gì với tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên. Ông là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như “Chiều biên giới”, “Hổng dám đâu”, “Lên đồi chiều xuân xưa”, “Ngày xưa còn bé”… Người con của quê hương Bình Định này nay lại đang tâm huyết nghiên cứu đề tài về nhạc võ Tây Sơn.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (phải) và nhà thơ Nguyễn Thái Dương. Ảnh: P.X

 

* “Sự ngẫu nhiên kỳ diệu của số phận”

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên tâm sự vậy về lý do ông bước vào con đường âm nhạc. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, vậy rồi, ông lại bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp...

* Sự ngẫu nhiên đó là gì vậy, thưa nhạc sĩ?

- Tuổi thơ tôi đắm chìm trong âm nhạc. Nhiều đêm, tôi ngủ quên trong tiếng nhạc êm đềm của những người bạn của ba tôi vẫn thường đến nhà tôi đệm đàn. Lớn lên, tôi chơi đàn trong các buổi sinh hoạt lớp hoặc liên hoan của trường. Sau này, được bạn bè động viên, tôi tập tành sáng tác những ca khúc cho bạn bè cùng hát. Và từ đó, như cái nghiệp, tôi bước chân vào con đường sáng tác lúc nào không biết. Ngày còn là sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tôi được giao phụ trách phong trào văn nghệ của trường. Do vậy, sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường để tiếp tục công tác trong mảng văn hóa - văn nghệ của trường. Sau 10 năm công tác, tôi tiếp tục thi vào Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, ngành sáng tác. Tốt nghiệp năm 1993, nay tôi vẫn tiếp tục công tác ở Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Hiện tôi đang học năm thứ II bậc Cao học ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.

* Vậy thưa nhạc sĩ, nếu được chọn lại, ông có chọn con đường âm nhạc?

- Nếu cho tôi trở lại thời sinh viên với biết bao ước mơ và khát vọng và chọn hướng đi cho cuộc đời mình, thì sự lựa chọn của tôi chắc chắn vẫn là âm nhạc.

Nguyễn Văn Hiên là nhạc sĩ có nhiều ca khúc dành cho tuổi học trò được yêu thích như “Hổng dám đâu”, “Con đường học trò”, “Nắng sân trường”, “Tháng sáu mùa thi”, “Bồ câu không đưa thư”... Đặc biệt, ca khúc “Hành trình tuổi hai mươi” đã được bình chọn là một trong 10 bài hát truyền thống được thanh niên yêu thích; ca khúc “Hổng dám đâu” được bình chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX. Có lẽ vì thế, thập niên 90 của thế kỷ XX, giới báo chí đã tặng ông danh hiệu “Nhạc sĩ của tuổi học trò”.

* Tại sao nhạc sĩ lại ưu ái sáng tác nhiều ca khúc cho tuổi học trò đến vậy?

- Tôi vốn trưởng thành từ phong trào sinh viên, hơn 30 năm nay gắn bó với phong trào nên tôi dành nhiều tâm huyết sáng tác ca khúc cho lứa tuổi này. Tính ra, tôi đã sáng tác hơn 300 ca khúc cho sinh viên, học sinh, nói lên tình bạn, những cuộc họp mặt và chia tay, sinh nhật, tình yêu đầu đời, cho đến tình yêu đối với trường lớp, thầy cô cùng biết bao kỷ niệm của những tháng năm đẹp nhất đời người.

* Nhạc sĩ có thể chia sẻ bí quyết của ông khi sáng tác ca khúc về tuổi học trò?

- Muốn sáng tác các ca khúc về tuổi học trò, trước hết phải tìm hiểu tâm sinh lý của đối tượng. Tuổi học trò hôm nay thích giai điệu, nhịp điệu gì? Và quan trọng nhất vẫn là nội dung. Chúng ta, ai cũng đã trải qua tuổi học trò với biết bao khát khao và ước vọng, nhưng cũng đừng vì cái riêng của mình mà áp đặt, dạy đời cho tuổi học trò hôm nay. “Bí quyết” của tôi, nếu có, thì chỉ là vậy.

* Món quà “lớn nhất” âm nhạc mang lại

* Nhạc sĩ từng “khoe” rằng nhờ một bài hát mà nhạc sĩ và ca sĩ Kiều Bạch mới nên duyên vợ chồng. Nhạc sĩ có thể cho biết đôi điều về bài hát ấy?

