Có nên tiếp tục mở rộng miễn thị thực?
Việc tiến hành miễn thị thực cho du khách đến từ những thị trường nguồn quan trọng sẽ có nhiều tác động đáng kể, góp phần thu hút lượng lớn khách quốc tế tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến trong thời gian tới.
Ngành du lịch Việt Nam đã kết thúc năm 2017 với những thành tích ấn tượng khi đạt mức tăng trưởng cao chưa từng thấy là gần 30%, với việc đón hơn 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Như vậy, so với năm 2015, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng hơn khoảng 5 triệu lượt khách, tương đương mức tăng trưởng khoảng 64%.
Đây là kết quả đáng tự hào của ngành du lịch, đã vượt mức chỉ tiêu mà Chính phủ đã giao cho ngành du lịch cần phấn đấu trong năm 2017. Điều đáng mừng nhất là sự tăng trưởng cao liên tục trong 2 năm 2016-2017 đạt được sau 2 năm sụt giảm tăng trưởng trong thời gian trước đó.
Sự tăng trưởng của ngành du lịch có được là nhờ những nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch, nhờ những văn bản chính sách mới của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành tạo sự thông thoáng hơn cho với sự phát triển của du lịch Việt Nam, trong đó việc miễn thị thực cho các nước Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Nga và năm nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy) là động lực mạnh mẽ để tạo đà cho sự phát triển này.
Tuy nhiên, vừa qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2017 có nêu cảnh báo chính sách thị thực (visa) hiện đang là rào cản với sự phát triển của “ngành công nghiệp không khói” tại Việt Nam.
Theo báo cáo của WEF, năm 2017, năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đang xếp hạng 67 trên 136 nước, trong đó 3 nhóm chỉ số xếp hạng thấp nhất là: Sự bền vững của môi trường (xếp hạng 129/136); Các yêu cầu về visa (116/136); Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch (113/136).
Theo Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, để cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch, chúng ta cần tập trung để cải thiện 3 vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, việc cải thiện chính sách visa sẽ dễ thực hiện được ngay vì không đòi hỏi nguồn lực tài chính, thời gian thực hiện như các vấn đề còn lại.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với khách du lịch mà còn đối với các nhà đầu tư, đối tác kinh tế, chuyên gia quốc tế, các đoàn giao lưu nhân dân của các nước bạn…
Mở rộng chính sách miễn thị thực sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các quốc gia trên thế giới, tạo điều kiện tăng cường giao lưu, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và các nước bạn, góp phần tăng cường đầu tư nước ngoài từ các nước bạn đến thị trường Việt Nam, huy động khoa học, công nghệ, kỹ thuật nước ngoài trong quá trình phát triển đất nước, tạo tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực có liên quan.
Bên cạnh đó, nếu thu hút khách quốc tế vào du lịch Việt Nam thành công sẽ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ việc thu lệ phí visa. Những chi phí tiêu dùng của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng sẽ nâng cao thu nhập cho khu vực tư nhân, các khoản thuế đóng góp cho khu vực nhà nước, đẩy mạnh nhu cầu về các sản phẩm phụ trợ, tạo việc làm và các lợi ích xã hội khác cho cộng đồng.
Theo nghiên cứu của Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy đã giúp ngành du lịch có thêm 10,1% tăng trưởng. Ví dụ, lượng khách du lịch Australia đến Việt Nam trong năm 2017 là khoảng 370.000 người. Nếu miễn thị thực thì sẽ làm giảm nguồn thu từ visa khoảng 9,2 triệu USD. Tuy nhiên, số khách du lịch Australia có thể tăng thêm khoảng 37.000 người. Mỗi khách Australia chi tiêu trung bình khoảng 1.470 USD khi đi du lịch Việt Nam. Vậy chúng ta sẽ thu tăng thêm khoảng 54 triệu USD.
Nếu được phê duyệt, việc mở rộng miễn thị thực sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch, tăng cường thu hút du khách quốc tế, tăng tổng thu từ khách du lịch và tạo việc làm, cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc mở rộng phạm vi miễn thị thực cũng được cho là sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến trong khu vực.
Theo Nhật Nam (Chinhphu.vn)