Góp ý Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Cần có cơ chế đủ mạnh để xử lý vi phạm
Sau gần 13 năm thi hành, Luật Cạnh tranh năm 2004 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2005) chưa phát huy hiệu quả trong việc giám sát, quản lý các hoạt động cạnh tranh của DN. Vì vậy, tháng 10.2017, Bộ Công Thương đã trình Quốc hội sửa Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập.
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 10 chương, 123 điều. Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo được tổ chức ngày 19.4, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh khẳng định việc sửa đổi Luật là cần thiết, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các cam kết quốc tế và khai thác tốt cơ hội mà các hiệp định tự do mang lại.
Băn khoăn về Ủy ban cạnh tranh quốc gia
Góp ý cho Dự thảo, nhiều đại biểu quan tâm đến tổ chức chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh. Bà Hồ Mỹ Ngọc Chân - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) - bày tỏ băn khoăn về cơ chế hình thành Ủy ban cạnh tranh quốc gia. “Theo Dự thảo, Ủy ban cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng các thành viên của Ủy ban lại do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Chưa kể, Ủy ban cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công Thương thì khó đảm bảo quyền và trách nhiệm của cơ quan này”, bà Chân phân tích.
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Ánh Tuyết cho rằng việc thành lập Ủy ban cạnh tranh quốc gia như Dự thảo là hợp lý, đảm bảo mục tiêu sắp xếp bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung. Bởi, Ủy ban cạnh tranh quốc gia được thành lập trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay.
Tuy chưa đồng thuận cao về cơ chế hình thành Ủy ban cạnh tranh quốc gia, nhưng các đại biểu đều thống nhất cần quy định rõ ràng, cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức này. Có vậy mới đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả trong quá trình hoạt động trên lĩnh vực vốn còn nhiều phức tạp, nhạy cảm này.
Phải có cơ chế xử lý rõ ràng
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có quy định về các hành vi bị cấm, cũng như các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh; tuy nhiên, dự thảo lại chưa đưa ra các chế tài cụ thể. Cụ thể, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Lê Văn Tâm chỉ ra rằng, Điều 8 của dự thảo quy định về các hành vi bị cấm đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân. So với Luật hiện hành, Dự thảo đã mở rộng và quy định rõ hơn các hành vi bị cấm đối với nhóm chủ thể đặc biệt này. Tuy nhiên, toàn bộ Dự thảo lại không có quy định nào để đảm bảo việc thực thi điều khoản này.
“Thực tế, thời gian qua đã có hiện tượng không ít cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm điều cấm trong Luật Cạnh tranh, tác động rất lớn đến thị trường, nhưng không có cơ chế nào để xử lý. Điều này khiến các quy định của Luật Cạnh tranh trở nên thiếu khả thi và cộng đồng DN mất niềm tin vào tính bình đẳng trong việc xử lý các chủ thể vi phạm pháp luật cạnh tranh”, ông Tâm phân tích.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cạnh tranh trên thị trường Việt Nam ngày càng gay gắt và tinh vi. Do đó, việc thắt chặt quản lý, bảo vệ quyền lợi cho các DN và loại bỏ các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh là vấn đề cần đặc biệt chú trọng, nhất là “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng chính sách. “Luật Canh tranh sửa đổi cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các cơ chế xử lý vi phạm rõ ràng. Luật của chúng ta phải ngày càng tiệm cận với luật pháp quốc tế, nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay”, luật sư Lê Hoài Sơn (thành viên Đoàn Luật sư tỉnh) nhấn mạnh.
Nên rút ngắn thời hạn thẩm định tập trung kinh tế
“Theo Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thì thời hạn để thẩm định tập trung kinh tế tối đa là 232 ngày, nếu tính cả thứ Bảy, Chủ nhật thì lên đến 294 ngày, tương đương 9,8 tháng. Ðây là khoảng thời gian tương đối dài, thậm chí là quá dài nếu nhìn từ góc độ cơ hội kinh doanh và thị trường trong từng thời kỳ, do đó có thể ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động kinh doanh của DN, nhất là trong trường hợp kết luận của cơ quan có thẩm quyền là các hoạt động tập trung kinh tế mà DN đề nghị không tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường. Ðề nghị ban soạn thảo xem xét rút ngắn thời gian thẩm định”.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh LÊ VĂN TÂM
NGUYỄN VĂN TRANG