Quê hương qua ống kính
10:5', 25/2/ 2008 (GMT+7)

Không phải lúc nào các nhà nhiếp ảnh cũng ngắm nhìn quê hương thân thương của mình qua khẩu độ ống kính. Nhưng những khoảnh khắc quê hương tươi đẹp mà họ ghi lại được bằng cảm xúc, tình yêu và niềm say mê như một thông điệp lan tỏa và in dấu trong tâm trí nhiều người.

 

Bìa tập sách “10 năm ảnh nghệ thuật tỉnh Bình Định” ghi dấu chặng đường sáng tạo của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

* Ký ức thời gian

Quê hương Bình Định được xem là “đất võ, trời văn”. Là một tỉnh duyên hải miền Trung, với vận mệnh lịch sử văn hóa của mình, Bình Định đọng lại trong ký ức bốn phương bằng danh tiếng của miền đất võ, xứ sở của thi ca, một trong những chiếc nôi của nghệ thuật hát bội... Người Bình Định nói chung và văn nghệ sĩ Bình Định nói riêng hôm nay vừa tự hào vừa ý thức trách nhiệm sống và làm việc ở mảnh đất quê hương của các anh hùng và thi nhân, của tinh hoa võ đạo trong truyền thống nhân văn, của những dư vang đồng hành cùng những kỳ vọng...

Có thể nói những lời chia sẻ trên của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trong phần giới thiệu tập sách “10 năm ảnh nghệ thuật tỉnh Bình Định”, như là một sự kỳ vọng về sức sáng tạo của văn nghệ sĩ đương đại trên mọi lĩnh vực khác nhau. Giới nhiếp ảnh Bình Định cũng mang một “sứ mệnh” ghi lại những khoảnh khắc quê hương để “đọng lại trong ký ức bốn phương”.

Trước khi viết bài này, tôi đã “tranh thủ” gặp gỡ khá nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh hiện đang sinh hoạt ở Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định. Hành trình sáng tạo của họ lắm chuyện vui, kỷ niệm đầy ắp nhưng không kém những trăn trở, suy tư. Trên chặng đường hơn 50 năm lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, có những lúc, bề dày thành tích của nhiếp ảnh Bình Định khá khiêm tốn. Thời chưa tách tỉnh chỉ có một vài nghệ sĩ theo nghề như: Vũ Doanh Dzụ, Phan Tư Thi, Nguyễn Hy (cả ba là hội viên Hội NSNA Việt Nam, quê ở Quảng Ngãi), Trần Văn Phùng, Phạm Văn Chai, Hứa Thiện, Trần Đình Trương... Kế đó xuất hiện Hoàng Huy Bích, Trần Thúc Bửu... Những nghệ sĩ này nay có người đã qua đời, có người chuyển ra ngoại tỉnh đến nơi ở mới. Khi “ra riêng” vào năm 1989, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chính thức thành lập, Trần Văn Phùng được bầu làm Chi hội trưởng. Những “cánh chim đầu đàn” từ thời điểm ấy đến nay có Hữu Thức, Phạm Văn Chai, Hứa Thiện…

Quy Nhơn những thập niên trước có một tiệm ảnh rất nổi tiếng, quy mô lớn, đó là tiệm ảnh của ông Trần Đức Cầu nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Tiệm ảnh này giờ không còn, bởi khi ông Cầu qua đời, gia đình chuyển lên định cư ở Đà Lạt. Nhà nhiếp ảnh Phạm Văn Chai khi mới 14 tuổi đã theo ông Cầu học nghề, và sớm trở thành một tay máy cự phách. Tính đến nay, người nghệ sĩ tài hoa nhưng cuộc đời lắm truân chuyên này đã có thâm niên hơn 50 năm nhìn quê hương qua ống kính, với hàng ngàn chuyến đi thực tế. Rất tiếc là cuối năm 2007, ông bị tai biến, không còn “sung” như xưa, dẫu vẫn còn nhiều mê say trong nghề “viết bằng ánh sáng”.

 

Tiếng trống giao thừa (Xuân Mậu Tý) qua ống kính nghệ sĩ Đào Tiến Đạt.

 

* Niềm đam mê còn mãi

Sau bao thăng trầm và nỗ lực vượt khó, Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh đã quy tụ được 30 hội viên (trong số này có 4 hội viên được ghi danh vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam). Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nhiếp ảnh đòi hỏi người nghệ sĩ phải bền bỉ sáng tạo. Trong điều kiện “liệu cơm gắp mắm”, các nghệ sĩ trẻ cũng đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quê hương Bình Định thể hiện qua những tấm ảnh nghệ thuật “chu du” ở các cuộc thi uy tín khắp nơi trên thế giới, chinh phục được nhiều hội đồng giám khảo có chuyên môn cao và cũng rất... khó tính. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm, 2002 - 2007, các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh đã đạt tổng cộng 205 giải thưởng, trong đó có 94 giải thưởng quốc tế. Đặc biệt, có hội viên được Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế phong tặng tước hiệu AFIAP và lọt vào top những nhà nhiếp ảnh xuất sắc ảnh trắng đen của thế giới...

