Chăm lo, bảo vệ nhà giáo - không dừng lại ở chủ trương mà phải bằng hành động
Tại Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ tâm huyết liên quan đến hoạt động công đoàn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đội ngũ nhà giáo.
Không chỉ chăm lo mà còn là bảo vệ nhà giáo
Đánh giá cao báo cáo Đại hội với những nhận định được minh chứng bằng số liệu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng tình với tổng kết những mặt đã làm được của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong các hoạt động.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Trong đó, lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã bám rất sát các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, của ngành; đồng hành các nhiệm vụ lớn, các cuộc vận động, trở thành chỗ dựa tin cậy cho các công đoàn viên, thầy cô giáo, người lao động ngành Giáo dục.
Đồng thời, việc đồng hành, hỗ trợ công đoàn viên, đặc biệt ở những nơi khó khăn, vùng bị thiên tai,… với số liệu thống kê rất thuyết phục. Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XIV, đặc biệt Chủ tịch Công đoàn rất sát sao, thường xuyên báo cáo Ban cán sự Đảng, Bộ GD&ĐT, từ đó lãnh đạo Bộ có giải pháp về những vấn đề “nóng” của ngành…
Bộ trưởng cũng đồng tình với nhận định còn nhiều việc chưa làm được, chưa thực sự sâu sát theo đúng mong muốn; trong đó có bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà giáo.
“Tôi đồng ý với đánh giá của Công đoàn, việc chăm lo đã làm được nhiều, nhưng bảo vệ quyền lợi hợp pháp thì đâu đó chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều công đoàn viên cảm thấy hoang mang, thiếu chỗ dựa” – Bộ trưởng chia sẻ.
Cùng với đó là cơ chế quản lý, chỉ đạo của hệ thống công đoàn, nhất là đối với ngành Giáo dục có nhiều thay đổi; công đoàn giáo dục cấp huyện đã bị giải thể; sự phối hợp chỉ đạo hoạt động giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động các địa phương trong cả nước còn có những vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động công đoàn ngành Giáo dục và tâm tư đội ngũ cán bộ công đoàn…
Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu để có những chỉ đạo sát sao hơn, thực tế và thiết thực hơn, cùng chia sẻ với các thầy cô giáo; đặc biệt nhấn mạnh không chỉ chủ trương, định hướng mà là hành động.
Không dừng ở khẩu hiệu
Về phương hướng nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng gợi ý phương châm thiết thực, khả thi, hiệu quả, gắn bó với công đoàn viên toàn ngành, không dừng lại ở khẩu hiệu; chương trình cụ thể phải thể hiện được ước nguyện của công đoàn viên; phân công rõ nhiệm vụ; chi tiết, sát sao hơn qua quy chế phối hợp Công đoàn Giáo dục với Tổng liên đoàn Lao động qua tuyến Liên đoàn Lao động cấp huyện...
Nội dung thảo luận, theo Bộ trưởng, ngoài những công việc đã thống nhất theo chương trình Đại hội, cần quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp phápcủa công đoàn viên, trước hết là về chế độ, chính sách. Trong đó, thảo luận, góp ý cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mà trọng tâm là chương về Nhà giáo.
Cùng với đó, thảo luận đưa ra giải pháp chủ động làm công tác tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo; hỗ trợ giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tư vấn cho địa phương để hài hòa trong thực hiện dồn điểm trường, tinh giản đầu mối với điều kiện học tập của học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc…
“Gần đây, dù việc xảy ra là số nhỏ, nhưng lại tác động mạnh đến dư luận nên nhiều thầy cô trong tâm trạng lo âu. Công đoàn Giáo dục cần có những cuộc vận động để khơi dậy niềm tự hào, tạo niềm tin cho các thầy cô trong sự nghiệp đổi mới” – Bộ trưởng đề nghị.
Nhấn mạnh đến việc bảo vệ nhân phẩm nhà giáo, Bộ trưởng cho rằng, phải có giải pháp căn cơ, từ nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đến quy chế, quy tắc ứng xử trong nhà trường… để đẩy lùi, hạn chế đến mức nhỏ nhất tiêu cực không đáng có. Riêng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học với yêu cầu không chung chung, cần cụ thể, dễ nhìn, dễ thực hiện, dễ theo dõi, giám sát… - các nhà trường cần phải có vào năm học mới.
Về chuyên môn nghiệp vụ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư sửa đổi bổ sung về chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên để các thầy cô tự soi, tự sửa, tự học, tự bồi dưỡng…, gắn đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Đây là nhiệm vụ lớn rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Công đoàn Giáo dục.
Một số vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng gợi ý thảo luận tại Đại hội liên quan đến đội ngũ nhà giáo ngoài công lập từ mầm non đến đại học; tham mưu cơ chế phối hợp giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đặc biệt ở cấp huyện; đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn; tham gia các phong trào, các cuộc vận động nhằm lan tỏa những nhân tố tích cực trong ngành Giáo dục…
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)