XỬ PHẠT HÀNH VI XẢ RÁC BỪA BÃI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG:
Có chế tài nhưng... khó thực hiện
Vấn nạn xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ðáng nói là chế tài quy định xử phạt hành vi này đã có, nhưng vẫn khó thực hiện.
Bãi rác tự phát gần mương nước ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (Phù Cát) đang gây ô nhiễm môi trường.
Tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, tình trạng xả rác bừa bãi, tập kết rác không đúng quy định đang khá phổ biến, nhất là ở một số xã ven biển của huyện Phù Cát, Hoài Nhơn và một số xã ở các huyện trung du, miền núi như Hoài Ân, An Lão. Rác được vứt ở những bãi đất trống trong khu dân cư, đổ xuống các kênh mương, chất thành đống ven tỉnh lộ, quốc lộ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Để xử lý tình trạng này, Chính phủ đã ban hành những chế tài cụ thể. Chẳng hạn như tại khoản 1, điều 20 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định rõ: “Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 7 triệu đồng”. Thế nhưng thực tế cho thấy, chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng không dễ thực hiện xử lý các hành vi xả rác bừa bãi này.
Nguồn nước bị ô nhiễm nặng do rác thải ứ đọng lâu ngày.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, nhận xét: Thành phần chất thải sinh hoạt không tự phân hủy (bao bì nilon, các loại nhựa dùng 1 lần) chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong rác thải khiến mức độ ô nhiễm môi trường tăng lên. Bộ phận lớn người dân dù nhận thức được tác hại của việc xả rác bừa bãi, nhưng vẫn còn số ít người chưa có ý thức bảo vệ môi trường và chấp hành pháp luật về môi trường. Trong khi đó tại cấp xã, cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường, trật tự công cộng còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực (địa chính - xây dựng - đô thị - nông nghiệp) nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hộ gia đình, cá nhân về hành vi xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định.
Để giải quyết vấn đề này, Sở TN&MT đã giao UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch, đặc biệt tại các huyện chưa có bãi rác hợp vệ sinh như: Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và TX An Nhơn; đồng thời, lập đề án tăng cường năng lực thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn. Trong đó, Sở đề nghị UBND cấp xã phải tổ chức được hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn bằng các hình thức cụ thể như: Tự tổ chức đội tự quản, hợp đồng với đơn vị thu gom rác của huyện, hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá nhân khác có năng lực trong việc thu gom, xử lý rác. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rác thải, trong đó có hành vi vứt rác bừa bãi, theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình và quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
KIM CHI