Hiệu quả mô hình thư viện xanh, thân thiện
Khá nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường. Ðiểm chung của các mô hình này là có không gian mở, gắn liền với thiên nhiên, tổ chức được nhiều hoạt động tạo hứng thú cho học sinh đọc sách.
Học sinh Trường Tiểu học Số 1 Phước Sơn (Tuy Phước) đọc sách ở thư viện xanh vào giờ ra chơi. Ảnh: THẢO KHUY
Chung tay xây dựng
Khá nhiều thư viện xanh, thư viện thân thiện ở các trường học trên địa bàn tỉnh được trang trí bắt mắt, hướng tới không gian mở, rợp bóng mát cây xanh ngoài sân trường. Phòng đọc thư viện cũng được cải thiện, tạo sự thoải mái cho học sinh. Ngoài ra, đến với thư viện, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động khác như viết, vẽ, ghép hình...
“Năm học này, chúng tôi thiết lập được một thư viện xanh từ sự ủng hộ của các mạnh thường quân và quỹ hội phụ huynh, tạo hứng thú và kỹ năng đọc cho học sinh. Bên cạnh đó, chúng tôi phát động phong trào học sinh “Góp một cuốn sách, đọc được nghìn cuốn sách hay”. Giờ ra chơi, tổ thư viện đưa sách ra thư viện xanh ngoài sân trường, học sinh tha hồ mượn và đọc dưới tán cây mát mẻ…”, thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết.
Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, Trường Tiểu học Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) đã triển khai hiệu quả mô hình thư viện xanh tại hai điểm trường. Thư viện được cấu tạo đơn giản như một giá sách di động bằng vật liệu tôn, sắt mỏng, có mái che, gắn bánh xe bên dưới để đẩy đi ngoài sân trường, nơi có bóng mát, ghế đá thuận tiện học sinh ngồi đọc. Giá sách này được chia làm các ngăn, mỗi ngăn được xếp theo chủ đề khác nhau, như ngăn báo gồm: báo Nhi đồng và Nhi đồng chăm học; tạp chí Toán tuổi thơ; Khám phá khoa học…; ngăn sách gồm: sách thiếu nhi, lịch sử, khoa học, truyện cổ tích, ngụ ngôn, gương người tốt việc tốt; các tài liệu tham khảo… đồng thời còn có ngăn sách quyên góp, sưu tầm với tiêu đề “Cũ bạn - Mới mình”, đã tập hợp nhiều sách, báo mà học sinh đã đọc xong, đem đến bỏ vào ngăn này để bạn khác có thể xem.
Thư viện xanh Trường Tiểu học Ân Thạnh được giao cho các chi đội của trường quản lý. Cứ vào thứ hai hàng tuần, chi đội phụ trách ký nhận sách, báo từ thư viện nhà trường, đem đặt vào các ngăn và theo dõi, quản lý học sinh đọc. Đến thứ sáu, chi đội lại gom các cuốn đã đọc trong tuần đem ký trả tại thư viện và tiếp tục nhận sách, báo mới về đặt lại vào các ngăn của thư viện…
Lôi cuốn học sinh đọc sách
Từ năm 2013, Tuy Phước là một trong những huyện đầu tiên triển khai mô hình thư viện thân thiện. Cô Hoàng Ngọc Tố Nương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: “Từ khi triển khai mô hình thư viện thân thiện, giáo viên, đặc biệt là cán bộ thư viện ở các trường được tham gia 4 lớp tập huấn về cách thiết lập một thư viện thân thiện, tổ chức tiết đọc thư viện, phối hợp với gia đình học sinh và duy trì bền vững thư viện thân thiện. Mô hình này đến nay đã phát huy nhiều hiệu quả, thu hút học sinh đọc sách nhiều hơn..”.
Hàng tuần, Trường Tiểu học Số 3 Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) đều tranh thủ vài phút của giờ chào cờ để giới thiệu những sách mới, sách hay đến với học sinh. Nguồn sách mới luôn được bổ sung theo hàng kỳ, hàng quý để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn học sinh trong trường. “Trường còn tổ chức các tiết đọc thư viện, đọc to nghe chung, kể chuyện theo sách, vẽ tranh, viết cảm tưởng, ngày hội đọc sách để cha mẹ đọc sách cùng con… Qua đó, đọc sách trở thành hoạt động thú vị mỗi khi các em đến trường”, cô Lương Thị Cẩm Nhung, phụ trách thư viện Trường Tiểu học Số 3 Phước Hiệp, chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Ân Thạnh, nguồn sách báo được đăng ký mua về tại thư viện nhà trường không còn chỉ nằm nguyên trong tủ kính khóa kỹ, mà đã được đưa xuống các thư viện xanh, tủ sách lớp học tại các điểm trường. Học sinh tại điểm trường lẻ đều có thể tham gia đọc sách, báo hàng ngày mà không cần phải đến thư viện tại điểm trường chính ở cách xa. Các em có thể đến lấy sách, báo tại các ngăn ở đây để đọc bất cứ lúc nào mà không cần phải có thủ tục mượn, trả. Mặt khác không gian đọc cũng thoải mái ở nhiều nơi trong sân trường, học sinh cũng có thể vừa đọc vừa chơi nên cảm thấy hứng thú hơn.
“Em thích đến thư viện để thoải mái đọc nhiều sách, truyện. Từ khi có thư viện xanh ngoài sân trường, em và bạn bè trong lớp trong giờ giải lao có thể kết hợp đọc sách và chơi thêm trò khác để có nhiều niềm vui hơn...”
Em TRƯƠNG HẠO NHIÊN, học sinh lớp 3C, Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn.
THẢO KHUY - NGỌC HOÀNG