Ngày mùng 2.2, năm Kỷ Tỵ, tức 14.3.1869, là cái mốc nghệ thuật ảnh tại Việt Nam: Đặng Huy Trứ khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà (Hà Nội). Đó là hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 15.3 hàng năm là Ngày truyền thống của giới nhiếp ảnh Việt Nam, nhân sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147-SL (15.3.1953) thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chính thức thành lập tháng 12.1965.

Nhiều thi sĩ ví von sự khó nghèo của mình qua câu thơ: “Muốn cho trộm khỏi vào nhà/ Ghi ngay trước cửa ta là nhà thơ!”. Không ít các nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ hiện nay phải khó khăn vật lộn với cuộc mưu sinh để theo nghề. Mấy năm trước, hội viên Trần Hoa Khá, ở phường Hải Cảng, khiến anh em trong chi hội thán phục khi “trình làng” được nhiều tấm ảnh ấn tượng về đất võ Bình Định. Ít ai biết trước khi “dấn thân” vào con đường nghệ thuật, anh không có đủ tiền để sắm máy chụp hình. Người mẹ già đã phải “dốc hầu bao” mua máy tặng con. Niềm đam mê thì lớn, nhưng chỉ trụ được một thời gian anh đành tìm cách... thối lui và sẵn có năng khiếu làm thơ, anh đã cố xin chuyển qua Chi hội Văn học. Đồng nghiệp truy nguyên thì anh phân trần là “chơi ảnh nghệ thuật tốn kém quá”. Tuy vậy ý định “quay lại con đường xưa” vẫn luôn thường trực trong anh. Hay như hội viên Hoàng Tuấn, hiện đang công tác ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, vì đam mê nhiếp ảnh, quỹ tiền lương vừa nuôi vợ con vừa cố tích cóp mua máy ảnh để cùng đi thực tế sáng tác với anh em trong chi hội. Một trong số những hội viên lớn tuổi say mê với nghề phải kể đến bác sĩ Trang Xuân Chi. Nhiều người biết đến ông với biệt danh “Bố Chi Chữ thập Đỏ”, nay quen thuộc hơn khi ông là tác giả của các bức ảnh: Giây phút căng thẳng, Trên sông quê em..., đã được đăng trên nhiều báo, tạp chí.

Còn nhớ cuộc thi Ảnh nghệ thuật tỉnh Bình Định năm 2003 do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức, đã xác lập một “kỷ lục” đáng nể đối với nghệ sĩ Ngọc Tuấn, ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn. Trong số 282 bức ảnh của 14 tác giả dự thi, Ngọc Tuấn đã chiếm tới... 105 ảnh! Chị Thương, vợ anh Ngọc Tuấn kể: “Ngày thường ảnh chụp hình thuê để kiếm sống. Có khi ảnh tranh thủ đi chụp hình nghệ thuật vào sáng sớm, hoặc chiều tối. Khi đã kiếm được một khoản tiền kha khá, ảnh ôm máy biệt tăm suốt mấy ngày”.

 

Các hội viên đi sáng tác ảnh cùng với CLB Nhiếp ảnh Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Hồ Trọng Đào

 

* Trở thành một sản phẩm du lịch?

Hàng chục tác phẩm ảnh nghệ thuật liên tiếp đạt nhiều giải thưởng quốc tế là minh chứng cho sự tài hoa và khẳng định đẳng cấp của các nghệ sĩ Bình Định. Một thực tế đáng buồn là hầu hết các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tỉnh ít có người sống được bằng chính cái nghề mà mình gắn bó. Dường như sự đam mê mãnh liệt đã trở thành niềm an ủi giúp họ tiếp tục vượt qua những trở ngại mưu sinh.

Tại các kỳ Festival Huế kể từ năm 2000, Ban tổ chức luôn dành ưu ái cho lĩnh vực nhiếp ảnh. Tác phẩm của các nghệ sĩ được hỗ trợ kinh phí để triển lãm dọc hai bên bờ sông Hương, phục vụ công chúng, du khách yêu nghệ thuật. Tác phẩm ảnh được xem như là một sản phẩm du lịch đặc trưng, đầy sức cuốn hút. Được biết, kịch bản lễ hội Festival Tây Sơn 2008 đến giờ này chưa định hình hoạt động thiết thực này. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng cho biết, Hội đang xem xét, xin ý kiến để có thể mở một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật quy mô trong dịp Festival sắp tới, nhằm góp phần giới thiệu rộng rãi vẻ đẹp đất nước và con người Bình Định. Hy vọng cách làm này sẽ tạo “đầu ra” cho tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh nhà.

  • Đình Phú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi tự hào là người Bình Định”  (23/02/2008)
Chăm mai sau Tết  (18/02/2008)
Tôi luôn biết cân bằng giữa việc học và cuộc sống…  (16/02/2008)
Trên những dặm đường xuân  (12/02/2008)
Tôi rất tự hào là đảng viên Đảng Cộng sản  (02/02/2008)
Vĩnh Thạnh mùa xuân này  (01/02/2008)
Định Bình những ngày cuối năm  (28/01/2008)
Dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn nhớ về Quy Nhơn  (26/01/2008)
Vượt “cổng trời” Canh Liên  (21/01/2008)
Tôi luôn tâm niệm mình phải sống có trách nhiệm với người đã khuất  (19/01/2008)
Đi trong lòng biển  (14/01/2008)
Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”  (12/01/2008)
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)