Tưng bừng khai mạc Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 2018
Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức từ ngày 19-22.4 với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc, thú vị.
Tối 19.4, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tham dự Chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương.
Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch tổ chức với sự tham gia của gần 300 đại biểu của các tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước. Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân đại diện cho 17 dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Ảnh: LVO.
Thời gian qua, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đã không ngừng lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá những cái hay, cái đẹp của văn hóa các dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tăng thêm lòng tự tôn, tự hào, ý thức trách nhiệm giữ gìn văn hóa các dân tộc, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tăng cường mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa với các nước.
Phát biểu tại lễ Khai mạc Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Từ khi ra đời Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã không ngừng phát triển và dân trở thành ngôi nhà chung của các dân tộc anh em. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay, việc khẳng định và phát huy bản sắc dân tộc có vị trí và vai trò ngày càng quan trọng. Trong đó, Đảng ta đã định hướng về xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
"Hôm nay chúng ta cùng chứng kiến sự hội tụ giao lưu văn hóa đặc sắc đại diện cho 54 dân tộc từ mọi miền Tổ quốc. Đây không chỉ đơn thuần là đêm hội văn hóa mà còn thấm đượm tinh thần đoàn kết ý chí khát vọng vươn lên nhằm không ngừng vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời đó cũng là nền tảng tinh thần của xã hội trở thành sức nạnh vật chất của toàn dân tộc, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh dân chủ công bằng và văn minh", Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Âm vang đất Việt”. Ảnh: LVO.
Ngay sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Âm vang đất Việt” do các nghệ sỹ và nghệ nhân biểu diễn. Chương trình nghệ thuật gồm 16 tiết mục văn nghệ đặc sắc, tiêu biểu cho văn hóa các vùng miền. Qua đây, người xem có thể cảm nhận được giá trị văn hóa, tình đoàn kết gắn bó cộng đồng và tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Những năm qua, hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên cả nước. Theo ông Lý Văn Huyện, dân tộc Dao ở huyện Ba Vì, Hà Nội, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đã và đang mang lại những trải nghiệm thú vị cho đồng bào các dân tộc trên mọi niềm Tổ quốc. Đó là sự giao lưu, kết hợp, cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa mỗi tộc người.
"Đến Làng văn hóa các dân tộc, chúng tôi sẽ mang đến những nét văn hóa đặc sắc của người Dao. Tại đây, chúng tôi được gặp tất cả các dân tộc anh em và cùng nhau bảo tồn văn hóa dân tộc. Làng văn hóa cũng giúp đỡ rất nhiều các dân tộc và tạo điều kiện cho các nghệ nhân để đưa nét đẹp văn hóa của mình đến gần với du khách hơn", ông Lý Văn Huyện chia sẻ.
Trong các ngày từ 19 đến 22.4, nhiều hoạt động chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức như: Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam; nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ; trình diễn ẩm thực dân tộc vùng Tây Bắc; trình diễn giai điệu Tây Nguyên. Đặc biệt, trong suốt các ngày diễn ra sự kiện, đồng bào các dân tộc sẽ tiến hành tái hiện các lễ hội như: lễ hội Cầu mưa người Gia Rai; Tết chol Chnam thmay của dân tộc Khmer và lễ Xăn Khan dân tộc Thái. Tất cả các hoạt động đó sẽ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc hiện nay./.
Theo Hải Phong (VOV1)