QUA 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW:
Nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc
Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh ta đã có bước chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm nhanh.
Nông nghiệp, nông thôn khởi sắc
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW (NQ 26), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chỉ đạo các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Để có cơ sở thực hiện chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là “tam nông”), UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố rộng rãi các quy hoạch thuộc tất cả các lĩnh vực của ngành NN&PTNT; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên các lĩnh vực.
Tàu cá của ngư dân trong tỉnh cập cảng cá Quy Nhơn để tiêu thụ sản phẩm đánh bắt được. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Qua thực hiện NQ 26, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực, triển khai các giải pháp, đề án cụ thể giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân và thay đổi diện mạo nông thôn. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương ngành nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017 tăng 3,24%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,41%, trong đó nông nghiệp tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 5,3% và thủy sản tăng 6,6%. Có thể nói, nhờ đẩy mạnh chính sách “tam nông”, tốc độ tăng trưởng các lĩnh vực thuộc ngành liên tục tăng qua các năm, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 49/121 xã về đích nông thôn mới”.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; tập trung hỗ trợ ngư dân đầu tư, nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu cá có công suất lớn để khai thác xa bờ. Công tác chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa cùng với sự gia tăng diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đã góp phần duy trì tăng trưởng và gia tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt...
Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện NQ 26, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng: Nhờ các chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. Do đó, tuy trong điều kiện thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lũ, ngành Nông nghiệp tỉnh liên tục có bước tăng trưởng, đời sống và thu nhập của nông dân ngày càng tăng, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Hiện, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ; kêu gọi các DN đầu tư các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản để tạo đầu ra ổn định cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tỉnh cũng quy hoạch các cụm công nghiệp chế biến thủy sản tập trung và ứng dụng công nghệ trong khai thác đánh bắt hải sản để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đẩy mạnh thực hiện “tam nông”
Mới đây, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương (do Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn Nguyễn Văn Tiến dẫn đầu), đã làm việc với UBND tỉnh về kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện chính sách “tam nông” và định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo.
Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện NQ 26 tại Bình Định, đồng thời cũng chỉ ra rằng, trong quá trình thực hiện chính sách “tam nông” vẫn còn một số hạn chế cần được rút kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục. Đáng chú ý là trong phát triển chăn nuôi, người dân chưa lường hết những bất lợi khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Khủng hoảng thị trường heo thịt kéo dài trong thời gian qua là một bài học đắt giá.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, để sản xuất mang tính bền vững, khâu liên doanh, liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ cần phải coi trọng. Tỉnh cần kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến theo mô hình liên kết chuỗi, nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản một cách bền vững. Ngoài ra, để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “tam nông”, tỉnh cần tiếp tục rà soát, định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Đây vừa là bước đi trước mắt, vừa có tầm nhìn dài hạn nên cần phải thực hiện quy hoạch từng lĩnh vực cụ thể.
Các địa phương trong tỉnh phải lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh mang tính đặc thù riêng để đẩy mạnh sản xuất. Trong phát triển nông nghiệp, địa phương cần quan tâm thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới một cách kiên trì, bền bỉ, với mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mục tiêu, cơ chế, chính sách, phương thức thực hiện... của chính sách “tam nông”. Đồng thời ghi nhận, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện NQ 26 của tỉnh để báo cáo kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.
NGUYỄN HÂN