Đi trong lòng biển
9:5', 14/1/ 2008 (GMT+7)

Tôi có cậu em họ lấy vợ ở vùng Hải Minh Trong, chỉ trong vài năm “gửi rể” ở góc đảo heo hút này, cái gốc làm ruộng của nó đã mất hẳn. Tết năm ngoái về quê, thấy tôi ngạc nhiên trước cái sự “rủng rỉnh” của nó, nó khoe: “Em trúng tôm hùm”. Tôi hẹn giáp tết này sẽ đi coi nó bắt tôm. Và ngày mồng 4 tháng chạp tôi tìm đến nhà nó...

 

Mất mùa tôm hùm, những chiếc thuyền thường xuyên nằm bến.

 

Nó bảo: “Em mới đi đêm qua, được có mỗi con tôm hùm, định tối nay nghỉ nhưng anh đã ra đây thì em dẫn đi cho biết”. Mặc dù tôi đã nghe thông tin ngư dân xã Nhơn Lý đang “rầu thúi ruột” vì đã vào mùa mà chẳng có mấy tôm hùm xuất hiện. Song phải ra đến góc đảo Hải Minh Trong (tổ 46, khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) này, tôi mới tận mục sở thị sự khởi đầu ảm đạm của mùa tôm hùm năm nay.

Bình thường cứ đến tháng 11 âm lịch, trời trở gió, biển nổi cơn sóng lạnh, nước biển trong xanh hơn là mùa tôm hùm sinh sản. Theo ông Trần Quang Nhựt, chuyên viên Sở Thủy sản, nguồn lợi tôm hùm giống ở vùng biển Bình Định phân bố ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và tập trung nhiều nhất trên vùng vỉa, rạng ở phường Ghềnh Ráng và xã Nhơn Hải - TP Quy Nhơn. Từ nhiều năm qua, ngư dân ở “vùng nguồn lợi” này đã sống được, thậm chí khá lên nhờ nghề bắt tôm hùm. Hầu hết họ bắt tôm hùm bằng mành đèn và thả chà, song điều đặc biệt là toàn bộ ngư dân ở vùng Hải Minh Trong này chỉ bắt tôm hùm trực tiếp bằng tay qua nghề lặn biển. Biển mất mùa tôm hùm khiến không chỉ một mình Mai, tên của cậu em họ tôi, mà cả khu vực với trên 200 người trong độ tuổi lao động kiếm sống bằng nghề lặn biển của gần 50 chiếc thuyền chuyên dùng lặn bắt tôm hùm ở Hải Minh Trong cũng “mỏi” nên xuất bến “bữa đực bữa cái”.

* Bồi hồi ngực biển

Sau khi sang hàng xóm gọi thêm người bạn tên Sanh - người vẫn thường làm ăn chung trên thuyền của mình, Mai giục vợ dọn cơm chiều rồi chuẩn bị hành trang đưa ra thuyền. Hành trang cho nghề lặn bắt tôm hùm cũng thật đơn giản. Nếu tính thời giá hiện nay tất cả chỉ khoảng 7 triệu đồng. Nó gồm: một ống cao su dẫn hơi và sợi dây dẫn điện dài cả trăm mét bó lại cùng những chiếc phao có khoảng cách đều đặn; bộ đồ lặn Trung Quốc; chiếc kính che kín phần mắt, mũi; đai giằng quanh hông gồm những thanh chì ghép lại; chiếc đèn và vợt, chai để bắt và đựng tôm.

6 giờ tối, thuyền xuất bến và chỉ hơn mười phút sau, chúng tôi đã có mặt ngay dưới chân tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo. Anh Sanh buông sợi dây neo và hạ ga chiếc máy tàu Đông Phong chỉ còn để rô đa với tiếng nổ bành bành đều đặn. Mai cởi quần áo, mặc bộ đồ nhái vào người, đeo đai chì rồi miệng cắn ống hơi, tay cầm đèn tay cầm chai, vợt nhảy tòm xuống biển. Thì ra chiếc máy tàu Đông Phong đang làm một lúc hai việc: qua đầu hơi cung cấp hơi và cung cấp điện; tất cả truyền qua bộ dây cặp đôi tới miệng và đèn cầm tay của người lặn biển.

Đêm ập xuống, cả một vùng biển Quy Nhơn lung linh ánh sáng. Anh Sanh nới dần bộ dây cặp đôi và căng mắt nhìn ở cuối đầu dây kia cái quầng sáng trên mặt biển đang di động xa dần con thuyền. “Mai đang đi dưới đáy biển, nguồn sáng từ chiếc đèn cầm tay của nó tạo nên cái quầng sáng kia đấy. Bao giờ muốn trồi lên nó sẽ huơ đèn, cái quầng sáng xao động mạnh thì mình kéo dây lên”, anh Sanh giải thích cho tôi. Ngồi trên mui thuyền chòng chành, ngay dưới chân tượng đài Đức thánh Trần này, nhìn ngắm Quy Nhơn về đêm góc độ nào cũng đẹp, sống động và lãng mạn. Khi cái quầng sáng trên mặt biển đã đi khá xa con thuyền, anh Sanh lại kéo neo lên và lái thuyền đuổi theo. Độ nửa giờ sau, quanh thuyền chúng tôi đã thấy có đến gần chục chiếc thuyền khác cùng ở Hải Minh Trong cũng đang lặn bắt tôm hùm. Những quầng sáng trên mặt biển cứ áp sát nhau rồi lại nới ra xa. Chốc chốc một chiếc thuyền đi qua, anh Sanh lại huơ đèn dọc theo sợi dây để cảnh báo họ tránh xa. Chợt có tiếng reo ở thuyền bên cạnh, tôi bảo anh Sanh cho thuyền cặp mạn và chứng kiến được nỗi vui mừng của anh Đoàn Văn Bình khi vừa trồi lên và mang theo con tôm hùm to bằng cán câu liêm.

