Góc nhìn mới về bản sắc làng ven biển Nhơn Lý
Tại Hội thảo chuyên đề “Bảo tồn văn hóa, kiến trúc làng ven biển để phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý” vừa được Sở Du lịch phối hợp UBND TP Quy Nhơn tổ chức, một số chuyên gia đã gây chú ý, khi đánh giá làng chài nơi đây ẩn chứa giá trị “di sản”.
Gợi mở góc nhìn mới
Tại Hội thảo, kiến trúc sư (KTS) Đặng Thục Trang, Công ty TNHH Kiến trúc Scene Plus (TP Hồ Chí Minh), công sự của KTS Lecaron, một nhà thiết kế đô thị nổi tiếng người Pháp từng có nhiều dự án rất thành công, đã đưa ra những thông tin nghiên cứu bước đầu của KTS Lecaron. Ông Lecaron rất quan tâm nên đã nhiều lần đến tìm hiểu tại các khu vực sinh sống của người dân làng chài Nhơn Lý. Qua những nghiên cứu bước đầu của KTS Lecaron mà KTS Thục Trang công bố tại Hội thảo, ông đánh giá hình thái đô thị và kiến trúc nhiều nhà dân ở các làng chài Nhơn Lý ẩn chứa giá trị di sản.
Nhà dân ở các làng chài xã Nhơn Lý nằm trên các con đường dốc dẫn ra biển.
Theo nghiên cứu trên, điểm đáng chú ý là tất cả các con đường chính ở làng chài đều hướng ra bãi biển (nơi có bến cá được xem là trung tâm của làng chài), tạo thành những tuyến giao thông hình tia (tạm gọi theo phương dọc), bám theo các con dốc và dẫn tất cả nước mưa ra biển một cách tự nhiên. Đó không phải là những con đường thẳng tắp mà khúc khuỷu để ngăn gió từ biển quét thẳng qua, hẹp để tạo ra bóng râm. Các tuyến đường hình tia được kết nối bằng các tuyến giao thông theo phương ngang chạy theo các đường đồng mức, dẫn đến các không gian sinh hoạt cộng đồng của làng chài.
Nhà ở trong làng chài thường từ 1 đến 2 tầng để không cản trở tầm nhìn của những ngôi nhà khác ra biển... Theo các chuyên gia, hình thái đô thị của làng chài hoàn toàn được bố trí dựa vào tập quán và đặc điểm nghề cá để ngư dân có thể sinh sống tiện lợi, an toàn, trong một môi trường sinh thái và rất nhân văn.
“Lãnh đạo TP Quy Nhơn đã và sẽ quan tâm chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý. Bên cạnh việc cần tiếp tục có thêm sự tư vấn của đội ngũ chuyên gia, để qua đó xem xét phải làm gì, làm như thế nào trong nguồn lực cho phép, thì yếu tố quan trọng nhất để thực hiện được vẫn là tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư ủng hộ. Tôi tâm huyết với điều chuyên gia đã nêu trong hội thảo, đó là phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững thì người dân vừa tận hưởng cuộc sống hiện tại của mình một cách thoải mái, lại vừa có lợi nhuận…”.
Ông NGUYỄN ÐÌNH KHA, Phó Bí thư Thành ủy Quy Nhơn
KTS Đặng Thục Trang cho biết thêm: “Theo nhìn nhận của chúng tôi, với địa hình dốc ra biển, các ngôi nhà, lối đi, mương thoát nước đều được làm rất sáng tạo theo phong cách dân gian hiếm có ở Việt Nam cũng như các nước châu Á khác, nhưng lại khá giống với những hình ảnh làng chài ở châu Âu”.
Nhà dân tại các làng chài ở Nhơn Lý được nêu ở khảo sát trên đều được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1960 - 2005. Qua khảo sát, các KTS đưa ra những nhìn nhận ban đầu là kiến trúc nhiều ngôi nhà nhỏ đẹp, có tính sáng tạo, tỉ lệ hài hòa, được thiết kế và phối màu tốt, cùng một số chi tiết cửa bằng gỗ rất thanh lịch.
“Ban đầu KTS Lecaron còn quả quyết rằng nhiều ngôi nhà cũ này phải có KTS thiết kế mới được như vậy, cho đến khi chúng tôi có dịp gặp một vài người thợ đang xây dựng những ngôi nhà mới, được họ cho biết những ngôi nhà này là do thế hệ cha ông của họ bỏ nhiều thời gian, công sức để xây dựng. Chúng tôi hỏi lý do vì sao họ không còn xây dựng những ngôi nhà như trước kia. Họ trả lời, ngày nay nếu muốn xây dựng kiểu nhà tỉ mỉ như vậy thì kinh phí ước tính gấp 5 - 6 lần so với ngày xưa”, KTS Thục Trang chia sẻ.
Đề xuất phát triển du lịch cộng đồng bền vững
Tại Hội thảo, các KTS nêu trên đã đề xuất phát triển du lịch cộng đồng theo hướng gìn giữ những nét đặc trưng riêng trong hình thái kiến trúc đô thị và nhà dân ở Nhơn Lý, tạo sức hút du khách.
Theo đề xuất, việc cấp thiết là có một cơ chế quản lý việc phá dỡ và xây dựng công trình mới trong phạm vi làng chài trong thời hạn 1 năm, để tiếp tục đánh giá một cách khoa học và có cơ sở công nhận những giá trị kiến trúc tại đây. Từ đó, tuyên truyền và hướng dẫn người dân ý thức giữ gìn những giá trị này. Cụ thể, sẽ tiến hành nghiên cứu thật chi tiết các ngôi nhà và các công trình, mạng lưới đường, hẻm và các không gian công cộng. Khảo sát đánh giá lại nhiều ngôi nhà để có phương án bảo tồn, khôi phục kết cấu cũ đảm bảo tính an toàn …
“Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu sẽ lập quy hoạch bảo tồn, chỉ ra những gì cần được bảo vệ và phục hồi, những gì có thể bị phá dỡ, hoặc có thể được xây dựng, các vấn đề xử lý nước thải, môi trường... Đồng thời lập quy hoạch phân khu các chức năng dịch vụ, với đề xuất những khu vực dành cho hoạt động mới phục vụ du khách, khu vực hoạt động cộng đồng và nghề thủ công. Cũng trong thời hạn 1 năm này, các hoạt động du lịch trách nhiệm, bền vững, cũng sẽ được nghiên cứu để phù hợp với cư dân Nhơn Lý”, KTS Đặng Thục Trang đề xuất.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Thị Vinh Hương đánh giá, điểm đặc biệt của Hội thảo là giúp tiếp cận được một phương pháp mới, xu hướng mới về bảo tồn văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại xã Nhơn Lý. “Cần phải có những hoạt động thiết thực để toàn thể cộng đồng có ý thức sâu sắc và cùng thực thi các biện pháp bảo tồn, cũng như có cách truyền tải đến du khách những giá trị này”, bà Hương nhấn mạnh.
HOÀI THU