Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn lúng túng xây dựng thương hiệu
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) vẫn lúng túng trong việc đề ra và thực hiện các chiến lược dài hạn để xây dựng và phát triển thương hiệu.
Thương hiệu là một phần quan trọng trong khối tài sản của doanh nghiệp, giá trị của thương hiệu có thể chiếm tới 70% tổng tài sản của doanh nghiệp, thậm chí có những thương hiệu trở thành vô giá. Tuy nhiên, lâu nay DNVVN chưa chú ý xây dựng thương hiệu. Không ít doanh nghiệp nhỏ có quan niệm, việc xây dựng thương hiệu là tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn mạnh.
Chính vì tư duy đó mà nhiều DNVVN bị lép vé, yếu thế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này dẫn đến hậu quả, nhiều khách hàng đã quay lưng lại với các sản phẩm trong nước, quan tâm đến các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài cho dù sản phẩm không khác nhau về chất lượng, hình thức, giá cả…
Xây dựng thương hiệu là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
Theo đánh giá của ông Lại Tiến Mạnh, chuyên gia xây dựng thương hiệu, Giám đốc điều hành Midrand, ở Việt Nam, rất ít DNVVN xây dựng thương hiệu thành công. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công như chuỗi cà phê Cộng hay Coffe House chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Mạnh cho rằng, khó khăn nhất hiện nay đối với các DNVVN là năng lực thực thi của việc xây dựng thương hiệu. Thông thường, xây dựng thương hiệu cần phải tính toán bài bản, bao gồm việc lập kế hoạch chiến lược và thực thi, đầu tư chi phí phù hợp cho truyền thông, quảng cáo.
Tuy nhiên, phần lớn DNVVN Việt Nam đều yếu và thiếu những yếu tố này. Chỉ có một số ít doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn đó là do xuất phát điểm của họ có mô hình kinh doanh độc đáo, hoặc vì mô hình doanh nghiệp nhỏ nên họ tính toán đến việc tiết kiệm chi phí để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
Là một trong những doanh nghiệp thành công trong xây dựng thương hiệu, bà Lê Thị Bình, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình chia sẻ, trong bối cảnh cạnh tranh trên thương trường đầy khốc liệt như hiện nay, thì cách xây dựng thương hiệu hiệu quả nhất là tạo lòng tin với người tiêu dùng bằng uy tín, chất lượng sản phẩm và giá cả và tích cực làm truyền thông để thu hút sự quan tâm sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu đã khó nhưng giữ gìn thương hiệu của sản phẩm còn khó hơn. Do đó, cần tuân thủ chặt chẽ về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm luôn đặt lên hàng đầu.
Bà Bình tâm niệm, xây dựng thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp ghi được dấu ấn mạnh mẽ đối với khách hàng, gây dựng chữ tín, vị thế của doanh nghiệp trên thương trường mà còn là yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
"Phần lớn DNVVN hiện nay yếu và thiếu về kiến thức trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, do đó nên tìm đến các chuyên gia hoặc các đơn vị tư vấn để làm chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp. Các DNVVN muốn trụ vững, bứt phá, không thể không xây dựng và gìn giữ thương hiệu. Bởi khi xây dựng được thương hiệu sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng, đó là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của doanh nghiệp”- ông Lại Tiến Mạnh cho hay./.
Theo Chung Thủy (VOV.VN)