Tết có từ bao giờ? Theo các nhà khảo cổ học thì lễ đón mừng năm mới đã ra đời cách đây ít nhất là 25 thế kỷ - vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Phong tục này lần đầu tiên xuất hiện ở vùng châu thổ sông Nin của Ai Cập - một trong những cái nôi đầu tiên của nền văn minh nhân loại.
Thời ấy, mọi công việc nông nghiệp, đồng áng chỉ bắt đầu vào tháng 3 khi nước thượng nguồn đổ về nhiều. Sự kiện trọng đại đón mừng năm mới diễn ra 12 ngày liên tục gồm các hoạt động diễu hành, hóa trang, vũ hội để kỷ niệm chiến thắng của Thượng đế tối cao trước các thế lực bạo tàn và chết chóc. Lễ hội năm mới dần dần hình thành và được lan truyền qua Hy Lạp, sang cả châu Âu và những nước khác.
Ngoài tết năm mới, nhiều quốc gia còn có các loại tết đặc biệt khác thể hiện quan niệm dân tộc và bản sắc văn hóa riêng của mình.
Trên khắp thế giới, người cao tuổi luôn được tôn trọng và ở một số nước, còn có những lễ tết dành riêng cho người cao tuổi - “Tết người cao tuổi”.
Ở Hàn Quốc, Tết bà mẹ vào ngày 8.5 từ lâu đã được sửa thành Tết kính lão với những ưu tiên đặc biệt dành cho người 70 tuổi trở lên, như trao giấy chứng nhận, ưu đãi đi xe, tắm gội, cắt tóc đều giảm nửa giá. Còn tại Hồng Công, cứ tháng 12 hàng năm thì tổ chức Tết vũ đạo người cao tuổi, để họ có dịp vui chung và nâng cao nghệ thuật vũ đạo. Ở Nhật Bản, ngày 15.9 hàng năm là Tết kính lão, được pháp luật quy định hẳn hoi. Vào ngày này, tại thủ đô còn cử hành “Đại hội đi bộ vì sức khỏe, chúc phúc người già toàn quốc”.
Ở Ấn Độ, rắn được coi là con vật linh thiêng, có thể ban tuổi thọ cho người già, ban con cái cho các bà mẹ. Dân Ấn Độ sống rất gần gũi với rắn và dành riêng cho rắn một ngày Tết vào tháng 8 hàng năm. Còn ở tỉnh Biển Đỏ của Xu-đăng, ngày cuối cùng của tháng tư là ngày tết của... lừa. Trong khi đó, tại Ca-na-đa, xe trượt tuyết do chó kéo là phương tiện giao thông chủ yếu nên người dân nơi đây tỏ lòng quý mến chó bằng việc dành riêng cho chúng một ngày Tết vào chủ nhật tuần đầu tháng hai hàng năm.
Quy mô lớn và sôi động nhất phải kể đến Tết kính bò ở Nê-pan. Ngoài ra, còn có Tết cừu ở Ô-xtrây-li-a (nước sản xuất nhiều lông cừu), Tết lợn ở một thành phố miền nam Pháp (thị trường lợn lớn nhất châu Âu) và Tết voi ở Thái Lan.
Không ít các quốc gia tổ chức “Tết hoa quả” cho các loại hoa quả tiêu biểu của mình.
Nước có nhiều tết hoa quả nhất là Cô-lôm-bi-a. Hầu hết các loại hoa quả ở nước này đều có một ngày tết riêng, như Tết gạo thần, Tết phù dung, Tết cà phê chúa. Ở Hung-ga-ri, Tết nho được cử hành vào mùa thu hoạch. Dịp này, người ta dùng rất nhiều hoa quả tươi, đèn màu trang trí khắp đường phố, thanh niên ăn mặc đẹp, cưỡi trên những con ngựa và những cỗ xe trang hoàng lộng lẫy, đi dạo trên những con đường xuyên qua cánh đồng nho, sau đó tụ tập nhảy múa ở những khoảng trống ngoài đồng. Còn ở Nhật Bản, Anh đào được coi là quốc hoa và năm nào, nhà nước cũng dành một tháng (từ trung tuần tháng ba) cho Tết Anh đào.
Ánh sáng là yếu tố gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, biểu tượng cho những gì tích cực (sức sống, điều tốt lành) nên một số dân tộc đã tôn vinh ánh sáng bằng việc tổ chức “Tết đèn”. Long trọng nhất phải kể đến Tết đèn ở
I-xra-en và Mi-an-ma.Trong các loại tết đặc biệt thì “Tết trồng cây” phổ biến hơn cả: hầu hết các nước đều có tết này và nó ngày càng phát triển mạnh cùng với phong trào bảo vệ môi trường khắp thế giới.
|