Ăn uống ngoài đồng
17:24', 28/1/ 2008 (GMT+7)

* Tản văn của Huỳnh Văn

Cũng như bao làng quê khác ở trong vùng, đồng làng An Định đang vào vụ tháng ba. Dân làng ra đồng. Gặt vừa xong một đám ruộng, ngồi vệ cỏ đường làng nghỉ giải lao, chờ gặt đám khác. “Có ai đậu hũ khô…ng?”, “Có ai bánh gói, bánh xèo khô…ng?”. Tiếng rao thanh trong lảnh lót của các bà hàng rong chưa dứt, từ trong nhóm thợ gặt đã cất tiếng kêu: “Có…”, “C …ó…”. Dọc con đường ra đồng mọc lan mặt đường những cây dứa dại, ổi tàu, cỏ gà, cỏ gấu, khách thăm làng gặp không biết bao người làm đồng đang ngồi bên gánh hàng rong ăn quà sùm sụp. Họ ăn quà và họ kháo nhau: “Có nghèo cũng ngày Tết / Có hết cũng ngày mùa”; họ mắng yêu nhau: “Mỏng môi nói láo, dày môi ăn hàng”; họ nói “triết lý” với nhau: “Có thực mới vực được đạo”, “Dĩ thực vi tiên, ăn uống cho liền”…

 

Bữa cơm “giữa buổi”. Ảnh: Võ Chí Hà

 

Người làm đồng xa, trên nắng dưới nước, theo thói quen, tới trưa thì vào xóm Trại nghỉ ngơi, nương nhờ cái bóng mát bụi tre già, gốc cây ngô đồng cổ thụ, ngọn gió đồng phất phơ... Xóm Trại là cái xóm giữa đồng, hòn cù lao của làng An Định, dành cho trương tuần và dân canh giữ mùa lúa chín, chống lại bọn gặt trộm lúa. Con trâu, con bò cày bừa vừa mới được mở ách thả ra, cũng được lừa vào xóm để cho ăn cỏ và tránh nắng trưa. Những hôm công việc đồng áng rộ lên vì “nông vụ tấn thời”, người nghỉ trưa ở xóm Trại đông tới năm - bảy chục người, gồm đủ già trẻ gái trai. Anh thợ cày này được bà vợ đưa cơm trưa cho chồng, chị thợ cấy kia được đứa con gái lên mười đưa cơm trưa cho mẹ và cũng có người mang theo mo cau cơm nắm cho bữa trưa. Rồi theo lẽ thường “lúa thóc đâu bồ câu theo đó”, hàng quán năm ba cái cũng đi theo người làm đồng. Hàng quán từ giữa làng, nơi có cái chợ quê nép bên ngôi đình làng chuyển ra; rồi hàng các nơi khác gánh tới: Bánh canh mặn, bánh ngọt bà Điểu, bún tươi, bánh hỏi, bánh ướt làng Ngãi Chánh, đậu hũ xu xoa Bả Canh, Cầu Chùa…

Người làm đồng vào xóm Trại được ngồi ăn uống giữa tự nhiên. Họ đâu cần có mâm cỗ. Hồi nãy, ra giếng khơi xóm Trại, ra con Mương Đôi chảy qua xóm Trại, họ rửa tay chân mặt mày, vuốt nhẹ quần áo dính bùn, và không quên rửa sạch cái nón lá văng lên đó những bùn đất và láng bóng giọt mồ hôi. Cái nón lá đó họ vừa lật ngửa ra vục nước sông, đựng nước giếng, uống; bây giờ họ cũng lật ngửa ra, đặt trên mặt đất, làm cái “mâm”, cho bữa cơm trưa ngoài đồng. Người làm đồng ngồi đất, quanh “mâm” cơm chất đầy những thức ăn, và họ “nhập tiệc” không cần đủ chén đũa, vá, muỗng… Cái nhánh ổi tàu, cái cành tre tươi bẻ làm đũa, cũng xong, bưng cái bát canh húp, cũng tiện. Họ ăên giữa trời cao đất rộng cái miếng cơm do vợ mình nắm cho mình mang theo, cái bữa ăn do con mình đưa, cái cuộn bánh tráng cuốn cá phèn luộc bệt mắm ruốc mắm cơm, miếng bánh gói, bánh bèo, bánh xèo nhưn đậu, nhưn tôm thịt xào… mới mua, khi bà hàng rong vừa đặt gánh xuống bờ ruộng. Mấy người có con cá trê, con cá rô bắt theo bừa hồi sáng, bây giờ cũng đem ra nhóm cỏ khô nổi lửa nướng ăn liền với hạt muối trắng tinh. Nhiều hôm, người làm đồng cao hứng bày trò chơi thách đấu ăn, thi ăn. Ai ăn hết chồng bánh xèo tôm thịt cao mút đầu đũa của bà Hai Huấn thì được thưởng 2 giạ lúa, không ăn hết phải đền 1 giạ lúa. Ai ăn hết một mâm bát vại bánh canh ngọt của bà Ba Bường được thưởng 3 giạ lúa, không ăn hết phải đền 2 giạ lúa … Cứ kiểu ấy: Ai ăn hết… Và đã không ít người thua mất nhiều giạ lúa, người thắng bội thực gần chết. Họ ngồi ăn đủ kiểu: người ngồi xếp bằng như Thầy Lý ngồi chiếu làng, người ngồi bệt, ngồi chồm hổm kiểu anh thợ cày chính hiệu, anh ăn vội vàng, chị ăn nhẩn nha; trông ai cũng ăn ngon lành, khoái khẩu. Cố thi sĩ Tản Đà là người sành ăn, ông đòi hỏi bữa ăn phải đúng bữa, món ăn, chỗ ngồi ăn, người cùng ngồi ăn… tất thảy phải ngon thì mới có bữa ăn ngon. Bữa ăn ngoài đồng đáp ứng được yêu cầu đó của nhà thi sĩ. Vì người làm đồng đang ngồi ăn bữa trưa (đúng bữa) với bạn làm đồng của mình, đang ăn những món ăn dân dã, chân chất tình quê, hồn quê, tưởng không cao lương mỹ vị nào sánh bằng!

