Phù Mỹ: Nỗ lực vực dậy làng nghề
Thời gian qua, hoạt động sản xuất của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Phù Mỹ đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách. Tuy vậy, các làng nghề đang gặp khó khăn bởi quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm khó tiêu thụ.
Hoạt động cầm chừng
Theo thống kê của Ban quản lý Cụm công nghiệp - làng nghề huyện Phù Mỹ, toàn huyện hiện có 9 làng nghề với gần 900 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho 1.570 lao động. 7/9 làng nghề được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, 4/7 làng nghề trong số này được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống (LNTT).
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của các làng nghề trên địa bàn huyện chậm phát triển, hiệu quả kinh tế chưa cao, bởi quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm không có tính cạnh tranh, nhiều làng nghề có nguy cơ mai một.
Sản phẩm bánh tráng mì chà ở Mỹ Tài.
Ghi nhận thực tế tại LNTT se dây dừa thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi cho thấy không khí sản xuất trầm lắng. Khoảng 2 năm trở lại đây, sản phẩm dây dừa không còn được DN đặt hàng và bao tiêu, người dân làng nghề không còn sản xuất thường xuyên như trước. Theo ông Nguyễn Văn Thành, trưởng thôn, cả thôn có 130 hộ làm nghề se dây dừa, nhưng nay chỉ khoảng 20 hộ còn làm. Bà Phạm Thị Thiều, làm nghề se dây dừa lâu năm ở đây, bộc bạch: “Dây dừa làm ra không có người mua, thỉnh thoảng bán cho vài người quen ở chợ. Sản phẩm dây dừa chỉ bán được 20.000 đồng/kg, 5 ngày mới bán được một phiên, thu nhập chừng 30.000 đồng/người/ngày”.
Tại xã Mỹ Tài, hoạt động sản xuất của các LNTT có phần ổn định hơn. Anh Đặng Văn Vũ, làm nghề đan tre ở thôn Vĩnh Nhơn, cho hay: “Dù không mang lại thu nhập chính, nhưng nghề đan tre góp phần cải thiện cuộc sống của bà con nơi đây. Nghề này làm quanh năm, rộ nhất từ tháng 9 - 12 hàng năm. Sản phẩm tre đan Vĩnh Nhơn chủ yếu là các loại rổ lớn, sàng… phục vụ thị trường Tây Nguyên”.
Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài, xã có 2 làng nghề được công nhận LNTT, gồm làng bánh tráng mì chà và đan tre với 320 hộ dân tham gia sản xuất. “Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu nhờ vào bạn hàng của các hộ sản xuất, chứ hiện chưa có cơ sở nào liên kết với các hộ dân ở LNTT để tăng đầu ra cho sản phẩm. Hoạt động sản xuất của các LNTT ở Mỹ Tài tuy ổn định nhưng chưa thực sự phát triển, chỉ cầm chừng”, ông Thanh nhìn nhận.
Nỗ lực khôi phục các làng nghề
Ông Nguyễn Đông Cường, Trưởng Ban quản lý Cụm công nghiệp - làng nghề huyện Phù Mỹ, cho biết: “Những năm qua, huyện ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ máy móc giúp người dân các làng nghề yên tâm sản xuất. Đến nay, một số hạng mục hạ tầng cơ bản của làng nghề đã được đầu tư xây dựng, như đổ bê tông xi măng đường trục chính vào làng nghề, đường giao thông nội bộ, xây bể xử lý nước thải, hệ thống điện, nước… tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỉ đồng”.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phù Mỹ, khôi phục lại LNTT trên địa bàn huyện còn nhiều việc phải làm. Trước mắt, huyện tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các LNTT; hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được những sản phẩm đặc trưng và tạo đầu ra bằng cách liên kết với các DN bên ngoài; hỗ trợ nâng cao tay nghề của lao động LNTT; hỗ trợ máy móc, vốn cho các hộ sản xuất…
“Giai đoạn này, huyện ưu tiên hỗ trợ các làng nghề đã được công nhận LNTT, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề chưa được công nhận; từng bước quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng nghề. Gắn phát triển làng nghề với du lịch là hướng đi trong tương lai để vực dậy LNTT”, ông Toàn cho biết.
THU DỊU