Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới
Tìm các giải pháp tổng thể cắt giảm chi phí logistic nói chung và chi phí vận tải nói riêng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế chính là mục tiêu của hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngày 16.4.
Tham dự Hội nghị chuyên ngành này có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan liên quan và nhiều chuyên gia quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Bất hợp lý trong chi phí
Theo đánh giá của Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%). Còn theo thống kê của VCCI, hiện vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (và ngược lại) chỉ khoảng 100km, nhưng chi phí đắt gấp 3 lần so với vận chuyển một container từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam; vận chuyển một container hàng hóa từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ cao gấp 9,7 lần so với đường biển và hơn 2,5 lần so với đường sắt. Với con số lợi nhuận lên đến hàng tỷ USD mỗi năm và là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên hỗ trợ và phát triển, logistics đang là dịch vụ kinh doanh hấp dẫn của nhiều công ty trong và ngoài nước với các chức năng giao nhận, vận tải, kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng,...
Chi phí hạ tầng đẩy chi phí logistics Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, dịch vụ logistics còn gặp khó khăn do nhiều loại chi phí như phí sử dụng kết nối hạ tầng. Ông Hiệp dẫn chứng việc Hải Phòng tăng phí dịch vụ sử dụng cảng biển từ đầu năm 2017 đã được các doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các Bộ ngành báo cáo nhưng đến nay chưa giải quyết được. Chưa kể, doanh nghiệp còn than phiền về tình trạng ách tắc giao thông, thời gian thông quan hàng hóa…
Hiện nay 80% thị phần vận tải của nước ta là đường bộ, ông Lê Duy Hiệp đề xuất Nhà nước có ưu đãi để tăng cường phát triển vận tải thủy, đặc biệt ở các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, có cơ chế thu hút đầu tư vào các kho hàng hóa, trung tâm logistics các địa phương để giảm thời gian và chi phí vận chuyển.
Thông tin về những cơ hội phát triển ngành dịch vụ logistics, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu nhìn vào quy mô xuất nhập khẩu ở mức trên 500 tỷ USD sẽ thấy “miếng bánh” logistics là rất lớn. Do đó, theo Bộ trưởng, việc phát triển ngành dịch vụ logistics hiện nay phải hướng tới mục tiêu kép là bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế cho phát triển, phải khẩn trương cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh bởi logistics chính là ngành có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao như hiện nay.
“Rò rỉ nhỏ” có thể nhấn chìm một con tàu lớn
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực. Do đó, việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Nhắc lại câu nói của Benjamin Franklin - một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng cho rằng vấn đề logistics đã được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng và các bộ, ngành đã triển khai. Tuy nhiên, khái niệm, cách tổ chức thực hiện, nhất là các biện pháp tổng hợp để xử lý vấn đề này còn hạn chế. Chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao.
Ghi nhận ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, Thủ tướng cho rằng, hội nghị lần này không chỉ giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn chấn chỉnh thêm một yếu tố là “vô thời hạn”. Đề cập đến kết quả của hội nghị, Thủ tướng cho biết, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vấn đề mới mẻ này thì sau hội nghị sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics.
Giảm chi phí logistics, thúc đẩy xuất khẩu Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%” bởi “đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”. Thủ tướng nêu rõ quan điểm, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thủ tướng yêu cầu phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Muốn đạt được mục tiêu này, “cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo Cổng Thông tin thương mại của Việt Nam phải duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics. Áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành là điều rất cần thiết với tinh thần hậu kiểm hơn là tiền kiểm, kiểm tra rủi ro chứ không phải kiểm tra đồng loạt.
Cùng với đó là cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết. Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.
Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng liên quan cần thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế. Tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Thay đổi điều kiện giao hàng "mua CIF, bán FOB"; nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.
Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics là Hội nghị thứ 2 trong chuỗi 15 Hội nghị toàn quốc nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh... thúc đẩy tăng trưởng bền vững sẽ được Chính phủ tổ chức trong năm 2018.
Theo Quang Vũ (TTXVN/Tin tức)