Xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Trong hai ngày 16-17.4, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác cán bộ.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị. Phát biểu khai mạc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, xã hội ngày càng phát triển, phát sinh nhiều loại hình tranh chấp mới chưa có tiền lệ, diễn biến phức tạp đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân cần phải được thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Hội đồng xét xử trong phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Châu Thị Thu Nga và đồng phạm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Những giải pháp về công tác tổ chức cán bộ được triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Tòa án thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của Tòa án trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, từ thực tế tại đơn vị và kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo trong quá trình công tác làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của nền công vụ tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại; bảo đảm cho các Tòa án nhân dân sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của thời kỳ hội nhập. Những năm qua, nhất là sau khi Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 có hiệu lực thi hành, hệ thống Tòa án đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều giải pháp về công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hệ thống Tòa án đã tập trung đổi mới từ khâu tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng; kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách… Tổng số Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 của 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 710 Tòa án nhân dân cấp huyện là 16.702 người. Trong các năm 2016, 2017, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật; động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng chỉ tiêu thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; ban hành Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân... Trong thời gian 2 ngày, các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận và tham gia góp ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả công tác tổ chức, cán bộ của hệ thống Tòa án nhân dân; dự thảo Nghị quyết của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về việc lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận một số nội dung về công tác xây dựng ngành, bảo đảm nền tảng cho việc thực hiện thành công các chủ trương, nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch như dự thảo Quy chế đạo đức Thẩm phán; dự thảo Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động trong Tòa án nhân dân làm quy trình kiện toàn Ban lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ năm 2018 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm quán triệt, phổ biến và triển khai các chủ trương, những việc cần làm ngay trong công tác tổ chức cán bộ của hệ thống Tòa án. 14 nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ được đưa ra thảo luận tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và hoạt động của hệ thống Tòa án./.
Theo ĐỖ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)