- Đó là ca khúc “Chiều biên giới”, được tôi sáng tác vào năm 1978, tại biên giới Tây Nam. Khi ấy, tôi cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đi đào hào, đắp đê, cắm chông ở tuyến biên giới. Nhạc sĩ Triều Dâng, biên tập viên của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã chọn Kiều Bạch hát bài này. Khi nghe Kiều Bạch hát, tôi cảm thấy lòng xao động và nhận ra mình đã yêu cô ca sĩ hát bài hát của mình. Người ca sĩ ấy bây giờ đã là mẹ của các con tôi. Kiều Bạch, ngày còn ở Quy Nhơn, là học sinh Trường Trung học Ngô Chi Lan.

* Hóa ra, chính âm nhạc đã “se duyên” cho nhạc sĩ?

- Nhưng cũng phải nhắc đến “ông mai” Triều Dâng nữa chứ! (cười).

* Vậy cuộc sống hiện tại của gia đình nhạc sĩ như thế nào?

Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên- ca sĩ Kiều Bạch. Ảnh: P.X

- Kiều Bạch đã từ giã kiếp cầm ca - niềm đam mê một thời của cô ấy. Hiện giờ, cô đang là giáo viên Trường THCS Lê Lợi (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Lúc rảnh rỗi, tôi vẫn đàn cho bà xã hát những khúc tình ca, gợi lại kỷ niệm xưa. Cậu con trai lớn của tôi cũng tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, còn cậu út đang là sinh viên năm hai Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi.

* Vậy theo nhạc sĩ, hạnh phúc trên sân khấu có khác với hạnh phúc đời thường không?

- Hạnh phúc là điều mà cả nhân loại đang tìm kiếm. Có người cống hiến cả cuộc đời mình để đấu tranh cho hạnh phúc của nhân loại. Có người cống hiến cuộc đời mình cho hạnh phúc của quê hương. Nhỏ hơn nữa là hạnh phúc gia đình, trong đó đôi lứa yêu nhau phải biết vì nhau. Và riêng nhất là hạnh phúc của mỗi người trên những chặng đường thành công trong cuộc sống. Nói đến sân khấu là nói đến nghệ thuật. Nói đến nghệ thuật là nói đến sự khái quát từ nguyên mẫu cuộc sống; trong đó, ý tưởng sáng tạo góp phần quan trọng. Giữa sân khấu và đời thường vẫn có mối tác động qua lại, cho nên, hạnh phúc ở sân khấu chẳng xa lạ gì với hạnh phúc đời thường.

* Về mảnh đất Bình Định

* Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, hình ảnh nào khiến nhạc sĩ nhớ nhất về quê nhà?

- Đó là con người và thiên nhiên. Con người thì tình cảm, mộc mạc, chất phác, hiền hòa; còn thiên nhiên thì góp phần gợi nhớ những kỷ niệm xưa. Đó là những bóng dừa quê hương, là những dòng sông quê xanh ngắt, và nhiều món ăn nhớ mãi như bánh hỏi thịt heo, bánh dây, mắm thu, bún chả cá…

* Cảm giác của nhạc sĩ thế nào mỗi khi trở về Bình Định?

- Tôi tưởng chừng như mình đang trở về nhà sau một chuyến đi xa.

* Liệu có hình ảnh nào của Bình Định đã đi vào những sáng tác của ông?

- Hình ảnh thì nhiều. Nhưng có một bài, tôi sáng tác về những kỷ niệm ở dòng sông quê nhà ở huyện Hoài Nhơn, đó là ca khúc “Dòng sông Lại”.

* Hiện tại, nhạc sĩ đang tìm hiểu về đề tài “Nhạc võ Tây Sơn”. Lý do để ông chọn đề tài này, phải chăng là vì nó liên quan đến quê hương?

- Quả vậy. Nhạc võ Tây Sơn có nguồn gốc từ Bình Định, quê hương của tôi, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu về nó, nhưng cũng đã thất lạc nhiều. Vì thế, tôi muốn nghiên cứu nó một cách hoàn chỉnh hơn, để có thể giới thiệu đến với mọi người, góp chút gì đó cho quê hương mình. Đây cũng chính là đề tài luận văn cao học của tôi. Theo kế hoạch, sau Tết Nguyên đán này, tôi sẽ về Tây Sơn để tìm hiểu một số vấn đề về phong trào Tây Sơn và nhạc võ Tây Sơn. Đến năm 2009, tôi sẽ bảo vệ đề tài nghiên cứu này.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ.

  • Nam Phương (thực hiện)

Nhạc sĩ  Nguyễn Văn Hiên trước Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: P.X

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên sinh năm 1953, tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 1977, chuyên ngành sáng tác Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh năm 1993. Sáng tác nhạc cho phong trào thanh niên sinh viên - học sinh từ năm 1975. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Thành Đoàn (từ 1975 đến 2005), Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa II, III, IV ( 1989 - 2005). Hiện ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Âm nhạc thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)
Bài 1: Gas sang chiết lậu tràn ngập thị trường   (26/11/2007)