Nhân ngày người khuyết tật Việt Nam (18.4): Vượt qua bóng tối là ánh sáng
Bước đi tập tễnh, nhưng chị Nguyễn Thái Anh Ðào (36 tuổi, ở thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) lại là người truyền cảm hứng, thái độ sống tích cực, tự tin cho nhiều người. Với chị, ánh sáng luôn có ở những nơi tối nhất và “quả ngọt” thì luôn dành cho những người biết nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, chiến thắng chính mình.
Biết cười ngay cả lúc đắng cay
Là con gái của một gia đình có cha và mẹ đều là giáo viên, có lẽ cô bé Đào sẽ may mắn và hạnh phúc hơn, nếu cha của Đào không mất khi cô còn trong bụng mẹ. Năm 3 tuổi, một cơn bạo bệnh làm Đào bị liệt. Không chấp nhận số phận, mẹ cô đưa con gái đi khắp nơi để chữa bệnh và sau 3 năm, Đào đã có thể bò được.
Chị Đào và mẹ luôn dành cho con gái nhỏ tình yêu thương tròn trịa nhất.
Đào đến trường trên lưng mẹ. Ở những buổi đi học đầu tiên ấy, mẹ chỉ mong Đào quên đi sự khác biệt của mình và hòa nhập cùng bạn bè. Vượt quá sự mong đợi của mẹ, cô bé mang tên loài hoa đẹp học rất tốt. Kể từ năm lớp 4 đến năm lớp 12, cô học trò Nguyễn Thái Anh Đào luôn nhận được học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam - một vinh dự không nhiều người khuyết tật có được. Năm lớp 8, Đào còn là học sinh giỏi văn cấp huyện, được vào đội tuyển của tỉnh.
Nhưng, thử thách luôn hiện hữu. Nếu năm lớp 8, Đào không thể tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi văn của tỉnh vì khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, thì năm lớp 12, chị thật sự bế tắc bởi không biết chọn trường đại học nào, ngành nào để học. Đào thích học sư phạm nhưng với khiếm khuyết hiện tại, cánh cửa dẫn Đào đến với bục giảng, học trò đóng sập. Năm đó, chị đã không tham gia kỳ thi đại học.
“Nhưng, tôi không phải là người quen bỏ cuộc dễ dàng. Tôi luôn tin, ánh sáng, dù là nhỏ nhoi, vẫn hiện trong bóng tối. Còn ánh sáng là mình còn cố gắng. Hơn nữa, tôi còn là hy vọng, niềm tự hào của mẹ. Mỗi một nỗ lực của tôi luôn là hạnh phúc lớn của mẹ”, chị Đào tâm sự.
Giống như năm lớp 4, khi mẹ ốm đến nằm viện, chị đội mưa, chống gậy, nhích từng bước đến trường với mong muốn mẹ yên tâm rằng chị vẫn cố gắng làm được việc khi không có mẹ; lần này, chị quyết định xuống TP Quy Nhơn ôn thi đại học. Việc ôn thi gặp khó khăn khi không thể hòa nhập, chị đành quay về quê học nghề may. Và chị nhận ra nghề may cũng không phù hợp bởi máy may đời cũ đòi hỏi những đôi chân phải thật khỏe.
Rồi, chị theo học tin học tại Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga. Từ đây, tình cờ tiếp cận được thông tin tuyển sinh học viên là người khuyết tật của Trường CĐ Tài chính kế toán (tại tỉnh Quảng Ngãi), chị Đào đăng ký theo học trung cấp kế toán hệ vừa học vừa làm vào năm 2003. 6 năm sau, chị tiếp tục đăng ký học liên thông lên đại học kế toán tại Trường ĐH Kinh tế Huế, hệ vừa học vừa làm.
Khao khát được thừa nhận
Cuộc sống vẫn thử thách chị Đào theo nhiều cách. Sau 2 năm làm việc tại Trường mầm non xã Nhơn Lộc, do những bất đồng về quan điểm, chị xin nghỉ việc, về buôn bán văn phòng phẩm và nhận thêu các bức trướng tại nhà. Năm 2013, chị lại quyết định làm mẹ đơn thân. Bé Thiên Di chào đời. Giữa những bàn tán của người đời, chị vẫn kiên định, mạnh mẽ với lựa chọn của mình.
Chị Đào còn là người dẫn chương trình duyên dáng và truyền cảm.
Càng đi nhiều, gặp gỡ nhiều, chị nhận ra, người khuyết tật vẫn còn chịu cái nhìn nhiều định kiến của số đông. Chị bảo: “Nhiều người nói rằng họ cảm thông với người khuyết tật, nhưng sự thật của sự cảm thông này vẫn là hình thức từ thiện theo kiểu ban ơn. Tôi nhận ra, người khuyết tật chỉ thật sự có tiếng nói khi họ chứng minh rằng mình làm được việc, chứ không phải yêu cầu sự ưu tiên hay sự trợ giúp”.
“Anh Ðào cũng là thành viên nòng cốt của nhóm phụ nữ tự lực TX An Nhơn. Ðiểm nổi bật là cô luôn nỗ lực, phấn đấu cả trong học tập lẫn cuộc sống hàng ngày; tinh thần lạc quan, tinh thần vì tập thể”.
Ông Trần Duy Ðức, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TX An Nhơn
Bằng nhận thức ấy, ở vị trí trưởng nhóm khuyết tật Ngày mới của TX An Nhơn, chị cùng 22 thành viên trong nhóm xác định quan điểm: mỗi người phải cố gắng hết sức trong khả năng của mình; chỉ khi nào bản thân bất lực, cả nhóm không giúp được nhau thì mới tìm kiếm sự giúp đỡ của bên ngoài.
Cùng với đó, chị đề nghị các thành viên của nhóm xuất hiện nhiều hơn, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chung của xóm, cộng đồng. Chị kể: “Lần đầu tiên tổ chức gặp mặt các thành viên tại quán cà phê, nhiều chị em cứ trách móc: sao không gặp tại nhà nhau, ra quán, người ta nhìn quá trời. Tôi liền bảo với các chị: người ta nhìn vì thấy lạ, vậy thì phải đến nhiều hơn để người ta không còn lạ nữa”.
Nhiều người khuyết tật ở các miền quê tại TX An Nhơn vẫn có suy nghĩ “vì mình khuyết tật nên người ta khinh mình”. Hiểu được tâm tư, nếp nghĩ ấy, những năm qua, bên cạnh vai trò là trụ cột gia đình, chị Đào còn đóng vai “hộp thư tâm tình” của nhiều người khuyết tật khác. Chị bảo: “Cứ giúp được một người đồng cảnh nào đó về mặt tinh thần, giúp họ tìm thấy mặt tích cực, chút ánh sáng giữa những khó khăn là tôi thấy mình hạnh phúc”.
NGUYỄN MUỘI