CÁC TRẠM Y TẾ XÃ Ở HOÀI ÂN:
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe
Ở huyện trung du Hoài Ân, điều kiện tiếp cận với các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến trên còn khó khăn. Do đó, để thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe cho người dân thì các trạm y tế xã đã có nhiều nỗ lực, đồng thời cũng đã nhận được sự quan tâm đầu tư.
Nhân viên Trạm y tế xã Ân Sơn (bên phải) đến thăm hỏi sức khỏe gia đình người dân.
Tuyên truyền, tư vấn thiết thực
Ở các xã miền núi, vùng cao huyện Hoài Ân, điều kiện để người dân tiếp cận với các kiến thức, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe mới, hiện đại còn nhiều hạn chế. Do vậy, cán bộ, nhân viên của trạm y tế xã càng phải nỗ lực hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tại các xã Đắk Mang, Bok Tới, Ân Sơn, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, nhận thức của người dân về việc không sinh con thứ 3, không tự sinh con tại nhà, các biện pháp tiêm phòng, sàng lọc trước và sau sinh, tránh thai… ngày càng được nâng cao. Điều này là nhờ nhân viên y tế xã đã đến từng thôn, làng, từng hộ gia đình để tiến hành rà soát, nắm bắt cụ thể các trường hợp. Qua đó, có cách tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân những giải pháp phù hợp.
“Ban ngày mọi người bận công việc, trong đó nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số đi làm rẫy trên đồi núi xa, nên chúng tôi thường đến nhà vào lúc trời sẩm tối mới gặp được. Nhân viên chuyên trách từng bộ phận sẽ vận động, tuyên truyền theo cách riêng phù hợp từng đối tượng để đạt hiệu quả. Mỗi tuần chúng tôi có 3 đến 4 lần đến thăm từng hộ dân để nói chuyện, kiên trì từng bước vận động chị em để dần dần mọi người hiểu và thực hiện theo những kỹ năng, kiến thức chăm sóc sức khỏe được hướng dẫn…” , điều dưỡng Trần Thị Kiều Nga, nhân viên Trạm y tế xã Ân Sơn, chia sẻ.
Theo chân nhân viên Trạm y tế xã Ân Sơn, chúng tôi đến nhà chị Đinh Thị Yến ở thôn 2 của xã, người vừa sinh em bé được 4 tháng. Tại đây, nhân viên y tế nhiệt tình tư vấn thêm các biện pháp tránh thai cũng như kỹ năng chăm sóc trẻ cho người phụ nữ này. “Từ khi mang thai bé, tôi được nhân viên của trạm y tế xã quan tâm thường xuyên đến tư vấn về lợi ích của việc sàng lọc trước và sau sinh, cùng lời khuyên nhủ không sinh con tại nhà để mẹ và bé được chăm sóc sức khỏe tốt. Thực hiện theo thấy nhiều hiệu quả nên ngày càng tin tưởng hoàn toàn theo hướng dẫn…” , chị Đinh Thị Yến chia sẻ.
Từng bước “nâng chất, nâng tầm”
Không chỉ làm tốt công tác dự phòng, các trạm y tế ở Hoài Ân còn thực hiện công tác điều trị. Ở một xã cách khá xa Trung tâm y tế huyện như xã Ân Hữu, việc tổ chức khám chữa bệnh cho người dân tại trạm y tế càng thêm vai trò quan trọng. Cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, cùng sự tận tình khám chữa bệnh của bác sĩ, nhân viên Trạm y tế xã Ân Hữu tạo được niềm tin cho người dân. Hằng năm, Trạm y tế này đã tiếp nhận điều trị ngoại trú cho gần 2.000 bệnh nhân, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đã tăng lên (năm 2017 đạt 98%).
Hiện 15/15 trạm y tế xã, thị trấn ở huyện Hoài Ân đã có bác sĩ tại chỗ, cơ sở vật chất cũng được quan tâm đầu tư xây dựng hơn. Thực hiện theo lộ trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 12/15 trạm y tế các xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia. Trong năm 2018, Trung tâm y tế huyện Hoài Ân đã quyết tâm thực hiện mục tiêu hỗ trợ 2 trạm y tế xã vùng cao (Đắk Mang, Bok Tới) và 1 trạm y tế xã khó khăn (Ân Tường Đông) sẽ đạt chuẩn. “Huyện Hoài Ân cùng các xã cũng đã cân đối kinh phí để sửa chữa và xây dựng một số phòng chức năng cho các trạm y tế xã còn khó khăn, phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Đến nay, nhìn chung các trạm y tế đã có nhiều nỗ lực phục vụ và từng bước phát triển tốt… ”, BS Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoài Ân, cho biết.
Ðắk Mang là xã vùng cao nơi có nhiều đồng bào Bana sinh sống. Trạm y tế thường phối hợp với Ðài truyền thanh xã thực hiện công tác tuyên truyền, thông báo trước để hẹn lịch tiêm phòng hằng tháng. Ðồng thời chúng tôi tuyên truyền lồng ghép việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ vào các ngày lễ như 8.3 hay 20.10, hay triển khai phối hợp các chi hội, đoàn thể ở các thôn, làng để vận động. Liên kết với cộng tác viên y tế thôn tiến hành rà soát và kịp thời vận động, hướng dẫn từng trường hợp cụ thể…” (chị Ðinh Thị Quyết, cán bộ Trạm y tế xã Ðắk Mang)
THẢO KHUY