Ủa, sao cái gì ở ngoài đồng cũng ngon lành, hay ho, sung sướng hơn bội phần? “Giang sơn một gánh giữa đồng / Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ không?” (Thơ Nguyễn Công Trứ), “Thứ nhứt quận công / Thứ nhì… ị đồng” (Tục ngữ), “Những phường mèo mả gà đồng” (Thơ Kiều - Nguyễn Du)…Ai trả lời được, đi dạo đồng và đi dạo phố, cái nào thú hơn cái nào?

Dùng bữa ăn ở nhà thì “chưa ăn, cha rìu con rựa; ăn rồi cha ngựa (phản) con giường”. Ăn ở xóm Trại, cũng vậy thôi: Cái mặt đất, cái thảm cỏ thay phản, thay giường. Ăn uống xong, lấy cái ống tay áo phẩy phẩy mặt đất, bãi cỏ (như động tác giũ giường, giũ chiếu ở nhà) rồi ngả lưng, ngủ. Đàn ông ngủ, nón úp mặt; đàn bà ngủ, nón úp ngực; gió là quạt, là màn hơn cả quạt máy, màn tuyn trong các nhà nông thôn ngày nay. Ai không ngủ thì ngồi đấy tiếp tục ăn quà vặt, tiếu lâm chuyện đời, tán gẫu chuyện ăn ngon: “Ếch tháng ba, gà tháng mười” (Tục ngữ), “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)… Mấy anh chị giọng tốt kể vè Chàng Lía, kể thơ Lục Vân Tiên, hát Nam ai, Nam xuân, Lý mọi, lắng tai nghe tiếng con chim cườm gáy trên ngọn cây tre, ngọn cây ngô đồng, nghe tiếng gió xào xạc thổi qua cánh đồng vừa thơm mùi bông lúa chín vừa ngai ngái mùi bùn. Mấy tay trai trẻ hay nghịch hay đùa lấy tay cầm hòn sạn kẽ mặt đất những bàn cờ hùm, cờ ngay, cờ chém… cầm liềm cắt cọng rạ ngắn dài khác nhau làm quân cờ, rồi mỗi bàn tụ 4 tụ 5 lại chơi cờ. Chơi cờ “đột”, anh thua đưa đầu gối cho anh thắng cầm cú tay đột… Đột bao nhiêu cái, có đến sưng đầu gối hay không, tùy giao hẹn trước.

Buổi trưa đã dần trôi, cô hàng cốm Cát Tường (có con mắt liếc có đuôi anh thợ cày đẹp trai làng An Định) đem lúa (lúa đổi cốm) ra giê trước cơn nồm rộ vừa mới nổi lên.

Bây giờ là thời hiện đại, xe máy của người làm đồng dựng trên bờ ruộng đổ bêtông, cho nên không còn những đồng xa nữa. Vả lại, ăn uống ngoài đồng, phải ăn uống những món dân dã, theo kiểu dân dã, mới ngon. Cơm nắm gói mo cau, đến bữa ngồi xuống thảm cỏ xanh rờn, mở banh mo cau ra, tay cầm con dao xắt lát cơm, cầm lát cơm trắng mịn như lát chả giò Chợ Huyện, chấm muối mè, muối đỗ ăn; phải ngon hơn cơm hộp là chắc. Nói điều đó ở thời này là xa vời, không thực tế. Ăn uống ngoài đồng, nay trở thành kỷ niệm êm đềm và khó quên của lớp người có tuổi quê tôi.

  • H.V
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những cái Tết kỳ thú trên thế giới  (28/01/2008)
Câu lạc bộ Xuân Mậu Tý  (28/01/2008)
Giáo dục quốc phòng: Khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mỗi người  (19/01/2008)
Phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện Tuy Phước  (19/01/2008)
Tình nguyện xung kích chung sức cùng cộng đồng khắc phục hậu quả lũ lụt  (19/01/2008)
Nơi kết nối những ý tưởng  (19/01/2008)
Chén trà trong sương sớm  (19/01/2008)
Nghề truyền thống thăng hoa  (19/01/2008)
Tôn vinh vẻ đẹp nữ doanh nhân Việt Nam  (19/01/2008)
Khi họ biết mình là ai…  (19/01/2008)
Gian nan chỗ ở học sinh  (19/01/2008)
Bệnh của thời @!  (19/01/2008)
Thơ  (19/01/2008)
Tráo ông Địa  (19/01/2008)
Về quê Vua lửa Tây Nguyên  (19/01/2008)