Ðôi vợ chồng khuyết tật vượt qua nghịch cảnh
Vượt qua muôn vàn khó khăn, trắc trở nhưng với tình yêu, sự đồng cảm, đặc biệt là sự quan tâm chia sẻ từ cộng đồng đã giúp cho đôi vợ chồng khuyết tật Lê Anh Phong và Trịnh Thị Xuân (ở xóm 10, thôn Mỹ Bình 2, xã Hoài Phú, Hoài Nhơn) không đầu hàng số phận, từng bước ổn định cuộc sống.
Chị Trịnh Thị Xuân giúp chồng chạm trỗ đồ gỗ mỹ nghệ tại nhà.
Anh Lê Anh Phong (SN 1980, ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) mồ côi cả cha lẫn mẹ, không anh em ruột thịt. 18 tuổi anh đã vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh với nghề chạm trỗ mỹ nghệ. Nhưng số phận đưa đẩy, vào năm 2006 trong một vụ TNGT đã cướp đi mất chân phải. Cuộc sống khó khăn nhưng anh đã tự mình vực dậy, tiếp tục làm việc.
Còn chị Trịnh Thị Xuân (SN 1971, ở xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn) bị khuyết tật 2 chân từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình cũng hết sức khó khăn, cũng vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp với nghề may công nghiệp. Nhờ sự chịu thương, chịu khó nên dù khuyết tật chị vẫn được cơ sở may nhận làm việc.
Khoảng năm 2010, anh Phong và chị Xuân gặp nhau qua chương trình Kết bạn 4 phương của Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Dương. Vì đồng cảm đã đưa 2 người gắn bó với nhau và cùng đưa nhau về quê chị ở xã Hoài Phú để sinh sống.
Tuy nhiên, cuộc sống thêm khó khăn khi cả gia đình bên vợ và bên chồng đều không có điều kiện để giúp đỡ đôi vợ chồng trẻ. Trong 3 năm đầu về quê lập nghiệp, hai vợ chồng phải đi thuê nhà trọ để ở. Đến năm 2013, thấy hoàn cảnh của 2 vợ chồng khá khó khăn, chính quyền địa phương cho đất, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, huyện vận động DN hỗ trợ số tiền 35 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho 2 vợ chồng.
Niềm vui lớn của đôi vợ chồng khuyết tật chưa trọn vẹn khi ngôi nhà đang được thi công thì tháng 9.2013, con của anh chị là bé Lê Trịnh Gia Vỹ, lúc đó mới 9 tháng tuổi bị bỏng nước sôi với diện tích bỏng trên 60%, độ 2-3. Nhớ lại thời điểm đó, anh Lê Anh Phong thoáng rùng mình: “Nếu không có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các cấp chính quyền không biết liệu rằng gia đình tôi có vượt qua được thời gian đó không. Vì toàn bộ số tiền điều trị cho bé hơn 40 triệu đồng đều do các tấm lòng vàng khắp nơi gửi về. Vợ chồng tôi thật sự biết ơn những tấm lòng nhân ái khắp cả nước”.
Sau những biến cố lớn của cuộc sống, vợ chồng anh chăm chỉ làm việc, cùng nhau chăm sóc con, vun vén cho mái ấm của mình. Anh Phong cho biết: “Xuất phát điểm mình đã thiệt thòi hơn mọi người, do đó đòi hỏi sự cố gắng, chăm chỉ của cả 2 vợ chồng”.
Đến nay, bé Lê Trịnh Gia Vỹ đã được 5 tuổi, đang theo học tại trường mẫu giáo của thôn. Hàng ngày chị Xuân đến cơ sở may gia công gần nhà để làm việc, anh Phong phụ trách đưa đón con rồi về chạm trỗ đồ gỗ mỹ nghệ theo đơn đặt hàng của các cơ sở. Chị Trịnh Thị Xuân tâm sự: “Tôi thấy cuộc đời mình vẫn còn nhiều may mắn và hạnh phúc, dù còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng từ cả 2 vợ chồng nhưng chỉ cần thấy con vui vẻ chạy nhảy, nô đùa cùng bạn, sự san sẻ từ chồng đã giúp tôi vững tin hơn trong cuộc sống”.
Hiện nay, anh Lê Anh Phong chăm chỉ chạm trỗ đồ gỗ mỹ nghệ tại nhà để kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Anh cho biết, một số cơ sở sản xuất đồ gỗ có đề nghị nhận anh làm tại cơ sở của họ nhưng để tiện chăm sóc cho con vì bé còn nhỏ, vợ bị tật nặng không thể đưa đón bé nên anh vẫn làm tại nhà. Anh Phong chia sẻ: “Với kinh nghiệm gần 20 năm làm chạm trỗ đồ gỗ mỹ nghệ, tôi sẵn sàng nhận dạy nghề miễn phí cho trẻ mồ côi và người khuyết tật nếu họ có nhu cầu, cũng coi đó như một cách để trả ơn với đời”.
ÁNH NGUYỆT