Lặn được khoảng hơn một giờ thì Mai huơ đèn, anh Sanh nhịp nhàng kéo dây. Thành quả của xô lặn đầu tiên này chỉ được 4 con cá dìa, hơn chục con cá bống mau, cá hanh, cá hồng và con bạch tuộc. Mai nghỉ rít điếu thuốc rồi lại tiếp tục xô lặn thứ hai. Xô lặn này được khoảng hơn nửa giờ thì Mai trồi lên với chỉ mỗi con mực nang nặng hai ký rưỡi...

 

Niềm vui của anh Đoàn Văn Bình khi bắt được tôm hùm.

 

* Nỗi buồn làng lặn biển

Buổi sáng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thủy, người mua gom tôm hùm của cả khu vực Hải Minh Trong. Chị thống kê đêm qua có 11 thuyền đi lặn tôm hùm; thuyền của anh Đoàn Văn Toàn bắt được 7 con, có 6 thuyền không có con tôm hùm nào; còn lại bắt được từ 1 đến 2 con; tổng cộng được 13 con. Riêng thuyền của anh Đoàn Văn Cho bắt được con cá vượt nặng 6 ký! Rồi chị than: “Chừng này năm ngoái, mỗi ngày tôi gom được cả lằm (trăm con), nếu ít nhất cũng năm, bảy chục. Năm nay tôm hùm thất bát quá, đã thế giá lại chỉ còn bằng một phần ba”. Tôi hỏi chị giá một con tôm sao bằng đầu đũa nằm trong thùng xốp thì được chị cho biết: chỉ 56.000 đồng, lớn hơn một chút thì được 60.000 - 70.000 đồng! Mất mùa tôm hùm, nhiều thợ lặn ở khu vực Hải Minh Trong chuyển sang lặn sắt, lặn ốc xanh, hoặc lặn khai thác tàu chìm...

Ở Hải Minh Trong không có quán cà phê theo đúng nghĩa của nó. Chỉ có nhà bán cà phê của chị Ước Em. Ai đến uống cà phê đều ngồi chung trên một cái bàn (là bàn ăn của nhà chủ). Thiếu chỗ, có người ngồi chồm hổm hoặc bưng cà phê vừa đi vừa uống. Tôi đến đây và đã gặp được rất nhiều thợ lặn biển đang điểm tâm bằng gói xôi và ly cà phê.

Bệnh giảm áp chủ yếu là do khí nitơ trong không khí, dưới điều kiện áp suất cao trong nước, đã hòa tan quá nhiều vào trong máu. Nếu áp suất giảm quá nhanh sẽ dẫn đến hình thành bọt khí làm tắc huyết quản, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong. Khi lặn dưới nước, do cần bổ sung không khí liên tục, nên lá phổi không bị co lại, và không ngừng tiến hành trao đổi khí, bởi vậy khí nitơ chắc chắn sẽ hòa tan vào máu. Nếu như lặn khá sâu, và lại nổi lên với tốc độ nhanh thì rất dễ bị bệnh giảm áp.

Người trẻ khỏe như anh Đoàn Văn Bình vừa lặn tôm hùm buổi tối, sáng ra lại tiếp tục đi lặn sắt không có nhiều. Hầu hết những người lặn ngày thì nghỉ đêm còn lặn đêm thì nghỉ ngày. Anh Huỳnh Thanh Long là người có thâm niên gần hai chục năm làm nghề lặn biển, từ lặn trục vớt tàu sắt, lặn hàng second hand, cào hà thuê ở chân vịt các tàu, tháo gỡ trục tàu bị kẹt... cho biết: “Cực chẳng đã tôm hùm mất mùa mới chuyển sang lặn sắt chứ hiện nay công việc này cũng chỉ đủ kiếm cơm”. Khác với lặn tôm hùm, lặn sắt dụng cụ cầm tay là một cây chỉa dài để xiên thăm dò và những công cụ khai thác khác. Khu vực lặn sắt hiện nay là quanh cầu Thị Nại, những que hàn, sắt cắt vụn... rơi vãi trong quá trình làm cầu chính là “mồi ngon” của cánh lặn sắt. Cách đây hai tháng anh Huỳnh Như Thảo “trúng mánh đậm” khi vớ được chiếc mỏ neo nặng 1,4 tấn! Phải dùng đến 7 phuy nhựa nhận nước rồi bơm hơi làm phao mới trục được chiếc mỏ neo này về đến nhà!...

Hải Minh Trong không chỉ đang buồn bã với thì hiện tại, với điệp khúc tôm hùm mất mùa, rớt giá mà những lao động chính của cả làng đang đối mặt với nguy cơ bệnh nghề nghiệp do nghề lặn biển gây ra. Dân lặn biển ở đây nhiều người đang có triệu chứng của bệnh nghề nghiệp mà nhỡn tiền là 2 trường hợp bị bệnh giảm áp để lại di chứng nặng nề là anh Đoàn Văn Nuôi và anh Võ Ngọc Ẩn. Cả hai anh giờ sức lao động chẳng còn bao nhiêu, việc đi lại cũng rất khó khăn. Tuy nhiên hầu hết những người lặn biển ở đây đều không hiểu gì về bệnh tật này và cũng chẳng biết kỹ thuật lặn như thế nào để tránh bị giảm áp, bị bệnh nghề nghiệp.

Nên chăng ngành y tế cần quan tâm, tổ chức tập huấn cho cả làng lặn biển này về kỹ thuật lặn, về cơ chế bệnh giảm áp để họ biết được mà phòng tránh.

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”  (12/01/2008)
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)