Người trồng dưa chịu thiệt vì thương lái “lật kèo”
Gọi điện thoại đến đường dây nóng Báo Bình Định, người trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh phản ánh: Cứ vào mùa thu hoạch dưa, không chỉ lo giá cả bấp bênh mà còn lo bị thương lái “lật kèo”.
Bà Nguyễn Thị Sương (xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) cho biết: “Năm nay giá dưa đầu vụ khá cao, dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg nên người trồng dưa có lãi. Tuy nhiên, bà con vẫn lo lắng vì giá dưa luôn bấp bênh. Cứ tới độ thu hoạch, thương lái tìm đến ruộng dưa để mua, có hợp đồng hẳn hoi, cam kết với người trồng dưa về giá cả, có đặt cọc trước. Thế nhưng kể cả khi cầm tờ hợp đồng trong tay thì vẫn không thể yên tâm vì bất cứ lúc nào giá dưa giảm thì thương lái sẽ bỏ hợp đồng, bỏ luôn tiền cọc. Trước khi ký hợp đồng thu mua, thương lái cũng ép giá dưa xuống rất thấp mới đồng ý làm hợp đồng. Cũng chính vì việc này, cứ vào vụ thu hoạch dưa thường xuyên xảy ra tranh chấp, thậm chí xô xát, đánh nhau giữa người trồng dưa và thương lái”.
Người trồng dưa hấu ở xã Cát Lâm (Phù Cát) đang vào mùa thu hoạch.
Ông Nguyễn Đức H. (xã Cát Lâm, Phù Cát), bức xúc: “Đầu vụ thu hoạch dưa năm nay, thương lái có đến làm hợp đồng với gia đình tôi thu mua dưa với giá 6.300 đồng/kg, nhưng khi họ đến thu hoạch dưa thì họ sàng lọc và chỉ chọn những quả dưa trên 2 kg, còn lại thì không chịu lấy, đòi hạ giá, trong khi hợp đồng không có thỏa thuận việc này. Vì dưa hấu không để lâu được nên tôi đành phải bán số dưa dưới 2 kg/trái với giá rẻ hơn nhiều so với hợp đồng. Quá ấm ức, tôi định đưa vụ việc ra kiện nhưng khi xem kỹ lại hợp đồng thì không có địa chỉ của thương lái”.
Về điều này, ông Lê Thành Trung, Trưởng Chi nhánh số 3 Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, cho biết: “Trường hợp trên, về hình thức là một giao dịch dân sự. Giữa người nông dân và người thu mua đã thực hiện một giao dịch dân sự theo hợp đồng quy định tại điều 405 Bộ luật Dân sự 2015, do một bên đưa ra để bên kia trả lời và đã được giao kết thực hiện. Đồng thời, trong quá trình thực hiện hợp đồng trên, nếu một trong hai bên không thực hiện đúng cam kết, thì khi có tranh chấp, bất đồng xảy ra, hai bên phải tự thỏa thuận giải quyết. Nếu không thể tự thỏa thuận thì khởi kiện ra TAND theo quy định. Nhưng trên thực tế, các vụ mua bán này đều diễn ra với thỏa thuận miệng, hoặc có giấy ký kết nhưng lỏng lẻo về nội dung, nên ít khi người dân nghĩ đến việc kiện để đòi quyền lợi, mà thường tự giải quyết theo cảm tính. Do vậy, khi cam kết hoặc ký hợp đồng bán dưa với thương lái thì phải chi tiết, cụ thể và chặt chẽ để người trồng dưa giảm thiệt thòi do bị thương lái ép giá hoặc không chịu thu mua”.
KIM CHI